Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Huyện Đan Phượng: Bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú


Ngay từ đầu năm học mới 2023 - 2024, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học, nhất là bậc mầm non trên địa bàn huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú.

Phụ huynh Trường Mầm non Phương Đình chứng kiến tại buổi giao nhận thực phẩm. Ảnh: Thiên Tú

Qua đó hướng tới mục tiêu bảo đảm cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.

Tuân thủ nghiêm quy trình

Trường Mầm non Tân Hội B, huyện Đan Phượng có diện tích hơn 8.200m2 với 20 nhóm lớp và 612 trẻ đang theo học ở các độ tuổi. Hệ thống phòng học, phòng chức năng của nhà trường được trang bị đầy đủ theo yêu cầu phát triển chương trình giáo dục mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế. Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Tân Hội B được Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn là đơn vị làm điểm cho TP về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nuôi dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera ở sảnh tầng 1 để phụ huynh giám sát hoạt động của nhà bếp bất cứ lúc nào.

Quy trình chế biến thức ăn tại Trường Mầm non Tân Hội B luôn bảo đảm an toàn. Ảnh: Đào Thắm

Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hội B Đỗ Thị Hằng cho biết, trường có 100% trẻ ăn bán trú, mỗi ngày trẻ được ăn hai bữa. Thực đơn được xây dựng thay đổi hàng ngày để bảo đảm sự phong phú và đủ dinh dưỡng theo yêu cầu. Ngoài việc được đầu tư hệ thống nhà bếp khang trang, hiện đại, đội ngũ nhân viên nhà bếp cũng như giáo viên của trường thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Không chỉ chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn, việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều tuân thủ quy trình bếp một chiều từ khâu sơ chế đến khâu chia thức ăn.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học, theo dõi sức khỏe của trẻ. Đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Để bảo đảm nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, nhà trường đã ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với các đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sạch, có uy tín, bảo đảm chất lượng; có lưu mẫu thức ăn trong 24 giờ…

Tại Trường Mầm non Phương Đình, với hơn 600 học sinh, nhà trường có 2 bếp ăn sử dụng hoàn toàn bằng bếp từ, vận hành theo quy trình bếp một chiều, được trang bị đầy đủ các đồ dùng hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Yên - Tổ trưởng Tổ Nuôi dưỡng, Trường Mầm non Phương Đình cho biết, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm.

“Hàng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ trong sự giám sát chặt chẽ của Ban giám hiệu, cán bộ y tế, thủ kho và nhà bếp. Nhân viên nấu ăn của nhà trường đều đã qua tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ hàng năm, có kiến thức về sơ chế, nấu ăn” – chị Yên cho biết.

Chế biến thức ăn tại Trường Mầm non Phương Đình. Ảnh: Thiên Tú

Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm

Toàn huyện Đan Phượng hiện có 19 trường mầm non công lập, 329 nhóm lớp với 10.673 trẻ; tăng 1 trường, 12 nhóm lớp và 547 trẻ so với năm học 2022 - 2023; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, an toàn thực phẩm các bữa ăn bán trú đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc trẻ bậc học mầm non, giúp trẻ có sức khỏe tốt để học tập, vui chơi.

Vấn đề này không chỉ được phụ huynh học sinh quan tâm, mà còn được các trường học trên địa bàn huyện thực hiện rất tốt. Điều này được thể hiện rất rõ là trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Đan Phượng không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn bán trú của các nhà trường.

Đáng chú ý, việc bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú có sự tham gia tích cực của phụ huynh. Đơn cử tại Trường Mầm non Thọ An, phụ huynh tham gia giám sát trong quá trình giao nhận thực phẩm. Đồng thời phối hợp với nhà trường xây dựng thực đơn phong phú, mỗi bữa ăn của trẻ có trên 10 loại thực phẩm. Trường cũng tổ chức cho trẻ ăn búp phê, ăn gia đình, ăn theo suất, rèn kỹ năng tự phục vụ cho các con, kỹ năng ăn uống văn minh.

Trường Mầm non Thọ An rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ. Ảnh: Thiên Tú

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, đơn vị vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2023 – 2024 tới tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn.

Theo đó yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học từ bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn, nước uống cho học sinh tới các hàng quán bán thực phẩm xung quanh trường học. “Chúng tôi yêu cầu các trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm” – bà Bùi Thị Thu Hằng cho biết.

Trong quá trình chế biến, tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt công tác kiểm thực theo đúng 3 bước và lưu mẫu được chỉ đạo, thực hiện một cách nghiêm ngặt, lưu mẫu đúng định lượng, đúng thời gian quy định, có chữ ký người lưu, dán niêm phong.
Chị Nguyễn Thị Yên - Tổ trưởng Tổ Nuôi dưỡng, Trường Mầm non Phương Đình

 Nguồn https://kinhtedothi.vn/huyen-dan-phuong-bao-dam-an-toan-thuc-pham-bua-an-ban-tru.html