Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ ăn nhiều bột gạo trong thời kỳ ăn dặm dẫn tới cơ thể thiếu chất này


Nhiều người mẹ không chú ý tới việc bổ sung chất này trong bữa ăn của trẻ. Đây là một chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với não bộ và khả năng miễn dịch của trẻ.

Bác sĩ Lý Thời Vọng, phó trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu Nhi của Bệnh viện Hợp tác Quốc tế Trung Hoa (Trung Quốc) chia sẻ: "Trong cuốn hướng dẫn dinh dưỡng cho người dân Trung Quốc mới nhất có đề xuất rằng, thức ăn dặm của trẻ nên là thịt xay, gan xay thay vì là bột gạo như trước đây".

Cụ thể hơn trong cuốn hướng dẫn này đề cập tới việc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 7 - 24 tháng tuổi nên ăn các loại thức ăn bổ sung gồm thịt và gan xay nhuyễn, ngũ cốc trẻ em giàu chất sắt và các loại thức ăn có bổ sung sắt khác.

Tại sao thức ăn dặm của trẻ nên là thịt và gan xay?

1. Trẻ sau 6 tháng cần nhiều sắt

Trẻ trước 6 tháng cần 0,3mg sắt mỗi ngày, trong khi 100ml sữa mẹ chứa 0,1mg sắt. Trẻ có thể tiêu thụ 0,8mg sắt nếu uống khoảng 800ml sữa mẹ mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu sắt cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, sau 7 tháng, trẻ cần 10mg sắt/ngày, dù uống 1.000 ml sữa mẹ/ngày cũng chỉ bổ sung được 1mg sắt, thiếu 9mg so với nhu cầu sắt hằng ngày của trẻ cần.

Lúc này cần lấy sắt từ thức ăn bổ sung, ngay khi trẻ bắt đầu ăn dặm thì cần phải cho trẻ ăn các loại thức ăn bổ sung chứa hàm lượng sắt cao. So với bột gạo, cháo, bún, mỳ các loại, hàm lượng sắt trong thịt và gan xay cao hơn.

2. Cơ thể hấp thu sắt trong thịt và gan xay tốt hơn

Cơ thể cần 2 loại sắt chính là sắt heme và sắt non-heme.

Sắt heme là loại sắt được tìm thấy trong thực phẩm từ các nguồn động vật, chẳng hạn như thịt, cá và gia cầm. Sắt heme có khả năng hấp thụ tốt hơn và được sử dụng hiệu quả hơn bởi cơ thể.

Sắt non-heme là loại sắt được tìm thấy trong thực phẩm từ các nguồn thực vật, chẳng hạn như đậu, rau cải, hạt và các sản phẩm chế biến từ lúa mì. Sắt non-heme khó hấp thụ và cơ thể cần phải tiêu thụ nhiều hơn để đảm bảo đủ lượng sắt cần thiết.

Sắt trong thịt và gan xay thuộc loại sắt heme, tỷ lệ cơ thể hấp thụ cao. Trong khi sắt trong bột gạo, cháo thông thường là sắt non-heme, tỷ lệ cơ thể hấp thu thấp. Vì thế, lúc này khi bổ sung sắt cho trẻ không những là thức ăn chứa hàm lượng sắt phải cao mà tỷ lệ hấp thu cũng phải cao.

3. Nguy cơ dị ứng giảm đáng kể khi trẻ ăn dặm sau 6 tháng

Trước đây, trẻ từ 4 đến 6 tháng đã được cho ăn dặm, nhưng hiện nay người ta thống nhất không nên cho trẻ ăn dặm dưới 6 tháng.

Khi trẻ được ăn dặm lúc 6 tháng, nguy cơ dị ứng thịt đã giảm đi rất nhiều, lúc này cho trẻ ăn thịt không có nguy cơ mà hiệu quả bổ sung sắt rất tốt.

Nếu thiếu sắt, cơ thể trẻ sẽ gặp những nguy hiểm nào?

- Trẻ không thông minh

Một chức năng quan trọng của sắt là hình thành huyết sắc tố, thiếu sắt ở trẻ em sẽ dẫn đến không đủ huyết sắc tố. Trong khi đó, chức năng quan trọng của huyết sắc tố là vận chuyển oxy, khi huyết sắc tố không đủ, việc cung cấp oxy tới não bị thiếu. Não của trẻ là nơi nhạy cảm nhất với tình trạng thiếu oxy, do đó sẽ dẫn đến khả năng phản ứng và trí nhớ của não bộ bị suy giảm, khiến chỉ số IQ của trẻ bị giảm sút.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, so với trẻ không bị thiếu sắt, chỉ số IQ của trẻ thiếu sắt sẽ giảm vài điểm.

- Khả năng miễn dịch của trẻ kém

Sắt có liên quan đến chức năng miễn dịch bình thường của cơ thể, thiếu sắt sẽ gây giảm bạch cầu. Nếu thiếu sắt, cơ thể trẻ sẽ gầy gò, ốm yếu. Vì vậy, khi bổ sung thức ăn cho trẻ cần ưu tiên sắt cho trẻ để trẻ thông minh, khỏe mạnh hơn.

Cần chọn thức ăn dặm cho trẻ như thế nào?

Để phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ, cha mẹ nên lựa chọn những loại thức ăn dặm giàu chất sắt.

- Thịt hoặc gan xay nhuyễn

Thay vì cho trẻ ăn bột gạo, cháo trắng thông thường, cha mẹ nên thêm vào thịt hoặc gan xay nhuyễn để bổ sung đáng kể lượng sắt cơ thể cần.

- Chú ý lượng thịt cho trẻ ăn

Bắt đầu từ tháng thứ 7, tuần cuối cùng hoặc đầu tháng thứ 8 trẻ mới nên được ăn dặm thêm thịt và gan xay. Cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 20g, cần loại bỏ lớp màng gan bên ngoài và gân của thịt vì trẻ không nhai được.

Trẻ từ 8 tháng trở đi nên bổ sung thịt mỗi ngày vào bữa ăn dặm.

Theo Afamily.vn

Theo Phụ nữ Việt Nam