Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài học thiết thực từ dã ngoại - Kỹ năng cần khi đi dã ngoại cho trẻ


 

Dã ngoại chính là bài học thiết thực nhất giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng sống và khả năng ứng biến nhanh trước mọi tình huống.

 


Cha mẹ cần giúp bé chuẩn bị trước mỗi chuyến đi. Ảnh minh họa


Dã ngoại giúp trẻ phát triển kỹ năng. Tuy nhiên, để bảo vệ con, cha mẹ cần dạy trẻ các kỹ năng dã ngoại cần thiết.

 

Trẻ được thử sức hoạt động mới


Cắm trại được coi là một hoạt động thú vị. Khi đi dã ngoại, cắm trại, trẻ em có thể hát, chơi trò chơi, bơi và kể những câu chuyện hài hước vào đêm lửa trại. Điều đó giải thích cho việc vì sao các phụ huynh Mỹ và nhiều nước khác rất chú trọng đến việc thường xuyên cho trẻ đi dã ngoại vào cuối tuần hay các kỳ nghỉ.

 

Hiệp hội cắm trại Mỹ (ACA) đã nghiên cứu và xác nhận rằng, kỹ năng dựng trại là vô cùng cần thiết để tạo cho trẻ ý thức sẵn sàng gánh vác các trọng trách công việc trong tương lai.

 

Thống kê của tổ chức này cho thấy, 96% trẻ tỏ ra hào hứng với việc đi dã ngoại và được góp sức cùng bố mẹ dựng trại, chuẩn bị đồ ăn... Chính sự vận động một cách tự giác như vậy, cùng tinh thần thoải mái và một bầu không khí trong lành sẽ giúp cho thể trạng của trẻ tốt hơn và khả năng đề kháng với bệnh tật cũng hiệu quả hơn. Trẻ sẽ có nhiều cơ hội thử sức với những điều mới lạ khi tham gia vào các hoạt động vui chơi như câu cá, chèo thuyền, đuổi bắt...

 

Ngày nay, nhiều phụ huynh cũng nhận thức được những vấn đề mà trẻ có thể gặp phải nếu bé thường xuyên ở trong nhà hoặc cho con chơi cùng tivi, iPad... Với mong muốn giúp trẻ có các kỹ năng sống thông qua trải nghiệm thế giới bên ngoài, thiên nhiên, nhiều cha mẹ luôn dành những ngày nghỉ để cùng con có các chuyến đi.

 

Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc đưa trẻ ra ngoài chơi không nhất thiết phải là các chuyến đi xa, cần chi phí cao và điều kiện tốt. Thay vào đó, đôi khi chỉ cần một chuyến đi bằng xe buýt, thăm vườn cây, vườn hoa, trang trại giáo dục, rừng quốc gia cách trung tâm Hà Nội từ 10 - 20km..., cha mẹ cũng đã có thể mang thiên đường thiên nhiên đến cho trẻ.

 

Anh Phạm Huy Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) - người có hai con 4 và 5 tuổi, cho biết: "Tôi thường đưa hai con ra ngoài chơi khi có thời gian rảnh, cũng như các ngày nghỉ lễ, Chủ nhật. Địa điểm đến thường là các công viên, trang trại, bảo tàng, có khi là bãi giữa sông Hồng...", anh Hoàng chia sẻ.

 

Nam phụ huynh cùng nhiều bạn bè cũng tham gia lập nhóm để đưa trẻ đi dã ngoại. Địa điểm có thể là rất gần hoặc có thể xa Hà Nội, tùy theo mùa.

 

Trẻ nhận được nhiều kỹ năng nhờ hoạt động dã ngoại. Ảnh minh họa.


Kỹ năng cần thiết


Ông Nguyễn Văn Quảng - Chuyên viên kỹ năng sống, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Thành Đoàn TPHCM cho biết, khi đi dã ngoại, điều đầu tiên là cần chuẩn bị vật dụng cần thiết.

 

Việc đầu tiên, trẻ cần được phụ huynh/ trưởng đoàn trang bị ba lô cá nhân có chứa các vật dụng y tế cơ bản dành cho việc sơ cấp cứu. Trẻ có thể chưa đủ lớn để tự chuẩn bị các đồ dùng này. Do đó, cha mẹ cần giúp bé chuẩn bị trước mỗi chuyến đi.

 

Nếu nhà trường nhận trách nhiệm chuẩn bị đồ thì cha mẹ cũng nên cẩn thận kiểm tra lại. Hãy chú ý tới hạn sử dụng của các loại thuốc uống và thuốc bôi. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn cách sử dụng một số vật dụng như bông gạc, thuốc sát trùng, thuốc chống côn trùng... Từ đó, trẻ có thể tự mình chăm lo cho bản thân và giúp đỡ các bạn khi cần.

 

Cha mẹ thường dạy trẻ biết gọi tên các động vật lớn, nhưng ít khi hướng dẫn bé về những loại côn trùng thường gặp như: Muỗi, ong, sâu...

 

Ngoài ra, khi tham gia dã ngoại trong điều kiện tự nhiên, trẻ cũng có thể gặp ếch, rắn, hay chuột. Do đó, trước khi để bé đi dã ngoại, cha mẹ hãy cho trẻ biết thêm về những loài động vật này và các kỹ năng phản ứng khi gặp chúng.

 

Đồng thời, trẻ cần quan sát cẩn thận nơi mình dừng chân. Nếu có bụi rậm, bé phải biết dùng cành cây dài khua vào bụi trước khi muốn ngồi gần hoặc lấy vật lỡ rơi vào bụi rậm. Khi thấy côn trùng, trẻ phải tránh xa và biết cách hét to để cảnh báo mọi người.

 

Trường hợp bị cắn, trẻ sẽ rất hoảng loạn nếu không có giáo viên hay người hướng dẫn ở gần. Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn bé thực hiện các hành động như: Rời khỏi vị trí có côn trùng, dùng nước miếng sát trùng nếu như quên mang theo thuốc, tuyệt đối không gãi vết cắn và lập tức báo cáo ngay cho người lớn. Đây là một kỹ năng dã ngoại quan trọng mà trẻ nên biết.

 

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ ứng phó khi đi lạc. Thói quen xấu khi bị lạc mà ngay cả người lớn cũng thường xuyên gặp phải là đi lung tung, không định hướng để tìm đường do lo lắng, hoảng sợ. Do đó, trẻ cần phải học được kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh.

 

Khi nhận ra mình đi lạc, trẻ cần đứng yên ngay tại vị trí bị lạc. Nếu trẻ bị lạc theo nhóm đông thì phải động viên nhau đứng yên, sẽ có người đến cứu. Đây cũng là thời điểm bé cần đến kỹ năng giao tiếp, biết cách tạo chú ý để người lớn phát hiện và đến cứu.


Ngoài ra, khi một vài bé cùng nhau tách đoàn và đi lạc thì việc nhường nhịn nhau sẽ giúp tránh gây gổ, cãi cọ dẫn đến tách nhóm.

 

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, cảnh giác với người lạ không chỉ là kỹ năng dã ngoại, mà còn là một kỹ năng sống cơ bản cần được dạy cho trẻ từ sớm. Ngày nay, trẻ em có thể phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như bắt cóc, bạo hành hay quấy rối. Trẻ có thể gặp phải những tình huống xấu này nếu không biết cách đề phòng người lạ.

 

Khi linh cảm có người lạ theo dõi, trẻ cần chạy ngay đến đám đông, báo cáo với trưởng đoàn. Trẻ con rất dễ bị "dụ" khi cho quà. Do đó, nhiệm vụ của cha mẹ là dạy con biết cách nói "Không" đúng lúc, không nên nhận quà, tiếp xúc, trò chuyện với người lạ.

 

Trường hợp bị bắt, trẻ cần bình tĩnh và tìm cách vùng chạy. Phụ huynh cũng có thể dạy thêm cho trẻ một số tư thế phản kháng.

 

"Hầu hết phụ huynh thường cấm trẻ sử dụng những vật dụng có tính sát thương như dao, kéo, búa... Tuy nhiên, đó lại là những vật dụng không thể thiếu khi đi dã ngoại. Trẻ cần được hướng dẫn và cảnh báo mức độ nguy hiểm nếu sử dụng sai cách. Nếu trẻ đủ lớn, cha mẹ cũng có thể dạy bé cách sử dụng cơ bản như cắt, thái, đóng đinh...", ông Quảng gợi ý.

 

Bên cạnh đó, sẽ có nhiều trẻ bị dị ứng với đồ ăn hoặc một thành phần nào đó. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý riêng với người phụ trách. Tuy nhiên, trẻ cũng phải tự nhận thức về vấn đề của mình để chủ động tránh xa các món ăn dễ gây dị ứng. Điều này khá khó, nhất là khi bé nhìn thấy các bạn được ăn nhưng mình lại không. Cha mẹ cần kiên nhẫn giải thích để bé hiểu rõ về thể trạng của mình. Các biểu hiện của ngộ độc thức ăn khá dễ nhận biết như đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu hoặc nôn mửa.

 

Người hướng dẫn sẽ dễ dàng nắm bắt tình hình và hỗ trợ trẻ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không biểu hiện rõ ràng và khó nhận biết. Khi đó, trẻ cần nghỉ ngơi nếu thấy cơ thể "không khỏe" và báo với người lớn về tình trạng của mình.

 

Kỹ năng dã ngoại tiếp theo là rèn luyện khả năng quan sát. Khi đi dã ngoại, bé có thể sẽ gặp phải nhiều địa hình không dễ di chuyển. Bé cần lưu ý quan sát xung quanh để tránh những nguy hiểm té ngã do đường trơn, dốc, nhiều sỏi đá...

 

Trẻ cũng có thể gặp nhiều loài động - thực vật mới lạ và tò mò muốn chạm vào. Song, có thể là những loài vật đó có độc và gây nguy hiểm cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần nhắc nhở bé tuân thủ hướng dẫn của người lớn, không tùy tiện chạm vào con vật hay loài cây nào đó.

 

Trước những chuyến dã ngoại, phụ huynh cũng nên thử đặt ra một số tình huống nguy hiểm giả định cho con để nắm bắt cách xử trí của trẻ. Qua đó, cha mẹ có thể khuyên bảo con nên và không nên làm gì trong từng trường hợp cụ thể. Từ những tình huống và kỹ năng dã ngoại tương ứng, trẻ có thể hình thành được phản xạ phù hợp khi rơi vào tình huống thực tế.

 

Ảnh minh họa.


Rèn kỹ năng mềm một cách tự nhiên


Trong khi đó, giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, những chuyến đi dã ngoại ngoài trời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Đồng thời, rèn luyện cho các em những kỹ năng mềm một cách tự nhiên.

 

Chia sẻ về lợi ích của việc dã ngoại, nữ giáo viên cho biết, trẻ sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng. Cơ thể cần ánh nắng Mặt trời để tạo ra vitamin D. Đây là loại vitamin quan trọng cho sự phát triển cơ thể, từ xương tới hệ thống miễn dịch. Tiếp xúc ánh nắng cũng góp phần cải thiện giấc ngủ, tâm trạng của trẻ. Cơ thể trẻ cũng hoạt động tốt nhất khi nhận chút nắng mỗi ngày.

 

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được rèn khả năng lập kế hoạch. Những kỹ năng về lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự, việc cần ưu tiên, khắc phục sự cố, đàm phán, đa tác vụ... đều quan trọng với con người. Sự sáng tạo và sử dụng trí tưởng tượng cũng giúp mọi người giải quyết vấn đề và giải trí.

 

"Cha mẹ luôn muốn con được an toàn. Tuy nhiên, trẻ cần các trải nghiệm có rủi ro để lớn lên, cũng như học cách đối mặt với vấn đề của cuộc sống trong tương lai. Ngoài ra, trẻ em nên vận động, thể dục thể thao khoảng một giờ mỗi ngày. Ra ngoài chơi là cách tốt nhất đảm bảo trẻ vận động mà vẫn thoải mái, giảm thời gian ngồi nhà, tương tác với các thiết bị điện tử và quá chú trọng vào thành tích học tập", giáo viên Mai Chi cho biết.

 

Bên cạnh đó, việc đi dã ngoại cũng tạo cơ hội để trẻ học cách làm việc cùng nhau, kết bạn, chia sẻ và hợp tác, cũng như đối xử với người khác. Trẻ cũng có sức khỏe tinh thần tốt hơn, giảm tỷ lệ căng thẳng và trầm cảm. Đồng thời, tăng tập trung và giảm triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

 

Theo Afamily.vn

Theo Giáo dục và thời đại