Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 vị trí nhạy cảm trên cơ thể trẻ sơ sinh, cha mẹ nên hạn chế chạm vào


Khi chăm sóc bé, cha mẹ nên hạn chế đụng chạm vào những vị trí được liệt kê dưới đây.

So với trẻ nhỏ, cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi có phần phức tạp hơn. Đặc biệt, với những người lần đầu làm mẹ nên tích lũy những kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách, nhằm bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ con phát triển tốt. Dưới đây là những vị trí được cho là nhạy cảm, non nớt, dễ tổn thương trên cơ thể của trẻ, cha mẹ nên hạn chế chạm vào.

1. Môi của trẻ

Trẻ con thường đáng yêu, người lớn rất muốn cưng nựng chúng, trong đó có việc hôn trẻ. Tuy nhiên, việc này là không nên. Bởi hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn non nớt. Khi người lớn hôn môi trẻ vô tình có thể khiến 1 số vi khuẩn nguy hiểm đi vào khoang miệng của bé, dẫn đến tình trạng bé nhiễm bệnh.

Việc hôn trẻ không chỉ là nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, tay chân miệng... mà có thể lây viêm màng não. Bệnh viêm não, viêm màng não do virus Herpes gây ra. Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ lên não, gây viêm não.

2. Thóp của bé

Khi mới sinh, thóp chính là điểm mềm trên đỉnh đầu, chỗ xương chưa che kín hết hộp sọ. Ở những trẻ sinh thiếu tháng, đôi khi cha mẹ còn thấy phần thóp phập phồng. Tuy chiếm một phần diện tích rất nhỏ nhưng đây lại là bộ phận quan trọng phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Khi chăm sóc con, cha mẹ nên cẩn thận tránh va chạm mạnh vào vùng thóp. Muốn làm sạch những mảng bám mà dân gian hay gọi là "phân trâu", mẹ có thể dùng dầu dừa bôi lên đầu trẻ, sau đó gội nhẹ nhàng, tránh kì cọ mạnh. Khi cho trẻ ra ngoài trời nắng hoặc gió, hãy đội mũ cho bé.

3. Cuống rốn của trẻ

Cuống rốn là bộ phận quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Nó rất hay bị nhiễm trùng nếu mẹ không biết cách vệ sinh cho bé. Một số mẹ khi thấy cuống rốn của con đổi sang màu đen, khô và sắp rụng, liền giật mạnh để nó rụng ra. Điều này sẽ khiến bé bị đau đớn. Bởi cuống rốn của con giống như một vết sẹo chưa lành, bị ngoại lực tác động dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Nhiều người cho rằng bạn chỉ nên lau người chứ không nên tắm bé cho đến khi rốn rụng. Tuy nhiên, việc tắm rửa cho bé không gây hại gì, miễn là bạn giữ cho cuống rốn khô và tránh chạm vào nước.

Nếu cuống rốn bị ướt, hãy lau khô bằng khăn mềm. Đôi khi, cuống rốn của bé có thể bị bẩn nếu bé đi tiêu. Hãy nhẹ nhàng làm sạch bằng nước, vệ sinh lại bằng nước muối sinh lý và lau khô.

Nếu đã qua một thời gian mà cuống rốn vẫn chưa rụng, bạn cũng đừng quá lo lắng. Đôi khi, cuống rốn sẽ rụng khá trễ. Trong trường hợp này, bạn vẫn chờ để cuống rốn rụng tự nhiên chứ không nên tác động lên nó. Nếu tại vị trí cuống rốn có dấu hiệu bất thường như chảy máu, chảy nước vàng, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận sự tư vấn đúng đắn.

4. Ráy tai của bé

90% trẻ không cần lấy ráy tai, mẹ chỉ cần dùng khăn ẩm lau vùng vành ngoài tai là đủ, tránh để nước chảy vào tai của bé gây nhiễm trùng, viêm tai giữa... Ngoài ra mẹ cũng cần cẩn thận khi trông nom trẻ. Có nhiều tai nạn va đập, té ngã, chọc đũa... khiến vật nhọn cắm vào tai trẻ. Điều này khiến con đau đớn, mất thính lực và tổn thương não.

Có một số trường hợp trẻ bị ráy tai quá nhiều dẫn đến loét hoặc viêm da ống tai ngoài. Đối với những trường hợp này, trẻ thường cảm thấy đau tai và rất đau khi lấy ráy tai nên trẻ sẽ khóc to khi lấy ráy tai. Nếu trẻ bị nút ráy tai hoặc ráy tai nhiều, đóng cứng, cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để lấy ráy tai.

5. Bộ phận sinh dục của trẻ

Nhiều người lớn thường thích chọc ghẹo bé trai bằng cách búng hoặc cấu véo vào tinh hoàn của bé. Điều này có thể khiến bé đau và gây tổn thương tinh hoàn của con.

Nhiều bé gái mới chào đời phần ngực hơi sưng phồng. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ biến mất theo thời gian. Nếu bố mẹ trêu đùa cấu véo sẽ khiến con bị đau, thậm chí viêm tuyến vú.

Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam