Vì sao trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, hay giật mình khiến nhiều mẹ lo lắng vì lâu ngày có thể ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt và đà tăng trưởng của con. Vậy làm cách nào để trẻ ngủ sâu giấc? Mời mẹ cùng tìm hiểu các mẹo giúp trẻ ngủ ngon trong bài viết sau đây.
Khác với người trưởng thành, trẻ sơ sinh có tổng thời gian đi ngủ trong một ngày khá dài, khoảng 16-18 tiếng/ngày. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh đóng vai trò hỗ trợ phát triển trí não tối ưu. Đặc biệt là trong 3 năm đầu đời, 80% tế bào não được tạo ra có liên quan đến thời gian và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Vì thế, việc đảm bảo trẻ ngủ ngon, ngủ đủ giấc là rất cần thiết.
Điểm danh các nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc
Sau đây là các nguyên nhân có thể khiến trẻ sơ sinh ngủ chập chờn không sâu giấc:
Trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, còn khá non nớt nên dễ mắc các chứng rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, đầy hơi...) nếu mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa (với trẻ bú mẹ). Ngoài ra, nếu công thức sữa trẻ uống có chứa đạm biến tính do gia nhiệt nhiều lần sẽ gây khó tiêu, làm bụng trẻ khó chịu, khiến con quấy khóc và khó ngủ sâu giấc.
Nguyên nhân sinh lý: Trẻ sơ sinh chưa phân biệt được ngày và đêm; đồng thời dành 50% thời gian ngủ ở giấc ngủ REM - giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh, hơi thở và nhịp tim nhanh (gần như thức giấc) nên dễ bị giật mình, tỉnh giấc nếu có tiếng động mạnh.
Trẻ bị đói: Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc là do bú sữa chưa no nên hay thức dậy đòi ăn.
Môi trường ngủ nhiều ánh sáng và ồn ào: Ánh sáng từ môi trường xung quanh quá nhiều, hay âm thanh ồn ào cũng khiến trẻ ngủ hay giật mình.
Tã của trẻ bị ướt, quần áo hoặc giường làm trẻ khó chịu: Nguyên nhân trẻ sơ sinh quấy khóc ngủ không sâu giấc có thể do tã lót bị ướt, quần áo bó chật hoặc giường chiếu không sạch.
Một số nguyên nhân khác: Do trẻ có thói quen bế bồng khi ngủ, hoặc do mắc các bệnh lý nội khoa (viêm tai giữa, trào ngược dạ dày...), nhiễm khuẩn đường mũi họng...
Các vấn đề về tiêu hóa (táo bón, chướng bụng...), bú không đủ sữa, hoặc tã bị ướt sẽ khiến con khó chịu, quấy khóc, ngủ không sâu giấc.
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc hay vặn mình có sao không?
Trẻ ngủ không sâu giấc thường có biểu hiện cáu kỉnh, mệt mỏi, hay quấy khóc. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của con. Vì thế, mẹ cần tìm cách cải thiện càng sớm càng tốt.
Mách mẹ mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon và êm giấc
Để bé yêu có giấc ngủ ngon, mẹ có thể áp dụng các cách dưới đây:
Chú ý chế độ dinh dưỡng của trẻ
Trong những năm đầu đời, sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hệ tiêu hóa của con. Với trẻ bú mẹ, để có nguồn sữa chất lượng mẹ nên ăn các thực phẩm dễ tiêu, hỗ trợ ngủ ngon và sâu giấc như rau xanh, các loại hạt, yến mạch, cá hồi...
Còn với trẻ dặm sữa công thức, mẹ cần đặc biệt chú ý chất lượng đạm trong sữa. Bởi đạm sữa vô cùng nhạy cảm với nhiệt độ, nên nếu trong quá trình sản xuất trải qua gia nhiệt nhiều lần sẽ dễ bị biến đổi cấu trúc, trở thành đạm vón cục, khó tiêu hóa. Khi đi vào cơ thể bé, đạm biến tính kéo dài thời gian tiêu hóa trong dạ dày, khiến bụng bé khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Dạy trẻ cách phân biệt ngày - đêm
Tập cho trẻ phân biệt ngày và đêm sẽ giúp con ngủ sâu giấc và ít thức dậy vào ban đêm. Để làm được điều này, mẹ có thể trò chuyện, chơi với bé nhiều vào ban ngày. Còn ban đêm thì giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh.
Cho trẻ bú no trước khi đi ngủ
Để trẻ ngủ thẳng giấc, mẹ nên cho con bú no, đủ lượng sữa theo nhu cầu. Ngoài ra, mẹ đừng quên vỗ ợ hơi cho trẻ trước khi ngủ để giúp con nhẹ bụng, không bị trớ sữa.
Quấn kén cho trẻ sơ sinh khi ngủ
Quấn kén giúp bé có cảm giác thư giãn và an toàn như đang ở trong bụng mẹ, nhờ vậy mà con dễ chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon.
Điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ phòng ngủ
Mẹ nên chỉnh ánh sáng chiếu mờ, nhiệt độ phòng trong khoảng 16 - 20 độ C, kết hợp bật nhạc du dương để giúp trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Chọn loại tã êm ái cho trẻ
Nhằm giúp bé yêu cảm thấy thoải mái trong khi ngủ, mẹ nên chọn tã có lớp lót mềm mại, thấm hút tốt, co giãn linh hoạt...
Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Trường hợp trẻ ngủ không sâu giấc kéo dài, có các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ như khó vào giấc, ngáp nhiều, sụp mí mắt... thì nên đưa trẻ đi thăm khám để có cách điều trị phù hợp.
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, mẹ cần thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Theo Afamily.vn Theo Tổ Quốc
|