Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lý do thai phụ dễ nhiễm trùng tiết niệu


 

Thay đổi khi mang thai khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng.


Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhiễm trùng tiểu hay nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể) và lây lan vào hệ tiết niệu. Nếu không được điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, bao gồm tử cung, dẫn đến các vấn đề về sinh sản, biến chứng trong và sau khi mang thai.

 

Nhiễm trùng tiểu phổ biến ở thai phụ, thường bắt đầu từ tuần thai thứ 6, do thay đổi về giải phẫu hệ tiết niệu. Tử cung nằm ngay trên bàng quang. Khi mang thai, tử cung phát triển lớn, chèn ép bàng quang, cản trở thoát nước tiểu, gây ứ đọng, khiến trào ngược vào đường tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

 

Mang thai cũng làm thay đổi thành phần nước tiểu, giảm độ axit; tăng lượng protein, hormone và đường, là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Lúc này, khả năng phòng vệ của cơ thể để chống lại nhiễm trùng giảm. Do đó, bác sĩ sản khoa thường khuyến cáo phụ nữ mang thai xét nghiệm nước tiểu vào tuần thai thứ 12 đến 16 hoặc trong lần khám đầu tiên.

 

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu phù hợp giúp bảo vệ sức khỏe thai phụ và thai nhi. Ảnh: Freepik


Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 40% trường hợp phụ nữ nhiễm trùng tiểu được chẩn đoán trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tỷ lệ này giảm còn một nửa ở ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, 80-90% trường hợp nhiễm trùng thận cấp tính trong thai kỳ xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, do không điều trị UTI kịp thời.

 

Vi khuẩn thường gây bệnh này ở thai phụ như E coli, Enterobacteriaceae, Proteus mirabilis (có thể dẫn đến nhiễm trùng bàng quang và thận) và Klebsiella pneumoniae (thường gây viêm phổi, nhiễm trùng máu). Vi khuẩn như liên cầu nhóm B và tụ cầu khuẩn ít gây nhiễm trùng tiểu hơn, nhưng liên cầu nhóm B có thể dẫn đến nhiễm trùng ở thai nhi và tồn tại trong cơ thể trẻ sau khi sinh.

 

Theo nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ hồi tháng 7, khoảng 7% phụ nữ mang thai nhiễm trùng tiểu không có triệu chứng. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, 25% trong số này có nguy cơ tiến triển bệnh sang cấp độ tiếp theo là nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận. 23% phụ nữ tái phát nhiễm trùng thận trong cùng một thai kỳ.

 

Bác sĩ phụ khoa Heather Bartos ở Texas, Mỹ, cho biết UTI không làm tổn thương trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp và nhiễm trùng huyết, sinh non hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân.

 

Bác sĩ Bartos khuyến cáo mẹ bầu nên lưu ý dấu hiệu bệnh dễ nhận biết để đi khám kịp thời như đi tiểu thường xuyên, nóng rát khi tiểu, tiểu rắt, nước tiểu đục, đỏ, hồng hoặc nâu, đau vùng chậu (thường ở trung tâm xương chậu), sốt cao, ớn lạnh, rét run, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa. Bệnh có thể được điều trị an toàn bằng kháng sinh khi mang thai.

 

Theo Hiệp hội Mang thai Mỹ (APA), để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu khi mang thai, mẹ bầu nên uống nhiều nước, tránh thực phẩm tinh chế, nước ép trái cây, caffeine, rượu và đường. Không nhịn tiểu, đi tiểu ngay sau khi quan hệ, lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh, tránh tắm bồn, không thụt rửa sâu vùng sinh dục.

 

Thai phụ nên thay đồ lót mỗi ngày, tránh mặc quần bó sát. Không giao hợp khi đang điều trị nhiễm trùng tiểu. Bổ sung vitamin C (250 đến 500 mg một ngày), beta-carotene (25.000 đến 50.000 IU một ngày) và kẽm (30-50 mg một ngày) giúp tăng khả năng chống nhiễm trùng.

 

Anh Ngọc (Vnexpress.net)

Theo Verywell Health