Kiểm tra màu lưỡi để biết về sức khỏe Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì hãy coi lưỡi như một loại đèn cảnh báo sức khỏe. Hình dáng, màu sắc của lưỡi giúp bác sĩ biết được những khía cạnh nhất định về sức khỏe. 1. Màu lưỡi bình thường Lưỡi bao gồm một tập hợp các cơ nối với nhau giúp chúng ta nói, nếm và nuốt thức ăn. Vì lưỡi có nguồn cung cấp mạch máu dồi dào và nước bọt chảy liên tục nên nó thường được làm sạch liên tục, do đó ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn có hại. Lưỡi phải đối xứng, thường có màu hồng nhạt, tuy nhiên có thể có một chút sắc tố màu tím hoặc nâu ở người dân châu Phi, châu Á và Địa Trung Hải. Nó cũng có thể có một chút lớp phủ màu trắng. Tiến sĩ Tien Jiang, bác sĩ chỉnh nha tại Khoa Chính sách sức khỏe răng miệng và Dịch tễ học tại Trường Nha khoa Harvard cho biết: "Lớp phủ này được làm từ một loại protein cứng gọi là keratin, giúp giữ cho lưỡi của bạn không bị trầy xước khi ăn". Khi nhìn gần, có thể thấy lưỡi được bao phủ bởi những vết sưng nhỏ (nhú), điều này là bình thường và có tác dụng: · Cảm nhận được nhiệt độ và cảm ứng. · Chứa các vị giác cho phép phát hiện xem thực phẩm có vị ngọt, chua, đắng hay mặn... Lưỡi khỏe mạnh có màu hồng nhạt đến hồng đậm. 2. Chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến màu lưỡi? Đôi khi chế độ ăn uống là một phần nguyên nhân khiến lưỡi thay đổi. Đó là bởi vì nhú có thể hấp thụ màu sắc và cặn của thực phẩm và đồ uống chúng ta tiêu thụ. Ví dụ, chiếc kem hoặc viên kẹo màu xanh khiến lưỡi có màu xanh lam. Cà phê, trà và nhiều loại thực phẩm như món cà ri có nhiều nghệ vàng cũng có thể để lại dấu vết. Tuy nhiên, sự đổi màu này thường chỉ là tạm thời. Uống nhiều nước và giữ vệ sinh răng miệng tốt sẽ rửa sạch thức ăn và thuốc nhuộm bám trên lưỡi. 3. Khi nào màu sắc của lưỡi là dấu hiệu bệnh? Một số màu sắc và hình dạng của lưỡi là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe nếu nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây: Lưỡi màu nâu hoặc đen báo hiệu tình trạng gọi là "lưỡi lông đen". Điều này xảy ra khi nhú quá dài. Những vết sưng nhỏ này thường không có nhiều cơ hội phát triển vì chúng bong ra thường xuyên khi miệng hoạt động. Nếu các nhú phát triển, chúng có thể bẫy vi khuẩn và hỗn hợp màu thực phẩm, dẫn đến màu nâu hoặc đen. Các yếu tố nguy cơ bao gồm dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng histamine, hút thuốc, khô miệng, uống quá nhiều cà phê, trà đen hoặc vệ sinh răng miệng kém. Những mảng trắng dày hoặc vết loét trắng trên lưỡi có thể là dấu hiệu của sự phát triển quá mức của nấm men trong miệng (tưa miệng). Bệnh tưa miệng có thể được kích hoạt bởi các tình trạng như đái tháo đường hoặc HIV, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh hoặc điều trị ung thư, đeo răng giả, hút thuốc, khô miệng hoặc sử dụng thuốc hít steroid. Nếu lưỡi có vết loét màu đỏ hoặc vàng gây đau đớn, bạn có thể phải đối mặt với vết loét nhiệt miệng (mô bị kích thích), bệnh tưa miệng (đôi khi có thể xuất hiện dưới dạng mảng đỏ) hoặc (trong một số trường hợp hiếm gặp) là ung thư miệng. Lưỡi đỏ tươi có thể cho thấy cơ thể bị thiếu vitamin B 12 hoặc bị nhiễm trùng do nhiễm vi khuẩn Streptococcus ở cổ họng (viêm họng liên cầu khuẩn) kèm theo phát ban đỏ trên cơ thể. Nếu lưỡi có những mảng màu đỏ tươi không đau và dường như di chuyển từ nơi này sang nơi khác trên lưỡi, bạn có thể mắc một tình trạng không thể khắc phục nhưng vô hại được gọi là "lưỡi địa lý".
Nên vệ sinh vùng lưỡi. Ảnh minh họa: Getty Images Plus 4. Có nên chải lưỡi? Cần thực hiện vệ sinh răng miệng tốt, nên dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày và đánh răng ít nhất hai lần một ngày. Hãy dành vài giây để sử dụng bàn chải trên lưỡi của bạn. Thè lưỡi và vuốt bàn chải đánh răng từ sau lưỡi ra phía trước: một lần vuốt xuống giữa, một lần vuốt xuống bên trái và một lần vuốt xuống bên phải. Điều đó giúp loại bỏ vi khuẩn và mảnh vụn tích tụ trong nhú. Nếu bạn lo lắng về bất kỳ vấn đề gì xảy ra với lưỡi của mình - đặc biệt nếu bạn bị sốt, đau họng, vết loét không biến mất hoặc các triệu chứng mới khác - hãy gọi cho bác sĩ hoặc nha sĩ để đánh giá tình trạng của bạn và đưa ra biện pháp điều trị. Màu sắc của lưỡi có thể nói về tình trạng sức khỏe cá nhân, vì vậy hãy thực hiện thói quen vệ sinh sạch sẽ và lành mạnh, thực hành vệ sinh răng miệng tốt, uống đủ nước và ăn uống cân bằng để có một chiếc lưỡi khỏe mạnh. Nguồn https://suckhoedoisong.vn/kiem-tra-mau-luoi-de-biet-ve-suc-khoe-169230930142639929.htm |