3 giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ nên nhớ để chăm con đúng cách Bố mẹ nên biết đón bắt giai đoạn này để có thể cải thiện vóc dáng trẻ ở thời kỳ quan trọng nhất. Là cha mẹ, bất kỳ ai cũng muốn con mình phát triển chiều cao một cách vượt trội. Chúng ta đều biết rằng, chiều cao của trẻ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố di truyền bẩm sinh, mà còn phụ thuộc rất lớn vào cách mà chúng ta chăm nuôi trẻ sau khi sinh ra cũng như tác động của môi trường sống. Cụ thể, chiều cao của trẻ chỉ bị ảnh hưởng khoảng 23% từ yếu tố di truyền (gen của ông bà, cha mẹ) ngoài ra dinh dưỡng lại đóng góp đến 32%; chế độ vận động, thể dục thể thao quyết định 20%. Còn lại là những yếu tố của môi trường sống, bệnh mạn tính và bẩm sinh, chế độ nghỉ ngơi... Do đó, để con có chiều cao lý tưởng, cha mẹ có thể chú ý thay đổi thói quen đặc biệt trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ. 3 giai đoạn vàng để tăng chiều cao ở trẻ Thời kỳ quan trọng đầu tiên: Giai đoạn 1 - 3 tuổi Từ sơ sinh đến 3 tuổi là giai đoạn chiều cao của trẻ phát triển nhanh nhất! Trong năm đầu đời, chiều cao của trẻ tăng 25 cm, năm thứ hai tăng 12 cm, năm thứ ba tăng 10 cm. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên chú ý cho trẻ uống đủ sữa, tốt nhất là bú mẹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ chứa đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa. Sau 6 tháng, trẻ chuyển sang giai đoạn ăn dặm, mẹ cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm giúp phát triển chiều cao từ đậu nành, cá hồi, yến mạch, hải sản các loại... trong chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Ảnh minh họa: CLJ Photography Thời kỳ quan trọng thứ hai: Giai đoạn 3 - 13 tuổi Sau 2 tuổi tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm, chiều cao của trẻ sẽ tăng 5 - 8 cm trong 1 năm cho đến khi dậy thì, trung bình khoảng 6,2 cm mỗi năm. Mật độ xương cũng tăng lên khoảng 1%/năm. Đây là giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ ổn định nhất. Việc tạo cho trẻ một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học cũng sẽ tạo bàn đạp cho sự phát triển tốt nhất trong giai đoạn dậy thì sau đó của con. Thời kỳ quan trọng cuối cùng: Giai đoạn dậy thì Giai đoạn này được gọi là "cơ hội cuối cùng" để thúc đẩy tăng trưởng chiều cao của trẻ. Thời kỳ này có sự khác nhau về độ tuổi phát triển chiều cao ở bé trai và bé gái. Cụ thể, trẻ phát triển chiều cao tốt nhất ở 10-16 tuổi đối với nữ và 12-18 tuổi đối với nam. Ở giai đoạn "vàng" phát triển chiều cao của trẻ, nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ tăng 8-12 cm mỗi năm cho đến năm 20 tuổi. 4 điều nên nhớ để con cao lớn Khi trẻ ở trong thời kỳ phát triển chiều cao vượt trội nhất thì cha mẹ nên đặc biệt chú ý và chuẩn bị dinh dưỡng cho trẻ một cách tốt nhất, đặc biệt phải để tâm đến lối sống của trẻ, giúp đón đầu giai đoạn phát triển, cho trẻ cao lên hơn so với mức bình thường. Muốn được như vậy, đừng quên 4 việc sau đây. Không nên lạm dụng cho trẻ ăn uống các sản phẩm dinh dưỡng Nhiều người sợ rằng con mình sẽ "thua ngay từ vạch xuất phát" nên lại nhanh nhảu mua sắm những thực phẩm chức năng hay món ăn dinh dưỡng để "thúc" bé phát triển chiều cao. Tâm lý sợ con trẻ thấp còi nên đã lạm dụng thực phẩm bổ quá sớm. Đây là điều đặc biệt cần chú ý, mặc dù bạn sợ con thấp còi, nhưng bản thân trẻ chưa chắc đã thiếu hụt dinh dưỡng, không cần phải bổ sung một cách đặc biệt. Khi quá dư thừa dinh dưỡng, thậm chí sẽ mang đến tác dụng ngược lại, dẫn đến thừa cân, béo phì. Nên cho trẻ ăn uống cân bằng Trong giai đoạn trẻ phát triển, nên cho trẻ ăn chất lượng hơn một chút, như vậy trẻ sẽ tăng trưởng chiều cao tốt hơn. Ảnh minh họa: The Conversation Nói là cho trẻ ăn nhiều, nhưng không phải là nhồi trẻ ăn, vì đây sẽ là cách khiến dạ dày của trẻ phát triển chứ không phải chiều cao. Bụng của trẻ sẽ no căng cả ngày nếu bạn không cho ăn đúng cách. Cho trẻ ăn đúng tức là cung cấp đủ dinh dưỡng mà cơ thể cần, thay vì cho ăn quá mức sẽ khiến trẻ béo phì, không thể tăng chiều cao. Nên chú ý bổ sung cho trẻ thành phần dinh dưỡng đa dạng, ưu tiên cả thịt và rau quả, đảm bảo việc cung cấp protein, canxi, sắt và chất dinh dưỡng đa dạng khác. Không nhất thiết cứ phải ăn nhiều thịt là tốt, rau, trái cây và các loại đồ ăn khác cũng rất cần thiết và bổ dưỡng. Cho trẻ chơi thể thao và vận động nhiều hơn Do xu thế chung của xã hội, trẻ ngày nay phải đi học nhiều hơn, ngồi nhiều hơn, làm bài tập nhiều hơn nên thời gian vận động ngày càng thu hẹp lại. Vì vậy, sau khi trẻ tan học, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ thời gian vận động, tập thể dục, chơi các trò chơi. Nếu không có đủ thời gian trong các ngày thường, cuối tuần bạn phải cho trẻ vận động nhiều hơn. Những hoạt động hỗ trợ phát triển chiều cao như nhảy dây, xà đơn xà kép, bơi lội, đi xe đạp, chạy bộ, những động tác kéo giãn cơ thể như yoga đều rất tốt cho trẻ, từ đó giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu hơn. Ưu tiên đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, chất lượng Khi nói đến việc đảm bảo giấc ngủ, nhiều người tỏ ý buồn cười vì nghĩ rằng trẻ rất dễ ngủ, không có chuyện bị thiếu ngủ. Nhưng bạn cũng đã biết rằng, trẻ hiện nay phải học hành rất nhiều, không thể đi ngủ sớm, càng không được ngủ thỏa thích. Mong muốn của cha mẹ đối với trẻ trong việc học tập là rất nhiều, nhưng hãy cố gắng cho trẻ học tập và nghỉ ngơi cân bằng, ưu tiên giấc ngủ đầy đủ, ngon giấc, sâu giấc để hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao. Trẻ nên được ngủ sớm, ngủ đủ và dậy sớm, tạo thành thói quen ngủ lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ để duy trì sức khỏe tốt nhất. Theo Afamily.vn Theo Aboluowang, Health/TT
|