Trẻ dậy thì sớm có thể do yếu tố di truyền, rối loạn hormone, vấn đề ở hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng của chế độ ăn uống. Trẻ dậy thì khi não bắt đầu thực hiện quá trình sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Hormone này đi đến tuyến yên và kích thích quá trình sản xuất hormone estrogen - liên quan đến tăng trưởng, sinh sản ở nữ giới và testosterone - phát triển đặc tính sinh dục ở nam giới. Thời điểm dậy thì ở mỗi trẻ khác nhau, thường khoảng 8-13 tuổi với bé gái và 9-14 tuổi với bé trai. Dậy thì sớm xảy ra khi bé gái phát triển đặc điểm sinh dục trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi. Trẻ dậy thì sớm có thể do yếu tố di truyền, liên quan đến giới tính, yếu tố chủng tộc. Các nguyên nhân khác như có khối u trên buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên, não hay do các vấn đề về thần kinh trung ương, rối loạn hormone, chấn thương não... Trẻ béo phì trước tuổi thành niên có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hormone androgen thành estrogen, dẫn đến dậy thì sớm. Thừa cân cũng liên quan đến việc mẹ mắc bệnh tiểu đường, tăng cân nhanh trong thai kỳ. Uống hoặc tiếp xúc với sản phẩm có chứa testosterone hoặc estrogen, như thuốc tránh thai, kem, thuốc nội tiết tố cũng có thể là nguyên nhân. Thời điểm dậy thì có thể sớm hơn so với bạn cùng lứa. Tuy nhiên, xương của trẻ trưởng thành sớm hơn có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, chiều cao hạn chế khi trưởng thành. Tình trạng này cũng có thể khiến trẻ có hoạt động tình dục sớm hơn. Thay đổi về thể chất có thể khiến trẻ hiểu lầm rằng mình đã trưởng thành, tiếp cận sớm với chất kích thích như thuốc lá, rượu bia nhằm chứng tỏ bản thân. Để phòng ngừa dậy thì sớm, phụ huynh cần xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống đủ chất, khoa học cho con. Thực đơn dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh. Nên chọn nguồn thức ăn tươi, không chứa chất biến đổi gene, hạn chế đồ đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo cùng hàm lượng đường cao. Tránh thực phẩm chứa hormone tăng trưởng. Cha mẹ cần tạo thói quen vận động, tham gia hoạt động thể thao cho con từ sớm. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bộ môn đá bóng, bơi lội, nhảy dây, chạy... cải thiện thể lực, hỗ trợ phát triển tầm vóc, sức khỏe xương. Thận trọng khi trẻ tiếp xúc với kem, mỹ phẩm hoặc thuốc có estrogen, testosterone. Cha mẹ nên gần gũi, dành thời gian trò chuyện cùng con nhiều hơn. Lê Nguyễn (Theo Healthline, WebMD)
|