Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách để trẻ làm quen với sữa mẹ trữ đông


Sau 6 tháng nghỉ thai sản, người mẹ cần trở lại với công việc. Vắt/hút sữa để trẻ ăn khi mẹ đi làm trở lại là điều cần thiết, song phải tập cho trẻ làm quen dần.

Những nguyên nhân khiến trẻ không thích sữa mẹ trữ đông

Sữa mẹ trữ đông có mùi chua

Một số bà mẹ nói rằng sữa trữ đông khi lấy ra cho con uống có mùi chua giống như sữa bò lên men. Nếu sữa của bạn trữ đông lấy ra cũng có mùi chua đó nhưng vị của nó không bị chua hoặc không bị hỏng thì sữa đó vẫn an toàn cho bé bú, chỉ là con không thích mùi chua đó nên con từ chối. Nếu gặp tình trạng này, bạn hãy kiểm tra lại quy trình lưu trữ có đảm bảo an toàn chất lượng sữa không. Bình thủy tinh hoặc nhựa tiêu chuẩn để đựng sữa mẹ. Vật liệu tốt nhất là thủy tinh hoặc nhựa cứng trữ thực phẩm polypropylene hoặc polybutylene. Nhựa polyetylen không bảo quản tốt bằng.

 

Sữa mẹ trữ đông vẫn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho trẻ

Nếu bạn đang sử dụng các loại túi/ chai nhựa tiêu chuẩn, hãy thử sử dụng các loại túi được thiết kế đặc biệt để đựng sữa mẹ. Nếu bạn đang bảo quản bằng nhựa, hãy thử bằng thủy tinh.

Nếu sữa vắt ra và chưa có dự định dùng trong vòng 4 ngày thì hãy đông lạnh càng sớm càng tốt sau khi vắt. Sau khi rã đông thì nên sử dụng càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ.

Đảm bảo rằng tất cả các gói sữa trong tủ lạnh hoặc tủ đông của bạn được đậy kín để sữa của bạn không thể hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác. Một số mẹo giúp hút bớt mùi trong tủ lạnh hoặc tủ đông bạn có thể thử như đặt vào hộp baking soda, ở Việt Nam có thể dùng vỏ bưởi/quýt. Nếu được bạn hãy trang bị thêm nhiệt kế tủ lạnh/ tủ đông để đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ bảo quản

Sữa mẹ trữ đông có mùi lạ

Một số bà mẹ nói rằng sữa của họ sau trữ lạnh hoặc trữ đông có mùi xà phòng, mùi hắc rất khó chịu mặc dù đã tuân thủ đúng hướng dẫn bảo quản sữa mẹ. Đó cũng là lý do con từ chối sữa mẹ.

Theo Lawrence & Lawrence, có thể sữa của những bà mẹ này dư thừa enzyme Lipase, enzyme này phân hủy chất béo trong sữa ngay sau khi vắt sữa. Hầu hết trẻ sơ sinh không bận tâm đến sự thay đổi mùi vị nhẹ và sữa có nhiều Lipase này không có hại, nhưng mùi vị càng mạnh thì khả năng từ chối của trẻ sẽ cao.

Lipase là một loại enzyme thường có trong sữa mẹ và có một số chức năng có lợi như: Lipase giúp giữ cho chất béo trong sữa được trộn đều (được nhũ hóa) với phần "whey" của sữa, và cũng giúp phân nhỏ các phân tử chất béo để trẻ dễ tiêu hóa. Lipase cũng giúp phân hủy chất béo trong sữa, do đó các chất dinh dưỡng khác có thể hòa tan trong chất béo (ví dụ như vitamin A & D) và các axit béo tự do giúp tăng cường đề kháng cho trẻ bú mẹ.

Hầu hết trẻ sơ sinh đều từ chối sữa mẹ có nhiều lipase. Bạn có thể thử một số cách sau để giúp bé ăn ngon hơn: Trộn sữa đông lạnh hâm nóng và sữa mới vắt. Cách này có khả năng thành công cao nhất. Bạn bắt đầu cử ăn của bé bới một ly sữa mới vắt ra và thêm một ít sữa trữ đông làm ấm. Nếu bé chịu ăn thì lần tiếp theo hãy thêm nhiều sữa trữ đông một ít cho đến khi em bé từ chối hoặc bạn được dung dịch một nửa sữa mới/ một nửa sữa mẹ trữ đông.

Nếu bạn đã trữ đông một lượng lớn sữa mẹ đã hút trong nhiều tháng, hãy thử sữa của nhiều khoảng thời gian khác nhau, đừng bỏ cuộc sau khi thử vài bình. Đôi khi sữa mới hơn có thể không ảnh hưởng, nhưng đôi khi sữa cũ lại ổn hơn. Đôi khi sữa cấp đông ngay lập tức sau khi vắt và sữa để trong tủ lạnh vài ngày mới cấp đông cũng có sự khác biệt. Phương pháp này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và đôi khi có cả thất vọng của cả mẹ và con để tìm ra túi sữa mà trẻ chịu uống.

Ngay cả khi không có phương pháp nào hiệu quả với bạn, hãy cố gắng và đừng bỏ cuộc. Trẻ sơ sinh thay đổi rất nhanh. Nếu con từ chối vào tháng 6 hãy lấy sữa ra thử cho con vào tháng 7.

Sữa có mùi ôi

Nếu sữa mẹ trữ đông của bạn có mùi ôi thiu, nguyên nhân có thể là do oxy hóa hóa học chứ không phải lipase. Việc oxy hóa này có thể xảy ra do mẹ bổ sung các chất béo không bão hòa đa thể từ thực phẩm hoặc do các ion sắt, ion đồng tự do trong nước uống của mẹ. Một vài thực phẩm không bão hòa đa thể gây mùi ôi thiu cho sữa mẹ là hạt nguyên cám, dầu, gạo lứt…

Người mẹ hãy kiểm tra nguồn nước uống của mình. Tránh dầu cá và các chất bổ sung từ hạt lanh và các thực phẩm như cá cơm. Tăng cường các loại thực phẩm có chất chống oxy hóa như beta carotene và vitamin E.

Khuyến cáo rằng nếu trẻ từ chối sữa trữ đông, các bà mẹ hãy cố gắng cho trẻ bú mẹ trực tiếp hoặc sữa mới vắt, hoặc cung cấp cho trẻ sữa đông lạnh dưới 7 ngày. Tuy nhiên đảm bảo nhu cầu của bé đồng thời phù hợp với cuộc sống của cha mẹ.

Lưu ý khi đông lạnh sữa mẹ

Chia nhỏ sữa lưu trữ vừa đủ cho 1 lần ăn của bé để tránh lãng phí. Không đổ sữa mẹ quá đầy trong bình chứa/ túi chứa vì sữa mẹ sẽ nở ra khi đông lại. Nếu sữa được đưa đến bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc trẻ, hãy dán nhãn rõ ràng và ghi tên trẻ trên nhãn. Nếu bạn có thêm lưu ý nào khác hãy ghi cẩn thận vào nhãn và báo cho cơ sở chăm sóc trẻ đó biết.

Sữa mẹ có thể được bảo quản trong túi đá giữ nhiệt tối đa 24 giờ nếu bạn đi du lịch hoặc vận chuyển sữa đến nơi khác, sau đó hãy bảo quản trong tủ đông nếu chưa dùng đến.

Rã đông sữa mẹ an toàn bằng cách luôn luôn rã đông sữa mẹ cũ nhất trước. Theo thời gian, chất lượng sữa mẹ có thể giảm xuống. Rã đông bằng cách để trong tủ lạnh qua đêm, đặt trong một ly/thau nước ấm hoặc để dưới vòi nước ấm. Không bao giờ rã đông hoặc hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng. Lò vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và tạo ra các điểm nóng, có thể làm bỏng miệng trẻ.

Nếu bạn rã đông sữa mẹ trong tủ lạnh, hãy sử dụng nó trong vòng 24 giờ (tính từ lúc sữa mẹ được rã đông hoàn toàn, không phải từ khi bạn lấy sữa ra khỏi tủ đông). Sau khi sữa mẹ được rã đông và làm ấm, chỉ sử dụng trong vòng 2 giờ. Không nên đông lạnh lại sữa mẹ đã rã đông.

Sau khi rã đông, màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào chế độ ăn uống của bạn. Ngoài ra, sữa mẹ đã rã đông có thể có mùi hoặc độ đặc khác với sữa mới vắt. Sữa mẹ rã đông vẫn an toàn khi cho bé bú.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn