Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thầy cô đón kỳ nghỉ Hè ý nghĩa


Dịp hè, nhiều giáo viên tập trung vào kinh doanh, làm thêm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình.


Cô Hoàng Thị Thủy - giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai) hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, một số thầy, cô lại gác niềm vui riêng, cùng học trò hiện thực hóa các ý tưởng giáo dục trong năm học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức…

Cải thiện cuộc sống

Hơn 10 năm qua cứ đến mùa Hè, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Mầm non Liên Hội (Lạng Sơn), lại dành toàn bộ thời gian nghỉ để tập trung buôn bán kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Cô Duyên tâm sự: “Con hay đau ốm, cả gia đình trông chờ vào khoản tiền lương giáo viên mầm non của tôi nên cuộc sống khá khó khăn. Vì vậy để duy trì đam mê với nghề dạy học cũng như cải thiện cuộc sống gia đình tốt hơn, tôi và chồng đã bàn nhau kinh doanh buôn bán”.

Sau thời gian nghiên cứu thị trường, nhu cầu ở địa phương nơi đang sinh sống, vợ chồng cô Duyên quyết định vay vốn mở cửa hàng đồ gia dụng, túi xách, cặp, ba lô… Để giảm bớt chi phí trung gian, cô Duyên tự đi nhập, đóng hàng và vận chuyển đến khách buôn lẻ. Sau nhiều năm, cuộc sống của gia đình cô được cải thiện.

Cô Lê Thị Hà, giáo viên một trường THCS (Can Lộc, Hà Tĩnh), chia sẻ: “Chồng làm nghề tự do, không ổn định, sinh hoạt phí của cả nhà hàng tháng trông vào số tiền lương giáo viên của tôi. Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển, nhiều đồng nghiệp khuyên tôi bán hàng online trên Facebook, Zalo. Họ gợi ý tôi bán hải sản vì tôi sinh ra ở vùng biển, biết đầu mối lựa chọn hải sản ngon…”.

Sau một thời gian nghiên cứu, và bạn bè khuyến khích, năm 2020, cô Hà đã nhờ con gái dạy cách chụp ảnh, đăng bài, làm sao có nhiều tương tác khi giới thiệu sản phẩm trên Facebook, Zalo.

“Những đơn hàng đầu tiên của tôi chính là đồng nghiệp, bạn bè thân quen ủng hộ. Sau một thời gian, tôi nhận được nhiều đơn hàng từ khách lạ. Theo đó, ngày đi dạy, tối về tôi lại tranh thủ xếp, chuyển hàng đi cho khách”, cô Hà cho biết.

Lấy công làm lãi, cô Hà không tính tiền cước vận chuyển, thực phẩm đều tự tay lựa chọn nên khách hàng hài lòng, tin tưởng. Mùa Hè đến, cô mở rộng thêm nhiều sản phẩm để đa dạng hóa các mặt hàng: Kho cá, thịt, làm chả, muối dưa, cà. “Chắt chiu từng đồng lợi nhuận, cuộc sống gia đình tôi phần nào được cải thiện, không còn quá áp lực kinh tế. Điều đó cũng giúp tôi yên tâm trụ vững với nghề, không còn ý nghĩ vì khó khăn mà chuyển nghề…”, cô Hà chia sẻ.

 

Cô Nguyễn Thị Duyên giáo viên Trường Mầm non Liên Hội (Lạng Sơn) đang bán hàng. Ảnh NVCC.

Gác niềm vui đồng hành cùng học trò

Kỳ nghỉ hè nhiều năm nay, thay vì dành toàn bộ thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, du lịch, làm điều mình muốn thì cô giáo Hoàng Thị Thủy - Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai) tập trung hướng dẫn học sinh các đề tài nghiên cứu khoa học để tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng.

Cô Thủy tâm sự: “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện diễn ra vào tháng 5, vì vậy ngay khi kết thúc năm học, cô trò phải ngồi lại thảo luận, lên kế hoạch và biến thành sản phẩm mà trước đó đã thảo luận và nghiên cứu”.

Cô Thủy cho biết, từ mùa Hè năm 2018 cô dành thời gian để cùng học trò nghiên cứu các đề tài khoa học. Đến nay, cô Thủy gần như chỉ dành thời gian một tuần về thăm gia đình dịp hè, sau đó quay trở lại trường cùng học trò thực hiện các nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

“Học sinh của trường đa số người dân tộc, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng các em rất ham học, chịu khó mày mò nghiên cứu. Nắm được tinh thần đó, với vai trò chủ nhiệm “Câu lạc bộ sáng tạo vì xã hội” của trường, tôi hướng dẫn các em biến ý tưởng, lý thuyết thành sản phẩm như đồ chơi để bán; búp bê mặc trang phục dân tộc; làm khèn Mông…”, cô Thủy trao đổi.

Sau khi hoàn thiện sản phẩm cô trò sẽ rao bán cho các điểm du lịch, chợ, hay Facebook, Zalo. Toàn bộ lợi nhuận thu được cô, trò sẽ xung vào quỹ câu lạc bộ sáng tạo để hoạt động, tổ chức các buổi trải nghiệm: Làm bánh, sinh tố, nấu xôi...

“Mùa Hè, nhiều đồng nghiệp dành toàn bộ thời gian chăm sóc gia đình, tìm việc làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Còn bản thân tôi coi học trò như con em mình. Các em sinh ra ở vùng cao, khó khăn, thiệt thòi, vì vậy thay vì nghỉ ngơi, làm việc riêng, tôi sẽ cùng học trò biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế là đồ chơi đơn giản, nếu khả thi và có thể tham gia các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do huyện tổ chức vào tháng 5. Đó cũng là niềm vui, đam mê với dạy học, nghiên cứu khoa học kỹ thuật của tôi”, cô Thủy tâm sự.

Thành công ngoài mong đợi của cô trò, năm đầu tiên (2018) sản phẩm robot nông dân (sản phẩm đồ chơi cho trẻ em) đã ra đời. Nhận được nhiều lời động viên, cô trò mạnh dạn đưa sản phẩm tham dự cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do huyện Si Ma Cai tổ chức và giành giải Nhất. Thừa thắng xông lên, tại cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia sản phẩm này đều giành giải Nhất.

Năm 2019, với mô hình giới thiệu về cộng đồng các dân tộc ở huyện Si Ma Cai, sản phẩm của cô Thủy và học trò đoạt giải Nhì, được chọn đi triển lãm tại Nga (tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, nên hủy). Từ kinh nghiệm 2 năm tích luỹ, năm 2021, cô Thủy và học trò tham dự cuộc thi bằng sản phẩm mô hình “Gia đình em” và đoạt giải nhất; Năm 2022, mô hình “Chú kiến chăm chỉ” có chức năng cắt và thu cỏ của cô trò nhà trường đã đoạt giải Khuyến khích cấp quốc gia.

 

Ngô Chuyên

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/thay-co-don-ky-nghi-he-y-nghia-post641670.html