Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

12 tín hiệu 'báo động' về sức khỏe của trẻ mà cha mẹ không được bỏ qua


Việc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ phát triển trái mùa khiến nhiều cha mẹ 'trở tay không kịp' khi các dấu hiệu nhiễm bệnh ở trẻ chồng chéo dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý.

Khi chăm sóc trẻ có rất nhiều câu hỏi khiến cha mẹ băn khoăn chẳng hạn như thở như thế nào là thở rút lõm lồng ngực? Đau bụng nào là đau bụng tiêu chảy, đau bụng nào là đau bụng do viêm dạ dày?,.. hay con ốm như thế nào cần cho đi khám bác sĩ?

Theo Parents, dưới đây là 12 triệu chứng sức khỏe không được bỏ qua ở trẻ và cần được chăm sóc y tế sớm:

1. Sốt cao

Mô tả: Sốt từ 38 độ C trở lên ở trẻ dưới 3 tháng tuổi; sốt cao hơn 38,3 độ C ở trẻ 3 - 6 tháng hoặc cao hơn 39 độ C ở trẻ 6 tháng đến 2 tuổi. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt lần đầu tiên.

Mặc dù sốt là tình trạng cơ thể của trẻ phản ứng và tự bảo vệ khỏi những nhiễm trùng; việc trẻ bị sốt có nghĩa là hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động. Nhưng các bác sĩ đều nhấn mạnh rằng khi cơn sốt xuất hiện thì nhiệt độ hiển thị trên nhiệt kế không quan trọng bằng tình trạng sức khỏe của con bạn. Đặc biệt với trẻ dưới 3 tháng tuổi có cơn sốt đầu tiên hoặc cơn sốt tăng lên 38 độ C.

Một cơn sốt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý chẳng hạn như sốt do nhiễm trùng có thể nhanh chóng lây lan khắp cơ thể. Tuy nhiên với trẻ lớn hơn 2 tuổi thì sốt không nghiêm trọng như vậy nếu như trẻ vẫn uống đủ nước và hoạt động bình thường - lúc này bạn có thể liên hệ với bác sĩ gia đình để được hướng dẫn.

Trẻ bị sốt cao không đáp ứng thuốc cần phải được thăm khám (Ảnh: Internet)

2. Sốt kéo dài

Mô tả: Cơn sốt không giảm kể cả khi đã áp dụng giảm sốt bằng thuốc, chườm mát tại nhà hoặc cơn sốt kéo dài trên 3 ngày.

Nếu bạn cho con uống thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen và con số trên nhiệt kế không thay đổi trong vòng 4 đến 6 giờ thì đây là thời điểm mà bạn cần liên hệ với bác sĩ. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng ở trẻ có thể đang tiến triển mạnh khiến cơ thể trẻ không chống chọi được và cần xác định chính xác nguyên nhân tại các cơ sở y tế.

Thường thì sốt do virus cảm lạnh hoặc cúm gây ra sẽ hết trong vòng 5 ngày, nếu lâu hơn - ngay cả khi nhiệt độ không phải là 39 hay 40 độ - nhiễm trùng như viêm phổi do vi khuẩn là có thể xảy ra và cần phải điều trị bằng kháng sinh.

3. Sốt kèm theo đau nhức đầu

Mô tả: Sốt kèm theo cứng cổ, đau đầu và phát ban giống như vết bầm tím hoặc chấm đổ nhỏ.

Hãy cho trẻ tới cơ sở y tế ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não với những biến chứng đặc biệt nguy hiểm như tàn tật hoặc thậm chí là mất mạng.

4. Phát ban hình tròn đồng tâm (Circle-Shaped Rash)

Mô tả: Phát ban có hình dạng đám tròn li ti và không biến mất hay đổi màu khi ấn vào da hoặc bầm tím quá mức.

Phát ban lan tròn có đốm nhạt (trắng) ở giữa hay còn gọi là phát ban hình tròn đồng tâm có thể là dấu hiệu của bệnh Lyme. Những đốm có kích thước nhỏ dưới da đều phải được kiểm tra bởi chúng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng.

Ngoài ra các vết bầm tím phát triển quá mức, lan rộng và không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn máu. Trong trường hợp trẻ bị phát ban dạng sần, mẩn đỏ kèm theo khó thở, hôn mê hoặc cáu kỉnh cũng cần được thăm khám bác sĩ sớm.

Hình ảnh phát ban hình tròn đồng tâm (Ảnh: Internet)

Phát ban không bong tróc - những đốm nhỏ màu đỏ hoặc tím trên da không đổi màu khi bạn ấn vào chúng - có thể chỉ ra tình trạng cần cấp cứu y tế như viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, đặc biệt khi kèm theo sốt.

5. Nốt ruồi bất thường

Mô tả: Nốt ruồi mọc mới hoặc có hình dạng, màu sắc thay đổi bất thường.

Theo dõi sự phát triển các nốt ruồi của trẻ, đặc biệt là nốt ruồi có từ khi trẻ sinh ra. Nếu bạn nhận thấy nốt ruồi phát triển thành các hình dạng bất thường như đường viền (bờ) không đều, nổi cộm lên, thay đổi màu sắc thì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh ung thư da tiềm ẩn.

6. Đau bụng đột ngột

Mô tả: Đau bụng ở phía dưới, bên phải hoặc đau bụng đột ngột có cảm giác quặn từng cơn đến rồi đi lặp lại.

Nếu con bạn bị đau bụng ở phía dưới bên phải hãy thử yêu cầu trẻ nhảy lên nhảy xuống - nếu trẻ cảm thấy khó chịu thì đây có thể là biểu hiện của viêm ruột thừa. Và mặc dù ruột thừa nằm ở phía dưới bên phải của bụng nhưng cơn đau lại có thể bắt đầu từ xung quanh rốn và di chuyển dần sang bên phải.

Với virus gây đau dạ dày thông thường, bệnh nhân thường bị sốt sau đó nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy còn với bệnh viêm ruột thừa thì đôi khi sẽ bắt đầu bằng tiêu chảy, sau đó là đau bụng, nôn mửa, đau đớn và sốt.

Mặc dù ruột thừa nằm ở phía dưới bên phải của bụng nhưng cơn đau lại có thể bắt đầu từ xung quanh rốn và di chuyển dần sang bên phải (Ảnh: Internet)

Nếu trẻ dưới 4 tuổi và bị đau dạ dày với biểu hiện buồn nôn và nôn ói nhiều lần, đau bụng đột ngột dữ dội và quấy khóc từng cơn, da tím tái nhưng sau đó nín khóc và ăn uống bình thường rồi lại tiếp tục khóc ré, đau đớn ưỡn người và mệt lả - phụ huynh nên nhanh chóng cho trẻ gặp bác sĩ bởi đây là dấu hiệu của bệnh lồng ruột. Sau 6 - 12 tiếng kể từ cơn đau bụng trẻ bị lồng ruột có thể đi ngoài kèm máu tươi, mất nước, da lạnh, thở nông gấp - là biểu hiện của ruột bắt đầu hoại tử cực nguy hiểm.

7. Đau đầu kèm theo nôn mửa

Mô tả: Đau đầu vào sáng sớm hoặc khiến trẻ thức giấc vào nửa đêm kèm theo nôn mửa.

Đây có thể là biểu hiện của chứng đau nửa đầu ở trẻ em. Mặc dù không nguy hiểm nhưng đau đầu vào buổi sáng và nửa đêm cũng có thể là biểu hiện của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác cần kiểm tra sớm.

Ngoài ra nếu trẻ bị đau đầu dữ dội, cơn đau đầu kéo dài trong vài giờ và đau tới mức trẻ không thể ăn, chơi hoặc thậm chí là xem chương trình tivi yêu thích thì bạn cũng cần gọi cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhức đầu có thể thường do các cơ bị căng ở da đầu chứ không phải do vấn đề liên quan đến não nhưng nhức đầu kèm theo các triệu chứng thần kinh (chẳng hạn như lú lẫn, mờ mắt hoặc khó đi lại) cần được bác sĩ tại phòng cấp cứu đánh giá và kiểm tra.

8. Tần suất đi tiểu giảm

Mô tả: Khô miệng và môi, đi tiểu ít, thóp trũng, da khô hoặc da bị nhăn lại khi ấn/véo, nôn mửa hoặc tiêu chảy quá mức.

Những dấu hiệu này đều liên quan tới tình trạng mất nước ở trẻ và cần phải can thiệp nhanh chóng vì mất nước có thể dẫn tới sốc và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Để điều trị mất nước ở trẻ, ngoài bù nước và điện giải bằng đường uống bác sĩ có thể cân nhắc tới việc bù bằng đường truyền tĩnh mạch.

Tiểu ít có liên quan tới tình trạng mất nước ở trẻ (Ảnh: Internet)

9. Môi tím tái

Mô tả: Sự đổi màu tím tái hoặc tái xanh xung quanh miệng, thở nặng nhọc, con thở rút lõm lồng ngực hoặc thở hổn hển, khò khè

Theo Parents, những vấn đề về hô hấp đáng lo ngại hơn khi có những "âm thanh" phát ra từ ngực và phổi thay vì mũi. Những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp thường do nghẹt thở, các tình trạng dị ứng, cơn hen suyễn có thể gặp ở trẻ vài tháng tuổi. Cụ thể như ho gà, viêm phổi hoặc viêm thanh quản.

Cha mẹ cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ, điều quan trọng là thường xuyên kiểm tra nhịp thở của trẻ. Nhịp thở bình thường của trẻ là:

Lứa tuổi Nhịp tim/phút Nhịp thở/phút

Trẻ sơ sinh 100-160 30-50

0 - 5 tháng 90-150 25-40
6 - 12 tháng 80-140 20-30

1 - 5 tuổi 80-130 20-30

Trên 6 tuổi

12 - 20

10. Mặt sưng tấy

Mô tả: Sưng lưỡi, môi, mắt đặc biệt kèm theo nôn mửa hoặc ngứa.

Những triệu chứng này thường cho thấy một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn tới sốc. Đó là sưng tấy mặt, môi, lưỡi, khó thở, nổi mề đay nghiêm trọng. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định như uống thuốc kháng histamine hoặc tiêm EpiPen,...

Minh họa sưng tấy mặt ở trẻ (Ảnh: Internet)

11. Nôn mửa sau khi ngã

Mô tả: Trẻ bị ngã, có những thay đổi rõ ràng về thần kinh/rối loạn tri giác như lú lẫn, mất ý thức, nôn mửa. Đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Việc trẻ ngã nhìn chung không phải là vấn đề nghiêm trọng ở trẻ lớn, tuy nhiên với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi thì việc té ngã cần phải được theo dõi. Những ngày sau khi trẻ ngã có những rối loạn tri giác như lú lẫn, lơ mơ, đau đầu, đi không vững, ăn kém, ngủ nhiều,... đều cần phải thăm khám sớm.

Những tổn thương kín không chảy máu ngay lập tức mà hình thành sau 6 - 24 giờ sau khi trẻ ngã tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Ngoài ra, khi trẻ ngã cha mẹ cần kiểm tra xem đầu có bị lõm không, vết thương có chảy máu không, nếu trẻ bất tỉnh, nôn mửa, chảy máu mũi, miệng, tai và co giật thì cần đưa tới bệnh viện ngay lập tức.

12. Cứng cổ

Mô tả: Cổ cứng, trẻ đứng đơ không cử động được cổ hoặc không chịu nhìn sang trái hoặc sang phải.

Cổ cứng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não, một trường hợp cấp cứu y tế thực sự. Tuy nhiên không loại trừ việc trẻ bị đau cơ, vì thế cha mẹ cần đánh giá quan sát các triệu chứng kèm theo chẳng hạn như nhức đầu, nôn mửa, sốt, nhạy cảm với ánh sáng,..

Ngoài 12 triệu chứng phổ biến kể trên thì có các dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe khác mà cha mẹ cũng không nên bỏ qua và trẻ cần được kiểm tra, bao gồm:

- Thở khò khè

- Phát ban mẩn ngứa lan rộng

- Bỏng rộp ở mặt, cổ, lưng, ngực trên diện rộng

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt

- Yếu cơ, nhược cơ không rõ nguyên nhân

- Tiêu chảy trên 3 ngày

- Ngủ li bì, khó đánh thức

- Không thể uống nước hay các chất lỏng khác

- Dưới 3 tháng tuổi bị cảm lạnh

- Đau tai, ù tai, mất thính lực

- Sổ mũi liên tục kéo dài 2 tuần

- Phát ban có mủ đau đớn

- Tiểu rát

- Vết cắt, vết thương không cầm máu sau khi ấn vào miệng vết thương vài phút

- Đau họng dữ dội

- Đi tiểu có máu, đại tiện có máu

- Tai chảy dịch vàng hoặc chảy mủ

- Mắt sưng đỏ, có nhiều ghèn hoặc chảy dịch

- Đột nhiên nhạy cảm với ánh sáng

- Đau quanh rốn

- Nước tiểu đổi màu sang đục như màu soda

- Tiêu chảy có lẫn dịch nhầy

- Dịch tiết âm đạo bất thường hoặc dịch tiết dương vật

- Vết thương có mủ, dịch mùi hôi,...

Theo Afamily.vn

Nguồn: Parents

Theo Phụ nữ Việt Nam