Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai, mẹ bầu không thể bỏ qua


Thực hiện các biện pháp phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai là cách tốt nhất giúp đảm bảo sức khoẻ của mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi, đồng thời giảm nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.

Quai bị là bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa đông xuân, đến thời điểm hiện tại chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù là bệnh thể nhẹ và có thể tự khỏi sau một thời gian chăm sóc, kiêng khem hợp lý, nhưng quai bị nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng do quai bị. Do đó, phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai là vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai giúp mẹ bầu an tâm hơn trong mùa dịch.

1. Phụ nữ mang thai dễ mắc quai bị vào thời điểm nào?

Virus gây quai bị có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên cao điểm mắc quai bị thường vào mùa Xuân, Hè. Đặc biệt là vào tháng 4 và tháng 5 khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho virus phát triển.

Quai bị là bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Các giọt nước bọt, dịch tiết chứa mầm bệnh là tác nhân truyền nhiễm. Phụ nữ mang thai khi hít phải hơi thở hoặc tiếp xúc với đồ dùng chứa virus đều có nguy cơ mắc bệnh.

Virus gây bệnh quai bị có thể tồn tại rất lâu trong không khí ở nhiệt độ thường. Chúng có khả năng phát tán ra xa, tiếp xúc với những người có sức đề kháng yếu như phụ nữ mang thai và tấn công họ. Chính vì thế bà bầu là đối tượng dễ mắc thủy đậu vào thời điểm Xuân, Hè, khi thời tiết giao mùa.

Tìm hiểu thời gian dễ bùng phát bệnh giúp phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai hiệu quả hơn. Từ đó giúp thai phụ loại bỏ nỗi lo về căn bệnh này.

Phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai - Ảnh: Internet

2. Cách phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai

Đối với thai phụ, mắc quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh con dị dạng. Còn mắc quai bị trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách.

Phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai là cách tốt nhất để loại bỏ các nguy cơ có thể xảy ra. Dưới đây là một vài biện pháp phòng tránh quai bị cho bà bầu được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện.

2.1. Tiêm vaccine phòng bệnh quai bị

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng tránh quai bị. Do đó, trước khi lên kế hoạch mang thai bạn cần tiêm vaccin phòng bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên tiêm vaccine phòng bệnh quai bị ít nhất 3 tháng trước khi mang bầu. Đó là cách giúp bạn chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Bạn không nên tiêm vaccine quai bị khi đang mang bầu. Bởi thành phần của vaccine có chứa virus sống. Nó có khả năng xâm nhập và gây hại cho thai nhi nếu hệ miễn dịch của mẹ đang bị suy giảm. Bạn cần tránh mang thai ít nhất một tháng sau khi tiêm phòng quai bị để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

Tiêm vaccine phòng quai bị trước khi mang thai - Ảnh: Internet

2.2. Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh

Đối tượng dễ mắc quai bị là trẻ em từ 5 - 8 tuổi. Tuy nhiên quai bị cũng có thể xuất hiện ở người lớn chưa tiêm phòng hoặc có hệ miễn dịch suy yếu. Bà bầu là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm cao do sức đề kháng suy giảm trong quá trình mang thai.

Chính vì thế, để phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai, ngoài việc chủ động tiêm vaccine bạn cần hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc hoặc nghi mắc bệnh và các nguồn lây nhiễm khác. Chẳng hạn như bát đũa, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

2.3. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày giúp giảm tình trạng khô miệng. Từ đó hạn chế môi trường phát triển của vi sinh vật gây bệnh giúp phòng tránh quai bị hiệu quả.

Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người khác. Nhất là trẻ em và người ốm nghi mắc quai bị. Bên cạnh đó không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác như bát đũa, khăn, chậu rửa mặt...để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.

2.4. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể

Sức đề kháng của bà bầu yếu hơn so với người thường, tạo điều kiện cho virus tấn công. Để phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai bạn cần tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể bằng các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho bà bầu. Tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất từ các loại rau, củ, quả,...Đồng thời loại bỏ thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng caffein và chất kích thích,...

Tập thể dục thể thao theo chỉ dẫn của bác sĩ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Vận động nhẹ nhàng giúp phòng ngừa bệnh tật.

Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng khoa học - Ảnh: Internet

2.5. Đến gặp bác sĩ ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường

Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường nghi quai bị, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm. Một số dấu hiệu thường gặp như sưng viêm quai hàm, sốt nhẹ, đau nhức đầu,...có thể là biểu hiện của quai bị.

Dể đảm bảo an toàn, tốt hơn hết bạn không nên tự ý dùng thuốc khi mắc quai bị. Đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh có hại cho bà bầu. Hãy thông báo ngay với bác sĩ và tiến hành theo phác đồ điều trị riêng để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong thời gian mang thai. Nếu mắc quai bị, sau khi khỏi bệnh bạn cần thường xuyên khám thai để nắm bắt tiến trình phát triển của bào thai. Đồng thời dễ dàng kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân mình.

Trên đây là một số biện pháp phòng tránh quai bị cho phụ nữ mang thai mẹ bầu không thể bỏ qua. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp chăm sóc cơ thể phù hợp nhất, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Theo Afamily.vn

Theo Phụ nữ Việt Nam