Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rèn tính kiên nhẫn cho con qua trò chơi


 

Đối với một đứa trẻ, kiên nhẫn chờ đợi hay phải kìm nén bản thân là một điều vô cùng khó khăn.


Phụ huynh cần lưu ý không làm trẻ mất kiên nhẫn vì sự mất kiên nhẫn của mình. Ảnh minh họa.


Đặc biệt, trong thời kỳ công nghệ số phát triển như vũ bão ngày nay, trẻ có thể tìm kiếm và có ngay thứ mình muốn chỉ trong nháy mắt mà không phải chờ đợi quá lâu.

Theo các chuyên gia, tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi, có thời gian, cũng như không gian để suy nghĩ. Bên cạnh đó, kiên nhẫn còn giúp sự tư duy phát triển, tạo nên tính cách ôn hòa, chịu lắng nghe và dễ thành công khi trẻ lớn.

 

Kiên nhẫn thông qua trò chơi


Thực tế, các phụ huynh cần biết rằng, kiên nhẫn là đức tính vô cùng quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống cũng như công việc của trẻ sau này. Sự kiên trì, nhẫn nại được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện lâu dài và không dễ gì có được.

Chính vì vậy, kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân. Đó cũng là những đức tính cha mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Nếu kịp thời hướng dẫn, dạy trẻ kiên nhẫn, bé sẽ ngày càng hoàn thiện nhân cách và phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trong một nghiên cứu, Giáo sư Kumst tại Trường Đại học Maastricht (Hà Lan) cho biết, việc dạy tính kiên nhẫn cho các bé có thể bắt đầu bằng việc hướng dẫn trẻ biết tôn trọng sự thỏa thuận giữa bé và một ai đó. Ví dụ, cha mẹ nên dạy trẻ thỏa thuận với mình một điều gì đó. Trong đó, cả phụ huynh và con phải tôn trọng thỏa thuận này để làm theo.

Trong một thí nghiệm đơn giản về 1 loại kẹo dẻo (Marshmallow), trẻ được giao kèo thỏa thuận với cô giáo là sẽ được 2 viên kẹo. Tuy nhiên, trẻ chỉ nhận được kẹo nếu có thể đợi đến khi cô giáo trở lại phòng mà bé chưa ăn viên kẹo thứ nhất. Thông qua đó, trẻ có thể học cách giữ thỏa thuận, có không gian suy nghĩ về lựa chọn, có sự trì hoãn hành động để giữ đúng thỏa thuận.

Các chuyên gia cho biết, trẻ có xu hướng học tính kiên nhẫn từ chính cha mẹ của mình. Do đó, phụ huynh cần lưu ý không làm trẻ mất kiên nhẫn vì sự mất kiên nhẫn của mình. Kiên nhẫn là một trong những đức tính tốt của con người. Vì vậy, biết cách dạy con tính kiên nhẫn từ nhỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Khi kiên nhẫn, trẻ sẽ biết cố gắng, kiên trì để đạt được mục tiêu. Từ đó, giúp trẻ dễ thành công hơn trong cuộc sống tương lai. Tính kiên nhẫn cũng giúp trẻ tự lập hơn và không ỷ lại vào người khác. Đồng thời, nhờ sự kiên nhẫn, trẻ sẽ kiên trì thực hiện đến cùng một công việc. Từ đó, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá.

 

Việc dạy con tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ dễ dàng xây dựng nhiều mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

 

Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cha mẹ không nên mong đợi con mình học được sự kiên nhẫn ở cùng độ tuổi với những đứa trẻ khác xung quanh mình. Tất nhiên, sẽ có một số trẻ phát triển sự kiên nhẫn sớm. Song, một số trẻ cần được đào tạo trong một thời gian dài hơn.

 

Để hình thành kỹ năng sống kiên nhẫn, trẻ có thể tham gia những trò chơi một mình. Ảnh minh họa.

 

Để giúp hình thành kỹ năng sống kiên nhẫn, giáo viên Mai Chi gợi ý, phụ huynh có thể dạy trẻ những trò mà các bé có thể chơi một mình.

"Có một vài lý do tại sao việc chơi một mình là rất quan trọng đối với trẻ em. Một trong số đó là phụ huynh hãy tạo điều kiện để các con tự mình giải trí bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào có thể. Từ đó, giúp kích thích óc sáng tạo của trẻ", nữ giáo viên lý giải.

Trí tưởng tượng của trẻ là không biên giới. Đặc biệt, những trò chơi này không cần bất kỳ sự chuẩn bị hoặc các vật dụng đặc biệt nào cả. Phụ huynh có thể để trẻ tham gia trò chơi ghép hình giải câu đố, truy tìm kho báu, tưởng tượng các câu chuyện dạng như chuyện cổ tích, diễn kịch, trò chơi nhập vai...

Ngoài ra, trong trường hợp phải chờ đợi ở những nơi công cộng, cha mẹ cũng có thể nghĩ ra trò chơi để "cứu cánh". Trẻ em luôn tỏ ra chán chường khi phải chờ đợi xe buýt đến, hay chờ mẹ quay trở lại sau khi mua sắm xong. Đối với những dịp này, chuyển hướng sự chú ý của trẻ là cách làm hiệu quả.

Để phát triển tốt được kỹ năng sống kiên nhẫn cho con ở bất kỳ đâu, cha mẹ hãy cùng con đưa ra ý tưởng, tham gia một trò chơi tìm kiếm vật thể. Từ đó, kích thích được bộ óc sáng tạo của trẻ đối với môi trường xung quanh.


Ví dụ, cha mẹ có thể tạo cho con trò chơi đếm các xe ô tô, trong khi chờ đợi tại một trạm xe buýt. Hoặc, trẻ có thể đếm các biển hiệu trong khi đi lại. Điều quan trọng ở đây là cha mẹ phải làm cho con mình tập trung vào trò chơi và quên đi việc phải chờ đợi.

Giáo viên Mai Chi dẫn chứng, Allison Hendrix - một blogger người Mỹ và là mẹ của hai con đã đưa ra quy tắc giúp phát triển tốt được kỹ năng sống kiên nhẫn cho trẻ. Đó là quy tắc ngắt lời. Quy tắc này đã được lan truyền rộng rãi trên Internet bởi tính đơn giản và thông minh.

Cụ thể, khi muốn nói điều gì đó trong khi cha mẹ đang nói chuyện với người khác, trẻ chỉ cần đặt tay lên tay hoặc vai của phụ huynh. Nếu cha mẹ hưởng ứng bằng cách chạm tay vào con, điều đó có nghĩa là đứa trẻ đó đã được cha mẹ "nghe thấy" và sẽ được tham dự cùng sớm nhất có thể. Hành động đó sẽ khiến trẻ cảm thấy đang được bố mẹ tôn trọng và không bị lờ đi khi phụ huynh giao tiếp với người khác.

"Thực tế, trẻ em có thể học để biết cách không làm gián đoạn người lớn và vui chơi một mình. Tuy nhiên, việc phải chờ đợi những ngày quan trọng (Giáng sinh, sinh nhật, ngày nghỉ...) vẫn không phải là điều dễ dàng. Do đó, cha mẹ có thể sử dụng một số cách để giúp con cảm thấy việc chờ đợi trở nên ngắn hơn", giáo viên Mai Chi gợi ý.

Nữ giáo viên này gợi ý, cho đến ngày diễn ra sự kiện, mỗi ngày, cha mẹ hãy đánh dấu bằng các tấm bưu thiếp sinh động.

Trên tấm bưu thiếp có ghi kèm lời chúc hoặc những bài tập, công việc có tính sáng tạo, hoặc bao gói bé xinh xắn có đựng quà tặng, hay gói bánh kẹo mà trẻ yêu thích. Chắc chắn là dù trẻ ở độ tuổi nào cũng sẽ vô cùng thích thú với những lựa chọn sinh động này. Bởi, những điều đó đều là bất ngờ thú vị.

 

Tính kiên nhẫn không chỉ cần thiết ở trẻ, mà còn vô cùng quan trọng đối với các phụ huynh. Ảnh minh họa.

 

Cha mẹ cũng cần kiên nhẫn


Song, thực tế, tính kiên nhẫn không chỉ cần thiết ở trẻ, mà còn vô cùng quan trọng đối với các phụ huynh. Thực tế, không ít phụ huynh chia sẻ, mình trở nên mất kiên nhẫn trước hàng loạt "câu hỏi vì sao" của trẻ. Hoặc, đôi khi nếu trẻ nhõng nhẽo, mè nheo, phụ huynh cũng sẽ không kiềm chế được và nóng giận.

Theo nhà tư vấn phụ huynh, chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, nuôi dạy con mà không trải qua tình huống căng thẳng thì không phải là nuôi dạy con. Tuy nhiên, thực tế, các phụ huynh hoàn toàn có thể kiềm chế bản thân và tăng khả năng kiên nhẫn với trẻ.

Chuyên gia này gợi ý, phụ huynh hãy nhận biết đâu là yếu tố kích hoạt khả năng mất kiên nhẫn, bao gồm: Xảy ra ở đâu, với ai, thường vào thời gian nào. Sau đó, hãy quan sát cách mình phản ứng với hành vi của con: Tăng nhịp tim? Nóng mặt?

Ngoài ra, trong đầu phụ huynh có thể hiện lên những suy nghĩ như: "Con không bao giờ nghe lời", "Nó luôn phản đối mình"... Những suy nghĩ cũng có thể khiến cha mẹ "nổi điên". Điều quan trọng là phụ huynh cần biết lúc nào mình thiếu kiên nhẫn bằng cách nhận ra thói quen của mình.

Cha mẹ cũng cần có một kế hoạch. Ví dụ, viết ra các quy tắc và kỳ vọng ở nhà với hậu quả rõ ràng nếu không đáp ứng, dành thời gian cho bản thân, hít thở sâu, ngồi xuống nói chuyện... Thậm chí, hãy xin lỗi nếu cần.

Nữ chuyên gia chia sẻ, khi rơi vào tình huống căng thẳng, khi mẹ càng cố gắng đối đầu, bé nhà chị càng "xù lông" lên. Song, khi chị kiềm chế và ngồi xuống nói chuyện bình tĩnh, con có thể khóc một chút và sau đó vui vẻ nói chuyện. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường mà phụ huynh không hề phải lớn tiếng hay quát tháo.

"Vậy nên, những cuộc xung đột với trẻ, phần lớn là do cha mẹ thiếu kiểm chế mà trở nên nghiêm trọng. Nhưng kỳ lạ là mất kiên nhẫn cũng là một loại trải nghiệm tích cực. Nó cho mình nhận ra giới hạn và sự thiếu sót của bản thân. Mỗi người chúng ta có một giới hạn chịu đựng khác nhau. Nó không làm chúng ta trở thành cha mẹ tồi, mà là cha mẹ bình thường", nữ chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia Phan Linh cho biết, sự kiên nhẫn ở cha mẹ có thể hiểu theo một cách khác. Đó là sự kiên trì ổn định - biết quay đầu hết lần này tới lần khác, biết tìm cách để cải thiện hơn, biết cố gắng để giúp con trưởng thành, biết đồng cảm để hiểu con đang cần - nghĩ - cảm thấy thế nào. Loại kiên nhẫn này và việc kiên cường bám trụ, làm những điều khó kể cả khi muốn bỏ cuộc sẽ là những bài học rất giá trị mà cha mẹ có thể trao tặng cho con mình.

 

Theo Afamily.vn

Theo Giáo dục và thời đại