Khi lên mạng đăng tin tìm trại hè cho con 10 tuổi, chị Minh Trang rất bối rối khi nhận được gần 500 câu trả lời, quá nửa trong đó là giới thiệu đủ kiểu trại hè. Có chương trình của các trường học, trung tâm nghệ thuật, kỹ năng, tiếng Anh, du học cho đến các tổ chức phi chính phủ, chùa, nhà thờ, nông trại thậm chí do cá nhân tự đứng ra tổ chức. "Tôi cảm tưởng rơi vào ma trận. Chương trình hè nhiều đến mức không biết cái nào uy tín và hiệu quả", chị Vũ Minh Trang, ở Cầu Giấy, Hà Nội nói. Bé Khôi là con duy nhất của vợ chồng chị, học trường tư nên luôn được bảo bọc, chiều chuộng. Hè năm nay bố mẹ muốn tìm chương trình rèn cho con bản lĩnh, vượt khó, đặc biệt "phải hiểu được giá trị đồng tiền". Mất ba ngày lọc thông tin, cuối cùng người mẹ mới tìm được mấy chương trình "có vẻ phù hợp và tạm ổn".
Bắt cá - một trong rất nhiều trải nghiệm của trẻ khi tham gia trại hè tại Làng Nương, Yên Tử, Quảng Ninh năm 2022. Ảnh: Trung tâm ABA Trại hè là một hình thức giáo dục thực tế dành cho trẻ em đã có từ lâu ở các quốc gia phương Tây. Tại Mỹ, đây được xem là một ngành công nghiệp trị giá 4 tỷ USD với khoảng 15.000 trại, thu hút 26 triệu trẻ tham gia (chiếm gần một nửa trẻ em Mỹ). Tại Việt Nam, mô hình trại hè xuất hiện khoảng 10 năm trước nhưng thực sự bùng nổ trong khoảng hai, ba năm. Theo thống kê sơ bộ của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi mùa hè, các học kỳ quân đội thu hút từ 100 đến 600 em, học kỳ công an 100 đến 300 em, khóa tu mùa hè từ 300 đến hàng nghìn em tham gia. Chi phí cho các chương trình này từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thời gian. Các khóa du học hè nước ngoài cũng nở rộ với chi phí từ 30 đến 200 triệu đồng, tùy thời gian và điểm đến. Bà Nguyễn Phương Hảo, giám đốc một trung tâm du học ở Hà Nội, cho biết trại hè đang được xem như một "học kỳ thứ ba" nằm trong kế hoạch hàng năm của các gia đình. Trong đó, du học hè nước ngoài tốn khá nhiều tiền nhưng được nhiều phụ huynh lựa chọn. "Không chỉ ở thành phố lớn, mà phụ huynh ở tỉnh cũng bắt đầu quan tâm", bà Hảo nói.
Bà Hảo (ngoài cùng trái) dẫn đoàn học sinh du học hè hè tại Singapore năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp Bà Dương Kim Tuyến, người sáng lập một trung tâm dạy kỹ năng và trại hè trong nước, cho biết 12 năm trước toàn TP Hà Nội chỉ có ba cơ sở. Đến nay, đặc biệt sau Covid-19, có hàng trăm các chương trình khác nhau. Không ít khách của bà phàn nàn họ rất bối rối và khó khăn để tìm ra chương trình chất lượng. "Có những trại ngay cả văn phòng cũng không có, một số ghép học sinh với nhau, ngay cả những người không có kinh nghiệm cũng đứng ra mở", bà Tuyến nói. Không chỉ bối rối khi lựa chọn chương trình trại hè nào cho con, nhiều phụ huynh đã rất bất ngờ khi nhận được tác dụng ngược của trại hè. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong (Hà Nội) cho biết từng tiếp nhận cả chục ca trẻ bị vấn đề tâm lý sau trại hè. Năm ngoái có một cậu bé 15 tuổi tham gia trại hè quân sự hai tuần. Trong thời gian đó cậu bé bị bạn cướp đồ, bắt nạt. Bé chống lại bằng cách gây hấn, đập phá đồ đạc. Mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát và bố mẹ phải đón con về giữa chừng. Tuy nhiên, từ đó bé liên tục phát triển những hành vi như lấy trộm đồ, uống rượu, bỏ học và cào cấu người xung quanh và bản thân. Chuyên gia tâm lý phải can thiệp 6 tháng những hành vi này mới tạm dừng. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết đã phát hiện một số chương trình như các học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè có một số vấn đề về cơ sở vật chất, nội dung chương trình chưa đảm bảo an toàn, quyền riêng tư hay quyền tham gia của trẻ. Nguyên nhân chính của hiện tượng tác dụng ngược, theo ông Phong là do hiếm người chuẩn bị tinh thần cho con trước khi đi. "Có những đứa trẻ đang nghĩ việc đi trại hè là một hình thức cha mẹ 'tống khứ mình đi cho khuất mắt' chứ không phải giúp trải nghiệm những điều thú vị", ông Phong nói. Có không ít thứ diễn ra trong trại hè nằm ngoài kế hoạch hay thiết kế ban đầu, ví dụ như trẻ bị côn trùng cắn, bị trộm cắp, bắt nạt, quá nóng, bất tiện, quá khác lối sống bình thường. Khi trẻ về, bao nhiêu uất ức sẽ đổ ngược lại bố mẹ. Nếu nguyên nhân không được hóa giải, trẻ càng lúc càng bức bối, khó bảo hơn.
Những cái ôm nhớ thương, hạnh phúc và tự hào của cha mẹ với con, sau hai tuần cho con tham gia một trại hè nội trú năm 2022. Ảnh: Trung tâm ABA Bà Dương Kim Tuyến cho biết thêm, trước khi bố mẹ xác định cho con đi trại hè cần đưa ra rõ mục tiêu rằng con đi để đạt được trải nghiệm gì, có thêm kỹ năng gì và cùng đi đến thống nhất về kế hoạch hè. Các con sẽ làm tốt khi hiểu rõ và sẵn sàng tham gia. "Mùa hè là các con được nghỉ ngơi, nhưng nếu chỉ để con xả hơi thì phí vì trong suốt cả năm học các con hiếm khi được học thêm kỹ năng, tham gia trải nghiệm dài ngày", bà nói. Với trại hè ở nước ngoài, bà Hảo khuyên khi cho con tham gia cần hiểu xem về đơn vị tổ chức và người dẫn đoàn có kinh nghiệm như thế nào vì xử lý vấn đề phát sinh ở nước ngoài rất quan trọng. Ngoài ra cần xem địa điểm con đến du học hè là trường hay là một trung tâm giáo dục. Nếu không chọn được trường tốt, con sẽ không học hỏi được nhiều, sự đầu tư của cha mẹ cũng không hiệu quả. Sau ba tháng nghiên cứu, Minh Trang đã đăng ký cho con hai trại hè tài chính, khởi nghiệp, một chương trình học kỳ quân đội, công an và lính cứu hỏa, tổng chi phí hơn 30 triệu đồng. Vì đều là trại cần tiếp xúc với thiên nhiên và rèn luyện gian khổ, người mẹ không tránh được lo lắng, dù từng cho con tham gia các trại hè bán trú trước đây. "Tôi chưa thoát được nỗi sợ con tập luyện kiệt sức, sợ bị bắt nạt, sợ gặp tai nạn bất ngờ. Hiện tôi chỉ biết trấn an rằng phải buông thì con mới lớn", người mẹ nói. Phan Dương Nguồn: https://vnexpress.net/boi-roi-voi-trai-he-4607741.html |