Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

4 điều đặc biệt chú ý khi nuôi dạy đứa trẻ nhạy cảm


 

Kỷ luật là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ nhưng với những đứa trẻ nhạy cảm, công việc này là thử thách lớn đối với cha mẹ.

 

Nuôi dạy trẻ nhạy cảm là thử thách đối với cha mẹ. (Ảnh: ITN).

 

Không có gì lạ khi cha mẹ gặp khó khăn trong việc cân nhắc kỷ luật con sao cho đúng khi mà chúng cảm nhận mọi thứ sâu sắc hơn và dễ bị tổn thương hơn những đứa trẻ khác.

Trên thực tế, một đứa trẻ nhạy cảm có thể là một trong những đứa trẻ tốt bụng nhất, giàu lòng nhân ái nhất mà bạn từng gặp, miễn sao người lớn biết cách giải mã chúng.

Những đứa trẻ nhạy cảm về mặt cảm xúc rất dễ bị choáng ngợp với mọi thứ xung quanh. Chúng thường xuyên khóc, lo lắng và cần rất nhiều sự trấn an. Chúng cũng cảm nhận mọi cảm xúc một cách mãnh liệt. Điều đó có nghĩa là chúng có thể trở nên quá phấn khích, cực kỳ tức giận và cực kỳ sợ hãi.

Một số trẻ không chỉ nhạy cảm về mặt cảm xúc mà còn nhạy cảm với bất kỳ thứ gì kích thích giác quan của chúng.

Tiếng động lớn, đèn sáng hoặc kết cấu nhất định có thể khiến chúng rơi vào tình trạng khó khăn. Chúng có thể sợ đám đông và đấu tranh để đối phó với bất kỳ loại thay đổi nào.

Do đó, những đứa trẻ nhạy cảm thường do dự khi thử những điều mới và chúng phải vật lộn để đối phó với sự thất vọng.

Sự tương tác với bạn bè của chúng có thể bị ảnh hưởng khi những đứa trẻ khác bắt đầu gọi chúng là "đồ mít ướt" hoặc "đồ cáu kỉnh".

Mặc dù kỷ luật nghiêm khắc sẽ giúp một số trẻ điều chỉnh hành vi nhưng những hình phạt khắc nghiệt này thường gây ra nhiều vấn đề hơn với trẻ nhạy cảm.

Do đó, điều quan trọng là phải tìm cách nuôi dưỡng và hướng dẫn những đứa trẻ nhạy cảm để chúng có thể phát triển trong một môi trường ít nhạy cảm hơn.

 

Các chiến lược sau đây sẽ giúp cha mẹ đưa ra hình thức kỷ luật mà những đứa trẻ nhạy cảm đang cần.

 

Chấp nhận sự nhạy cảm của trẻ


 

Nếu con bạn nhạy cảm, đừng cố gắng thay đổi tính khí của chúng. Thay vì coi con là "kẻ yếu đuối và hay than vãn", hãy khuyến khích những điểm mạnh và năng khiếu của chúng. Thừa nhận rằng điều gì đó có thể dễ dàng đối với một đứa trẻ khác lại trở nên khó khăn đối với một đứa trẻ nhạy cảm.

Thay vì ngăn cản trẻ trải qua những cảm xúc lớn lao, hãy tập trung vào việc dạy chúng xử lý cảm xúc theo cách phù hợp với xã hội.

Khi bạn cảm thấy thất vọng và mong muốn con mình bớt nhạy cảm hơn, hãy nhớ rằng chính sự nhạy cảm này thường khiến chúng trở nên vô cùng nhân ái và tử tế với người khác.


Tạo không gian yên bình cho con


Những đứa trẻ nhạy cảm có thể bị kích thích quá mức bởi đám đông lớn, ánh sáng rực rỡ và môi trường hỗn loạn. Vì vậy, điều quan trọng là tránh sắp xếp quá nhiều lịch trình cho con.

Hạn chế các hoạt động ngoại khóa và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi ở nhà để đứa trẻ nhạy cảm của bạn cảm thấy an toàn và có thể thư giãn.

Bạn cũng có thể tạo một "góc bình yên" tại nhà bằng những hoạt động yên tĩnh như tô màu, thưởng thức những bản nhạc êm dịu, hay những cuốn sách chữa lành. Khuyến khích những đứa trẻ nhạy cảm sử dụng góc yên bình khi chúng cảm thấy quá tải.

 

Khen ngợi nỗ lực của con

 

Những đứa trẻ nhạy cảm cần rất nhiều sự khuyến khích. Vì vậy, hãy khen ngợi những nỗ lực của con bạn, ngay cả khi chúng không thành công. Chẳng hạn, "Mẹ thích cách con luôn cố gắng khi gặp khó khăn với môn toán của mình".

Hãy nói rõ với con rằng sự chăm chỉ và nỗ lực của con rất đáng được khen ngợi, ngay cả khi cuối cùng con không thực sự giỏi một lĩnh vực nào đó.

Khen ngợi những đứa trẻ nhạy cảm sẽ giúp củng cố ý tưởng rằng việc tử tế với người khác là quan trọng và khuyến khích chúng tiếp tục nghĩ đến người khác.

 

Huấn luyện cảm xúc


Những đứa trẻ nhạy cảm cần học cách diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời nói và chúng cần học những cách thích hợp để đối phó với những cảm xúc đó.

Sử dụng phương pháp huấn luyện cảm xúc để dạy con bạn cách xác định và đối phó với những cảm giác khó chịu theo những cách thông thường được xã hội chấp nhận.

Những đứa trẻ nhạy cảm thường cho cha mẹ thấy cảm giác của mình qua hành vi thay vì lời nói. Vì vậy cha mẹ cần dạy trẻ cách xác định cảm xúc bằng lời nói. Điều này sẽ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn với cha mẹ, đồng thời giúp cha mẹ hiểu rõ hơn những gì con đang cảm nhận.

 

Theo Afamily.vn

Theo verywellfamily.com

Theo Giáo dục và thời đại