Phổ cập mầm non không phải là kéo học sinh trường tư về trường công Chiều 21.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã chủ trì phiên họp lấy ý kiến về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo. Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo để xây dựng cơ sở thực tiễn đề xuất hoàn thiện phổ cập giáo dục mầm non trên phạm vi cả nước. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nêu vấn đề, đã có 29 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu phổ cập trẻ em 3-4 tuổi đến trường, vậy chính sách có phải chỉ nhằm huy động trẻ em đến trường không? Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo phải bảo đảm tính khả thi, chứ không chỉ “kéo” học sinh trường tư về trường công. Lấy ý kiến về Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho rằng, cần làm rõ chính sách thu hút giáo viên. Hiện nay, số lượng trẻ em đến trường lớn, nhưng biên chế giáo viên giảm, nên chăng bổ sung biên chế để đủ định biên giáo viên/lớp. Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp đề xuất làm rõ mục tiêu thu hút để có được đầu tư tài chính cho nhóm giáo viên, người học; trang thiết bị phục vụ học tập cho đối tượng phải cụ thể; đánh giá thực trạng để có sự ưu đãi về chính sách, thuế và ưu đãi, thu hút, “giữ chân” giáo viên. Theo dự thảo thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo do Bộ GD-ĐT xây dựng, có nhiều ưu đãi đối với trẻ em thuộc diện phổ cập. Cụ thể, trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập học tập tại các cơ sở phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu là 360.000 đồng/tháng/trẻ. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập học tập tại các cơ sở phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ chi phí học tập là 160.000 đồng/tháng/trẻ. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Việc xây dựng Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết các nhóm chính sách Giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng, hưởng không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. Các Bộ, ngành trong cuộc họp đều thống nhất ý kiến, lứa tuổi từ 3 -5 trẻ cần phải đến trường, đến lớp để được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Việc xây dựng Nghị quyết thí điểm, cần phải đảm bảo tính khoa học, để trình các cơ quan hữu quan thẩm định. Nguồn https://1thegioi.vn/pho-cap-mam-non-khong-phai-la-keo-hoc-sinh-truong-tu-ve-truong-cong-204629.html |