Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao cha mẹ không nên la hét với trẻ?


 

Nhiều cha mẹ đều sẽ có lúc lớn tiếng với trẻ. Tuy nhiên, thực tế, cha mẹ cần hiểu rõ lý do mình la hét cũng như ảnh hưởng tiêu cực của hành vi này.

 

Việc la hét có hại tới trẻ em.


Ông Joseph Shrand - giảng viên tâm thần học tại Trường Y Harvard (Mỹ) cho biết: "Mọi người la hét vì đó là phản ứng bắt buộc khi họ tức giận". Tiến sĩ Shrand cũng lưu ý rằng, cảm giác tức giận không có gì sai. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta làm gì với cơn tức giận đó.

Suy cho cùng, tức giận là một cảm xúc thông thường được cảm nhận bất cứ khi nào chúng ta mong muốn mọi thứ khác đi.

Tiến sĩ Shrand nói: "Chúng ta cảm thấy tức giận vì ước gì con mình ngừng làm việc gì đó hoặc bắt đầu làm việc gì đó. Ví dụ: ‘Tôi ước gì con gái mình không đánh em nó'. Hoặc: ‘Tôi ước gì con trai nói cho mình biết sự thật về nơi nó đã ở tối qua'. Đây là những hành vi mà cha mẹ mong muốn có thể thay đổi ở con mình để có thể dẫn đến sự bộc phát giận dữ".

Tuy nhiên, một số nỗ lực nhằm thay đổi hành vi có hiệu quả hơn những nỗ lực khác. Trong khi đó, những cha mẹ nhận ra tác dụng ngược của việc la hét sẽ có nhiều khả năng thực hiện hành động tốt hơn. Đây là điều thực sự xảy ra khi chúng ta la mắng con mình.

 

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao điều đó lại phản tác dụng và thay vì la hét, cha mẹ cần làm gì?

 

Nếu thấy mình la hét nhiều hoặc gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, điều quan trọng là phụ huynh phải lên lịch gặp bác sĩ. Bởi, đối với một số người, các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng sau sinh có thể gây ra những thay đổi trong hành vi, như: La hét nhiều hơn, cáu kỉnh và khó quản lý cảm xúc.

Việc nuôi dạy con là một thách thức vô cùng lớn. Điều quan trọng là phải đảm bảo sức khỏe trước khi các phụ huynh đổ lỗi quá nhiều cho bản thân về những thử thách mà mình đang gặp phải.

 

1. Trẻ không thể học trong "Chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy"


Tiến sĩ Laura Markham - nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả cuốn sách "Peaceful Parent, Happy Kids: How to Stop Screaming and Start Connecting" cho biết: "La hét là cách giải tỏa cơn giận. Đó không phải là cách hiệu quả để thay đổi hành vi".

Tiến sĩ Markham nói rằng, khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy. Khi đó, các trung tâm học tập trong não của trẻ sẽ ngừng hoạt động.

Chiến đấu hoặc bỏ chạy là một phản ứng sinh lý xảy ra khi chúng ta trải qua điều gì đó mà não cho là có mối đe dọa. Như vậy, trẻ không thể học được khi cha mẹ la mắng. Bởi, não của trẻ sẽ nói rằng, việc người lớn đang la mắng là một mối đe dọa. Khi đó, não sẽ đóng cửa một cách hiệu quả các phần khác để bảo vệ và phòng thủ.

Mặt khác, giao tiếp nhẹ nhàng và bình tĩnh giúp trẻ cảm thấy an toàn. Đồng thời, khiến trẻ dễ tiếp thu bài học mà cha mẹ dạy hơn.

 

Việc lạm dụng bằng lời nói và bị la mắng thường xuyên thậm chí có thể thay đổi cách phát triển não bộ của trẻ.

 

2. Có thể khiến trẻ cảm thấy bị mất giá trị


Tiến sĩ Shrand cho biết: "Sợi dây chung gắn kết tất cả mọi người lại với nhau là mong muốn cảm thấy được trân trọng. Đối với hầu hết mọi người, cảm giác được người khác đánh giá cao là cách chúng ta đo lường giá trị bản thân.

Khi bị la mắng, chúng ta thấy mình kém cỏi và đặt câu hỏi về khả năng của bản thân". Trong khi đó, theo chuyên gia này, la hét là một trong những cách nhanh nhất khiến ai đó cảm thấy họ không có giá trị.

Khi tức giận và bắt đầu la hét, chúng ta coi mình như một cái búa và mọi người xung quanh là một cái đinh. Trong trạng thái như vậy, trẻ trông giống như kẻ thù chứ không giống những người mà phụ huynh quý trọng và yêu thương.

Tiến sĩ Markham nói: "Con chúng ta không nên bao giờ có cảm giác cho rằng, mình như kẻ thù của cha mẹ".

 

3. Gây lo lắng, trầm cảm và hạ thấp lòng tự trọng


Các nghiên cứu phát hiện, những đứa trẻ bị la mắng dễ bị lo lắng và có mức độ trầm cảm cao hơn. Tiến sĩ Markham cho biết, cách cha mẹ phản ứng với bất kỳ sai lầm nào con mắc phải sẽ có thể hoặc là xoa dịu, hoặc là kích thích sự lo lắng của trẻ. Tất nhiên, la hét không bao giờ là một trải nghiệm dễ chịu.

Tiến sĩ Neil Bernstein - nhà tâm lý học lâm sàng giải thích rằng, sự tiêu cực là nguyên nhân gây ra chứng lo âu và trầm cảm. Việc bị la mắng sẽ tạo ra một "sự bùng nổ tiêu cực kéo dài trong một thời gian".

 

4. Cản trở sự gắn kết


Tiến sĩ Markham giải thích: "Việc la mắng sẽ phá vỡ mối liên hệ của phụ huynh với con. Đồng thời, khiến mối quan hệ của cha mẹ và trẻ trở nên căng thẳng. Khi la hét xảy ra, việc tạo ra sự đồng cảm với nhau có thể là một thách thức".

Bên cạnh đó, việc la hét có thể khiến cha mẹ và con xung đột với nhau. Đồng thời, khiến trẻ cảm thấy như cha mẹ không ủng hộ con. Trẻ em có xu hướng rời khỏi các cuộc tương tác khi bị la mắng. Bởi, trẻ cảm thấy bị thách thức, phòng thủ và mất kết nối.

Tiến sĩ Bernstein nói: "Trong 40 năm làm nhà tâm lý học, tôi đã gặp hàng nghìn đứa trẻ. Chưa bao giờ có đứa trẻ nào nói với tôi rằng, chúng cảm thấy gần gũi hơn với cha mẹ sau khi bị la mắng".

 

Những đứa trẻ bị la mắng dễ bị lo lắng và có mức độ trầm cảm cao hơn.

 

5. Tác động tiêu cực


Nhiều nghiên cứu đã minh họa việc la hét có hại cho trẻ em như thế nào. Một nghiên cứu coi la hét là thước đo của "kỷ luật khắc nghiệt" trong nhà. Nghiên cứu kết luận rằng, những đứa trẻ bị kỷ luật theo cách này có "thành tích học tập kém, gặp vấn đề về hành vi và có xu hướng phạm pháp".

Một nghiên cứu khác chứng minh rằng, la hét có tác động tương tự đối với trẻ em như hình phạt thể xác. Trong khi đó, một nghiên cứu tại Thư viện Y khoa Quốc gia đã suy luận rằng, việc bị lạm dụng bằng lời nói và la mắng thường xuyên thậm chí có thể thay đổi cách phát triển não bộ của trẻ.

Thực tế, việc cha mẹ la hét một lần sẽ không gây tổn hại vĩnh viễn cho con mãi mãi. Những nghiên cứu này xem xét các hình thức la hét lâu dài và hành vi lạm dụng khác.

Tất cả chúng ta đều là con người và không ai hoàn hảo. Quan trọng là cha mẹ hiểu điều gì có thể ẩn sau cảm xúc của chính mình, cách bản thân có thể quản lý chúng tốt hơn và cách xử lý những cơn tức giận.

 

6. Không phải là cách giao tiếp hiệu quả


Tiến sĩ Markham cho biết: "Trẻ em gặp khó khăn trong việc học cách điều chỉnh cảm xúc của chính mình nếu cha mẹ không chỉ cho chúng cách thực hiện". Những cha mẹ có xu hướng la hét mỗi khi buồn bã có thể sẽ dạy con mình phản ứng thái quá tương tự khi họ gặp phải những tình huống khó chịu.

Tiến sĩ Shrand giải thích, điều này xảy ra một phần là do khi la mắng con mình, cha mẹ đã kích hoạt "tế bào thần kinh phản chiếu" của chúng. Từ đó, khiến trẻ phản ứng tương tự. "Giận dữ sinh ra giận dữ và việc bị la mắng khiến trẻ muốn hét lại với cha mẹ", Tiến sĩ Shrand nhấn mạnh.

 

Phải làm gì với sự tức giận thay vì la hét?


Bước đầu tiên để thay đổi cách xử lý cảm xúc là tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn. Phụ huynh có thể có một số mối lo ngại tiềm ẩn về sức khỏe góp phần gây ra cảm xúc của mình, như thiếu hụt vitamin, tình trạng tuyến giáp, mất cân bằng hormone hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần sau sinh.

Bước thứ hai sẽ là giải quyết tình huống tức giận ngay lập tức bằng cách thừa nhận nó. Cha mẹ thậm chí có thể làm điều này thành tiếng nếu bạn muốn. Việc nhận ra sự tức giận của mình thực sự là một bước mạnh mẽ giúp thay đổi bộ não vào thời điểm đó.

Tiến sĩ Shrand nói: "Thời điểm nhận ra sự tức giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc của mình". Đó là việc đưa bộ não từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ.

Tiến sĩ Markham giải thích, sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ sẵn sàng xoa dịu tình hình thay vì làm mọi việc trầm trọng hơn. Điều này có nghĩa là nên tiếp cận tình huống khiến bản thân khó chịu ngay từ đầu một cách bình tĩnh. Đồng thời, lưu tâm bằng cách nói những điều như: "Hãy thử làm lại".

Tất nhiên, việc kiềm chế để ngừng la hét đòi hỏi cha mẹ cần phải đầu tư công sức. Đối với hầu hết chúng ta, phải mất rất nhiều thời gian và luyện tập để chấm dứt hành vi vô ích và có hại này.

Tiến sĩ Markham cho biết, việc không la mắng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi phụ huynh có mối liên hệ chặt chẽ với con mình. Xét cho cùng, tận hưởng và đánh giá cao con người thật của trẻ cũng khiến việc nuôi dạy con trở nên trọn vẹn hơn đối với các cha mẹ.

 

Theo Afamily.vn

Theo Parents

Theo Giáo dục và thời đại