7 sai lầm khi pha sữa bột làm mất chất dinh dưỡng, gây hại cho trẻ Pha sữa bột không đúng cách có thể gây hại cho trẻ, cha mẹ cần tránh những sai lầm khi pha sữa cho con. Những sai lầm dễ mắc phải nhất khi pha sữa bột Pha sữa bột rất đơn giản, ai cũng có thể làm được nhưng để pha đúng cách thì không phải người nào cũng biết. Dưới đây là những cách pha sữa bột phổ biến nhất có thể gây hại cho trẻ: 1. Cho bột sữa vào trước rồi mới cho nước vào Pha sữa theo cách này, lượng nước thực tế sẽ ít hơn lượng nước theo quy định, dẫn tới tỷ lệ bột sữa và nước không chuẩn. Điều này có thể khiến sữa đặc hơn, không tan đều, không có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ. Cách làm đúng: Thêm lượng nước theo quy định, sau đó mới cho bột vào, lắc đều cho tan hết bột. 2. Pha sữa bột với nước tinh khiết, nước khoáng Nước tinh khiết tuy sạch hơn nhưng thường thiếu các khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người, còn nước khoáng tuy chứa nhiều khoáng chất nhưng hàm lượng quá nhiều, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu của trẻ nhỏ. Ngoài ra, nếu nước được sử dụng để pha sữa bột không đủ sạch, chứa vi khuẩn hoặc các chất độc hại, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn hoặc bị bệnh. Cách làm đúng: Tốt nhất là bạn nên sử dụng nước lọc, đun sôi để nguội ở nhiệt độ thích hợp để pha sữa. 3. Dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh để pha sữa Nhiệt độ nước sôi quá nóng dễ làm mất chất dinh dưỡng trong sữa bột, có thể gây bỏng cho trẻ. Pha bằng nước lạnh không có lợi cho dạ dày của trẻ, bột sữa cũng khó tan hơn. Cách làm đúng: Nhiệt độ thích hợp nhất để pha sữa bột thường 40 - 70 độ C, tốt nhất nên pha theo nhiệt độ mà từng loại sữa bột chỉ định. 4. Lắc mạnh bình sữa Nếu lắc mạnh bình sữa sẽ dễ tạo bọt khí quá nhiều, trẻ nuốt nhiều bọt khí dễ bị đầy hơi sau khi uống, gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Cách làm đúng: Vặn nắp bình, giữ bình sữa trong 2 tay, lăn qua lại theo chiều ngang. 5. Sử dụng quá nhiều hoặc quá ít bột sữa Sử dụng quá nhiều bột có thể dẫn đến tình trạng táo bón và khó tiêu hóa, trong khi sử dụng quá ít bột có thể khiến trẻ không đủ dinh dưỡng. Cách làm đúng: Lấy đúng lượng bột và nước theo quy định. 6. Lưu trữ sữa bột không đúng cách Sữa bột phải được lưu trữ ở nhiệt độ phù hợp và trong một nơi khô ráo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Cách làm đúng: Sữa bột nên để nơi thoáng mát, đậy nắp kín, tránh côn trùng bò vào. 7. Sử dụng sữa bột hết hạn Sử dụng sữa bột đã hết hạn có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì các chất dinh dưỡng trong sữa đã mất đi. Cách làm đúng: Luôn đọc và quan sát kỹ thời hạn sử dụng sữa bột trước khi pha cho trẻ uống. Chú ý: Cách xác định nhiệt độ khi cho trẻ bú sữa Nếu nhiệt độ sữa quá cao sẽ làm trẻ bị bỏng, nếu nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ sau khi uống. Vì vậy, cha mẹ phải kiểm soát nhiệt độ của sữa bột. Trên thực tế, cha mẹ có thể kiểm tra độ nóng của sữa bằng cách nhỏ vài giọt lên mu bàn tay xem có cảm giác nóng không, nếu mu bàn tay chỉ ấm chứ không nóng thì thích hợp cho trẻ bú. Hoặc cách tốt nhất là bạn nên sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ của sữa. Theo Afamily.vn
|