Hàng loạt giáo viên xin nghỉ, giám đốc sở nói: 'Chúng tôi rất áy náy' Do áp lực công việc và chế độ chính sách, thu nhập chưa đáp ứng đời sống, hàng loạt giáo viên ở TT-Huế xin nghỉ việc, chuyển nghề. Cất bằng cử nhân, giáo viên bán hàng online Một ngày đầu tháng 9/2023, chúng tôi bắt gặp hình ảnh chị Nguyễn Thị Thu S. (32 tuổi, trú Thị xã Hương Thuỷ, tỉnh TT-Huế) đang loay hoay trong một nhà kho nhỏ của gia đình, tay thoăn thoắt đóng hàng để gửi cho khách.
Bên cạnh những giáo viên xin nghỉ học vì áp lực, nhiều giáo viên ở TT-Huế vẫn đam mê với ngọn lửa nghề giáo. Ảnh: Hà Trần Cũng thời điểm này, chiếc tivi trong nhà chị đang phát cảnh hàng triệu học sinh trên cả nước tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Nhìn cảnh học sinh đến trường, ánh mắt của chị S. thoáng nét đượm buồn. Chị S. từng học chuyên ngành Tiểu học của một trường đại học tại TP Đà Nẵng. Sau 4 năm đại học, chị trở về quê với mong muốn được theo đuổi giấc mơ gõ đầu trẻ. Với tấm bằng tốt nghiệp loại Khá, chị may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa khi nhanh chóng được tiếp nhận vào một trường tiểu học. Học sinh ở TT-Huế nô nức đến trường trong ngày khai giảng. Ảnh: Nguyễn Hà Sau đó, chị S. lập gia đình và sớm sinh em bé. Những tưởng công việc giảng dạy sẽ giúp chị có thu nhập ổn định và thời gian chăm sóc gia đình nhỏ, thế nhưng chị sớm “vỡ mộng” khi trường nơi chị giảng dạy chuyển qua học bán trú với nhiều áp lực về thời gian và thu nhập. “Lương giáo viên tiểu học của chúng tôi, mỗi tháng, trừ tất cả chi phí được hơn 4 triệu đồng. Mức lương này xét về nhiều mặt, cũng gọi là tạm được. Tuy nhiên, giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực về công việc, thời gian… Sau vài năm, tôi bắt đầu nghĩ đến việc chuyển nghề”, chị S. chia sẻ. Theo chị S., những năm dịch Covid-19, do ảnh hưởng của dịch và không phải đến trường dạy tập trung, chị bắt đầu dành thời gian quan tâm, tìm hiểu công việc bán hàng online. “Lúc đầu, nhờ người quen ở nước ngoài gửi một số hàng về, tôi đăng bán trên facebook cá nhân. Dần dần, các món hàng được bạn bè tin dùng, giới thiệu cho nhau nên mỗi tháng tôi thu được từ 7-10 triệu đồng”, chị S. chia sẻ. Cũng theo nữ giáo viên này, khi nguồn thu nhập từ bán hàng online bắt đầu ổn định, cuối năm 2022, chị chia sẻ ý định xin nghỉ đi dạy và được gia đình ủng hộ. Từ đó, chị bắt đầu mở rộng thị trường, xây nhà xưởng và phát triển hệ thống bán hàng. Luân chuyển để giảm áp lực, cải thiện thu nhập cho giáo viên Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương có 127 giáo viên xin nghỉ công tác giảng dạy. Trước đó, trong năm 2022, toàn tỉnh có 81 trường hợp giáo viên nghỉ việc. Đa số giáo viên nghỉ việc đều thuộc bậc học mầm non và tiểu học, rất ít xảy ra ở những bậc học còn lại. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, nhiều nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc nhưng phần lớn là do áp lực công việc và chế độ chính sách, thu nhập chưa đáp ứng đời sống sinh hoạt. Một số giáo viên khác nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân, như lấy chồng xa, đoàn tụ với người thân ở nước ngoài...
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế chia sẻ về thực trạng nhiều giáo viên trên địa bàn xin nghỉ dạy “Thực trạng này khiến những người làm quản lý như chúng tôi rất áy náy. Với những trường thuộc quản lý của sở, sau khi hiệu trưởng làm tờ trình gửi phòng tổ chức cán bộ, tôi trực tiếp mời giáo viên có ý định xin nghỉ việc lên gặp trao đổi trực tiếp, nắm bắt tâm tư. Có nhiều giáo viên, sau khi lắng nghe trao đổi, họ đã thay đổi ý định và đồng ý ở lại cống hiến cho ngành giáo dục”, ông Tân chia sẻ. Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, về lâu dài, sở đang có chủ trương rà soát lại những giáo viên thuộc diện kinh tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi dạy xa nhà… Nếu họ có nguyện vọng, chúng tôi sẽ luân chuyển để có thể dạy gần nhà, giảm bớt áp lực. “Đối với các cấp học mầm non, tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền tuyển dụng và quản lý của UBND huyện, thị xã, thành phố, Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế sẽ tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch về việc luân chuyển này. Đồng thời, sở cũng sẽ đề nghị tỉnh có chủ trương cải thiện chế độ chính sách để tăng thu nhập cho giáo viên”, ông Tân cho biết thêm. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Trước đó, năm học 2021-2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong báo cáo gửi các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. “Giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, ông Sơn phân tích. Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên. Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn. Bộ GD-ĐT mới đây, cho biết thời gian qua, trong quá trình địa phương thực hiện việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do việc sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc phân chia các khu vực hành chính. Bên cạnh đó, theo thống kê, tổng thu nhập (bao gồm tiền lương và các phụ cấp) của giáo viên mầm non, tiểu học chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên và đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Trên tinh thần kế thừa những quy định đã có và đang phù hợp, Bộ GD-ĐT đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với đặc thù của ngành học, cấp học; phù hợp với quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư tại Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học với mức tăng từ 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non và giảng dạy, giáo dục học sinh tiểu học. Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Bộ GD-ĐT cho biết thời gian tới, sẽ tiến hành quy trình xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về nội dung này. Mới đây, ngày 18/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị 2 Bộ trưởng của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính gặp nhau khẩn trương để xem xét về phụ cấp cho giáo viên. Nguồn https://vietnamnet.vn/hang-loat-giao-vien-o-hue-xin-nghi-giam-doc-so-noi-chung-toi-rat-ay-nay-2190719.html |