Mẹo giúp trẻ không ganh đua với anh chị em Sự ganh đua giữa anh chị em là điều thường xảy ra nhưng nhiều cha mẹ không biết đôi khi những hành động của mình vô tình thúc đẩy tính ganh đua giữa các con.
Cha mẹ nên lưu ý tránh những việc sau đây để không khiến trẻ có thói ganh tị với anh chị em ruột.
Tránh thúc đẩy sự cạnh tranh giữa anh chị em
Việc biến những nhiệm vụ nhỏ nhất thành một cuộc cạnh tranh giữa những đứa trẻ, ví dụ đố xem ai có thể tìm được điều khiển TV nhanh nhất cho mẹ, hoặc bắt chúng chạy đua để hoàn thành công việc, khiến trẻ lao vào giành vị trí chiến thắng, cố chứng tỏ mình là đứa trẻ ngoan hơn.
Tương tự như vậy, việc trừng phạt trẻ trước mặt trẻ khác cũng là điều không nên, vì điều đó gián tiếp làm xấu hổ con trước mặt anh chị em của chúng, khiến chúng có tâm lý ganh ghét, đua tranh.
Tránh so sánh
Ngay cả khi bạn đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả các con, việc so sánh với nhau một cách vô thức có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm ý thức về bản sắc cá nhân, thúc đẩy sự ganh đua giữa anh chị em.
Ví dụ, trong một gia đình có cặp sinh đôi, việc so sánh cả hai về chiều cao, cân nặng, giai đoạn phát triển, ai nói nhiều hơn, ai "dễ thương hơn" thường diễn ra. Việc gán cho con các cụm từ như "xinh xắn nhất nhà", "học giỏi nhất nhà" cũng vô tình dẫn đến sự ganh đua thầm lặng, sự ghen tị.
Kiên nhẫn lắng nghe cả hai bên
Đa số các cha mẹ sẽ tức giận khi nghe con liên tục tranh cãi về những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là phải lắng nghe cả hai bên và để chúng giải thích quan điểm của mình. Cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe từng câu nói của trẻ mà không ngắt lời hay phán xét.
Trên thực tế, trẻ sẽ giảm tức giận, bất an sau khi được cho không gian và thời gian để giải thích lý do. Sau khi cả hai đã nói chuyện, việc khuyến khích chúng cố gắng lắng nghe quan điểm của đối phương cũng góp phần giúp mọi căng thẳng, hiềm khích lắng xuống.
Để trẻ cùng nhau giải quyết vấn đề
Khi được tự mình giải quyết vấn đề, các anh chị em có xu hướng xử lý theo cách riêng của chúng và cùng nhau đưa ra giải pháp. Thực tế, học cách tự mình giải quyết xung đột và bình tĩnh là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà cha mẹ có thể thấm nhuần cho con. Khi trẻ lớn dần lên, chúng trở nên thân thiết hơn, chúng học cách giải quyết những xung đột nhỏ bằng cách tự mình nói ra mà không cần ai can thiệp hay giải cứu.
Cho trẻ hiểu rằng chúng được yêu thương như nhau
Với cha mẹ, cân bằng giữa công việc và thời gian dành cho gia đình là nhiệm vụ khó. Tuy nhiên, điều quan trọng là dành thời gian riêng cho mỗi đứa trẻ, cũng như tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt của gia đình để cùng nhau tạo nên những kỷ niệm tích cực, cho trẻ thấy chúng được cả bố và mẹ yêu thương như nhau. Điều này cũng giúp trẻ gắn kết tốt hơn và mang chúng đến gần nhau hơn, khiến trẻ nhận ra mình có đồng minh chứ không chỉ là người thường xuyên chọc tức chúng.
Ngoài ra, đừng quên rằng cha mẹ luôn là tấm gương tốt cho trẻ. Nên cho trẻ thấy mối quan hệ thân thiết giữa bạn và anh chị em ruột thịt, để chúng thấy giá trị của tình thân trong gia đình.
Nguồn: https://vnexpress.net/meo-giup-tre-khong-ganh-dua-voi-anh-chi-em-4690403.html
|