Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ bị bệnh khó nuốt, sụt 13 kg


Bệnh nhân 12 tuổi bị suy kiệt nặng, sụt 13 kg trong 6 tháng, còn 25 kg do rối loạn chức năng ở thực quản gây khó nuốt.

Bé Bảo Châu (12 tuổi, Bắc Giang) bị khó nuốt, nuốt nghẹn, nôn ngay sau khi ăn. Bé cao 1,46 m nhưng cân nặng chỉ còn 25 kg, suy dinh dưỡng nặng nên phải dừng việc học gần một năm. Phụ huynh của bé cho biết, gia đình đưa bé đến nhiều cơ sở y tế điều trị nhưng triệu chứng không cải thiện.

Giữa tháng 6, bác sĩ Đào Trần Tiến (Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) thăm khám cho bé, nhận thấy bé hoạt bát, thông minh, không có biểu hiện bất thường về tâm lý gây nuốt nghẹn và nôn như chẩn đoán ở một số bệnh viện khác. Bác sĩ quan sát thấy thuốc và nước đi xuống thực quản rất chậm khi chụp X-quang thực quản. Điều này không dễ nhận thấy khi nội soi bởi dây ống soi có thể đi qua được.

Bác sĩ Tiến cho biết, bác sĩ sử dụng máy nội soi giúp phát hiện các tổn thương thực quản nhỏ và đo vận động thực quản độ phân giải cao (HRM) cho người bệnh. Máy đo vận động thực quản HRM được xem là tiêu chuẩn "vàng" để chẩn đoán các rối loạn chức năng ở cơ quan này. Các chỉ số về áp lực, nhu động thực quản, điểm co bóp áp lực thực quản hiển thị trên màn hình giúp bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị co thắt tâm vị.

Bác sĩ dùng máy đo vận động thực quản HRM để xem xét tình trạng của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh co thắt tâm vị ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng không điển hình hoặc chỉ khó nuốt cơm, đồ ăn đặc. Ở giai đoạn sau như trường hợp của bé Châu, bệnh kéo dài, khó nuốt nặng dần khiến bé không thể nuốt thức ăn lỏng hoặc nước. Thức ăn từ thực quản không vận chuyển xuống dạ dày gây ứ đọng và nôn. Thực quản giãn rộng để chứa thức ăn cũ khiến người bệnh vẫn ăn được nhưng bị nôn ngay sau khi ăn.

Để khắc phục tình trạng trên, bác sĩ nong thực quản bằng bóng hơi. Phương pháp này điều trị chủ yếu bệnh co thắt tâm vị, với thời gian thực hiện ngắn, mang lại hiệu quả tương đối cao, nhất là với trường hợp co thắt tâm vị type II, thực quản giãn không quá rộng như bé Châu.

Bé Bảo Châu tăng 3 kg, khỏi bệnh co thắt tâm vị sau khi điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một ngày sau khi nong thực quản, người bệnh có thể ăn cơm, không nuốt nghẹn, không nôn sau ăn. Do cơ thể mất 23% trọng lượng, người bệnh thiếu cơ, mỡ và nhiều vi chất nên được can thiệp dinh dưỡng. Sau 5 ngày, sức khỏe người bệnh ổn định và tăng 3 kg. Bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng sau khi ra viện để thể trạng hồi phục, chuẩn bị đi học trở lại.

Bác sĩ Tiến chia sẻ thêm, ở thể nhẹ bệnh co thắt tâm vị, người bệnh được dùng bóng hơi nong thực quản, tách cơ thực quản để nuốt được thức ăn. Trường hợp không đáp ứng hoặc đáp ứng không hoàn toàn với phương pháp này, bác sĩ có thể nội soi cắt cơ thực quản qua đường miệng hoặc đường bụng.

Co thắt tâm vị tuy là bệnh không gặp nhiều ở trẻ em nhưng khi trẻ có triệu chứng khó nuốt, nuốt nghẹn, nuốt vướng, nôn sau khi ăn xong, bố mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị.

Lục Bảo (Vnexpress.net)