Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Về đề xuất cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm


Góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bổ sung giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng, bất cứ bộ phận nào xin nghỉ hưu trước 5 năm cũng là chính sách rất lớn cần phải đánh giá kỹ lưỡng. Thậm chí số lượng giáo viên mầm non (GVMN) trong cơ cấu GV của ngành giáo dục cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trước đây cũng đã có nhiều ý kiến đặt ra đối với GVMN do đặc thù của công việc là phải chăm trẻ trong khi công việc này rất bận rộn, áp lực lớn, phải đi sớm để đón trẻ và trả trẻ muộn. Chưa kể trong công việc còn phải dạy múa, hát cho nên phù hợp với đối tượng GV tuổi còn trẻ hơn là GV cao tuổi. Nếu GVMN quá cao tuổi thì đáp ứng công việc cũng rất khó khăn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng đối với các cháu nhỏ thì thích học các cô giáo trẻ hơn là học các cô giáo có tuổi. Nên lúc đó đã có ý kiến đề xuất cho GVMN được nghỉ hưu sớm.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga

“Có rất nhiều lý do đưa ra, các lý do nghe có vẻ thuyết phục, tuy nhiên tôi cho rằng việc quyết định nghỉ hưu sớm hay không là chính sách lớn cần phải đánh giá tác động rất kỹ. Ví dụ vấn đề đóng bảo hiểm như thế nào? bởi nghỉ hưu sớm 5 năm đương nhiên thời gian đóng bảo hiểm của GVMN sẽ ít hơn so với các giáo viên khác là 5 năm. Thứ hai, chúng ta cũng phải nhìn nhận là lương của GVMN rất thấp. Nếu nghỉ hưu trước 5 năm thì lương khi về hưu của họ lại càng thấp hơn. Đó là điều cần suy nghĩ và xét đến những đặc thù đặt trong mối tương quan đặc thù nghề nghiệp giữa các ngành khác. Vậy liệu GVMN đã đủ “đặc thù” để chúng ta xét “đặc cách” cho nghỉ hưu sớm 5 năm hay chưa, điều này cần nghiên cứu và đánh giá tác động của chính sách rất kỹ. Sau đó mới có thể đưa ra quyết định sau cùng” - bà Nga nói đồng thời nêu ví dụ: Với một trường mầm non không phải tất cả các cô giáo đều cùng lứa tuổi. Sẽ có người đến tuổi nghỉ hưu và người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, có rất nhiều vị trí khác ở trong trường chứ không phải tất cả đều đứng lớp cả.

“Có nhiều vị trí khác mà không cần phải đứng lớp. Ngành giáo dục cần chủ động sắp xếp ngay trong nội bộ ngành. Ví như cô giáo cao tuổi thì bố trí làm công tác khác trong trường mầm non chứ không nhất thiết phải đứng lớp để dạy các cháu. Thực ra, cũng không hẳn tất cả các cô giáo mầm non đều có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm trước 5 năm. Đây là vấn đề chúng ta cần rà soát và đánh giá tác động nhiều chiều” - bà Nga cho biết.

Còn theo ông Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá giáo dục, thanh niên, thiếu niên, và nhi đồng của Quốc hội, trong các GV thì GVMN là vất vả nhất. Thời gian làm việc của họ sẽ kết thúc ở tuổi sớm hơn do con đường thăng tiến không dài vì trình độ của GVMN không nhất thiết phải có bằng cấp cao. Cho nên GVMN thường nghỉ sớm do liên quan đến quá trình công tác vất vả. Thực tế không phải ai cũng thích nghỉ sớm. Cho nên có thể cho phép được nghỉ sớm theo nguyện vọng cá nhân, còn người nào không có nguyện vọng nghỉ sớm thì vẫn làm việc đến 60 tuổi. Có lẽ như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi của đa số hơn vì chưa chắc GVMN nào cũng thích nghỉ hưu ở tuổi 55.

Ông Đào Trọng Thi

“Chúng ta cũng cần đánh giá thêm rằng đề xuất đó của ngành giáo dục đã phải là ưu tiên cho GVMN hay chưa? Ví dụ cán bộ quản lý là nữ cũng muốn làm việc dài đến 60 tuổi, hiệu quả làm việc của họ có khi còn hơn cả nam giới, chưa chắc họ đã muốn nghỉ hưu sớm. Do đó phải cân nhắc kỹ. Nếu là sự “ưu tiên”, “ưu đãi” cho GVMN thì nó cũng phải hợp lý. Bởi những ngành nghề được nghỉ sớm phải xem xét đến yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Những ngành nghề này được nghỉ hưu sớm nhưng cũng không được quá 5 năm” - ông Thi nói.

Nguồn http://daidoanket.vn/ve-de-xuat-cho-giao-vien-mam-non-duoc-nghi-huu-som-5717609.html