Cẩn trọng với bệnh cong vẹo cột sống Cong vẹo cột sống có thể làm giảm dung tích lồng ngực, ảnh hưởng đến chức năng tim phổi.
Hoạt động sai tư thế gây vẹo cột sống là vấn đề phổ biến. Ảnh minh họa Bệnh ở thể nặng có thể khiến trẻ bị yếu liệt hai chân, rối loạn đại tiểu tiện. Bệnh thường gặp ở trẻ 6 - 18 tuổi Gù là tình trạng cột sống bị cong ra sau quá mức theo mặt phẳng trước sau và theo định nghĩa có ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù, góc gù càng lớn thì càng nghiêm trọng. Đặc biệt, không ít trẻ gặp tình trạng này. Vừa qua, bệnh nhân V.L.A. (19 tuổi, TPHCM), học lớp 7, bị cong vẹo lưng. Sau đó, trẻ được gia đình đưa đi khám ở quê và được chẩn đoán bị vẹo cột sống nặng nhưng không điều trị. Bệnh nhân than thường xuyên bị đau mỏi vùng lưng, khó thở và không thể leo thang lầu được nhiều. Bệnh nhân cảm thấy tự ti và trầm cảm vì ngoại hình của mình. Sau đó, bệnh nhân học đại học, tìm hiểu về tình hình bệnh của mình mới quyết định đi khám bệnh. Tại Bệnh viện 1A, bệnh nhân được xác định vẹo cột sống ngực thắt lưng nặng, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ; giảm độ ưỡn sinh lý cột sống L1-S1. Đặc biệt, các đốt sống ngực đã biến dạng nên việc điều trị bảo tồn không thể trả lại hình dạng ban đầu. Chia sẻ về tình trạng này, ThS.BS Tạ Ngọc Hà - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, cong vẹo cột sống là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 - 18 tuổi. Đây là tình trạng cột sống bị vẹo lệch về một bên hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như vốn có. Cong vẹo cột sống ảnh hưởng đến chức năng của toàn bộ cột sống, gây biến dạng (cột sống bị gù, ưỡn, vẹo). Đồng thời, tác động xấu đến tâm lý của trẻ do mặc cảm về ngoại hình, tăng nguy cơ đau lưng mạn tính khi lớn tuổi. Bệnh còn làm giảm dung tích lồng ngực, ảnh hưởng đến chức năng tim phổi. Bệnh ở thể nặng có thể khiến trẻ bị yếu liệt hai chân, rối loạn đại tiểu tiện. Ở trẻ nữ, tình trạng này có thể gây nên biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản khi trưởng thành. BSCKI Trần Xuân Anh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, những trường hợp cột sống cong vẹo mức độ nhẹ, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, hay đến sức khỏe thể chất. Người bệnh chỉ cần thực hiện những bài tập lưng nhẹ nhàng đã có thể cải thiện và phục hồi tình trạng dần theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vẹo cột sống làm thay đổi diện mạo cơ thể, được xem xét là mức độ cong vẹo nặng. Hơn nữa, có những trường hợp sẽ cần điều trị bằng phẫu thuật nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ quan và vấn đề sức khỏe khác của người bệnh. Nguyên nhân cong vẹo cột sống Theo bác sĩ Xuân Anh, nguyên nhân gây cong vẹo cột sống khá đa dạng, đặc biệt là ở độ tuổi trưởng thành. Một trong những nguyên nhân gây phổ biến là sự thoái hóa cột sống ở người già. Ngoài ra, vẹo cột sống ở trẻ em có thể do bẩm sinh. Thói quen sinh hoạt sai tư thế cũng được xem là nguyên nhân thường gặp, gây ra tình trạng này ở trẻ em và người trẻ tuổi. Trong khi đó, vẹo cột sống do bẩm sinh là tình trạng bệnh vô căn, xảy ra ở trẻ em. Điều này được xác định do sự phát triển bất thường của cột sống thai nhi. Việc phát triển bất thường có thể do ảnh hưởng từ mẹ, trong trường hợp mẹ khi mang thai có tiếp xúc với hóa chất độc hại, có hành động gây ra sự chèn ép thai nhi hoặc tạo tác động mạnh lên thai thi… Ngoài ra, vẹo cột sống do di truyền hiện nay chưa được chứng minh chính thức bởi bất kỳ nghiên cứu khoa học nào. Dù vậy, tỷ lệ người bị vẹo cột sống bẩm sinh có người nhà mắc bệnh là khá cao. Trường hợp khác là vẹo cột sống sau phẫu thuật. Tình trạng này là biến chứng mà người bệnh có thể mắc phải sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật, đặc biệt là cuộc phẫu thuật lớn. Đây là một biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, người bệnh nên báo ngay với bác sĩ nếu cảm thấy dấu hiệu bất thường của mình sau các cuộc phẫu thuật. Vẹo cột sống còn có thể do hệ thần kinh. Đây là tình trạng xảy ra ở những người mắc bệnh thần kinh cơ. Những bệnh này sẽ ảnh hưởng đến các chức năng và sự phát triển của cơ, trong đó có bao gồm tật vẹo cột sống. Những bệnh có thể gây ra gồm: Bại não; Loạn dưỡng cơ; Teo cơ. “Hoạt động sai tư thế gây ra vẹo cột sống là vấn đề phổ biến nhất ở người trẻ tuổi và trẻ em. Việc hoạt động sai tư thế sẽ tạo áp lực lớn lên cột sống khiến cột sống thực hiện chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể trong điều kiện nhiều rủi ro hơn. Những hành động như cong lưng, khuân vác vật nặng, thực hiện các động tác thể thao chuyên nghiệp sai cách là nguyên nhân lớn gây ra vẹo cột sống, nhất là những hành động này được lặp lại thường xuyên”, bác sĩ Xuân Anh cảnh báo. Một nguyên nhân khác là chiều dài chân không đều. Đây là một dị tật cơ xương khớp. Vẹo cột sống là biến chứng có khả năng xảy ra cao của dị tật này. Hành động đi tập tễnh ở người có độ dài chân không bằng nhau sẽ khiến cột sống chịu áp lực nặng, không vững trọng tâm. Từ đó, dẫn đến vẹo cột sống. Để phòng ngừa và ngăn chặn bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ, theo các chuyên gia, cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, chú ý đến những thức ăn giàu canxi. Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Hướng dẫn trẻ ngồi học ngay ngắn, đúng tư thế. Bố trí thời gian nghỉ giải lao giữa giờ, không nên ngồi học quá lâu. Lựa chọn bàn ghế, bảng có kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Không để trẻ mang vác cặp sách quá nặng. Lên kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Vân Huyền Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/can-trong-voi-benh-cong-veo-cot-song-post643923.html |