Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TPHCM: Học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất


Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên, thể thao và y tế học đường.

Ngày 3/10, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dự, có phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh – sinh viên, hoạt động thể thao và y tế học đường trong năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ của năm học 2023 – 2024.

Học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất

Báo cáo của Phòng Chính trị tư tưởng thuộc Sở tại hội nghị cho thấy, trong năm học vừa qua, có gần 99% học sinh của thành phố đã được khám sức khỏe ban đầu.

Số lượng học sinh thuộc thể trạng thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ 32,28%, bệnh khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ 28,85%, sâu răng chiếm tỷ lệ 23,23% và tỷ lệ suy dinh dưỡng là hơn 4,5%.

Một số trường đã tổ chức xã hội hóa việc tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, đẩy mạnh đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất. Những giáo viên tư vấn phần lớn là kiêm nhiệm, được các trường tạo điều kiện tham gia vào các lớp đào tạo chuyên đề về tư vấn tâm lý do Sở phối hợp với các trường đại học tổ chức.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, hiện chỉ mới có gần 60% số trường có nhân viên y tế đúng quy định, hơn 20,2% trường có nhân viên y tế có chuyên môn nhưng lại chưa đạt chuẩn, 19,71% các trường có nhân viên y tế nhưng không có chuyên môn về y tế.

 

Toàn cảnh hội nghị được tổ chức vào ngày 3/10 ở Trường Đại học Sài Gòn (ảnh: V.D)

Theo bà Cao Thị Thiên Phúc – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng thuộc Sở, trong trường hợp các trường chưa tuyển được nhân viên y tế chuyên trách, có trình độ chuyên môn, thì các trường vẫn phải phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế trường học, đồng ký ký hợp đồng với các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để theo dõi, triển khai công tác y tế học đường.

Bà Cao Thị Thiên Phúc cho biết, trong năm học 2023 – 2024, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc phát triển mô hình “Trường học hạnh phúc”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để mỗi học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên đều được cảm thấy yêu thương, tôn trọng, an toàn và thấu hiểu.

Cũng trong năm học này, các trường học sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn an ninh trường học.

Mỗi trường học phải có một nhân viên y tế

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, mỗi trường học trên địa bàn thành phố phải có một nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 4 vị trí việc làm (văn thư, y tế, kế toán và thủ quỹ) chỉ được bố trí từ 2 đến 3 biên chế, tùy theo quy mô của trường học, nên các trường có thể tính đến phương án thay thế, như làm hợp đồng chuyên trách, có cơ chế đãi ngộ, thu hút cho nhân sự phụ trách công tác y tế học đường.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố, an toàn trường học luôn là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do chỉ cần xuất hiện một nguy cơ thiếu an toàn, thì trường học có thể phải trả giá rất đắt.

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: V.D)

Trong năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các trường cần rà soát lại các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự, chủ động phòng ngừa các yếu tố mất an toàn cho học sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em.

Một số hoạt động giáo dục về nhận thức, chính trị tư tưởng cho học sinh, tổ chức cho học sinh tham gia vào các câu lạc bộ, rèn luyện thể dục thể thao ở nhiều đơn vị trường học còn nặng về tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thực chất cho học sinh.

Năm học này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các trường học cần đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Hiếu còn đề nghị các trường tiếp tục triển khai, xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh cho từng lứa tuổi học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, đối với các thầy cô giáo thì là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, còn với học sinh là gắn với ý thức rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo 5 điều Bác Hồ dạy.

“Việc tổ chức không gian vật lý, giáo dục chính trị cho học sinh từ không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần làm nhẹ nhàng, chứ không được cứng nhắc. Thông qua các câu chuyện, bài hát, dần dần thành giáo dục thói quen, nhận thức, nhận biết cho học sinh, rồi từ đó chuyển biến nhận thức” – ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị.

Nguồn https://giaoduc.net.vn/tphcm-hoc-sinh-thua-can-beo-phi-chiem-ty-le-cao-nhat-post238359.gd