Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô Thuỳ Dương đam mê 'trồng người'


'Quá trình công tác, tôi không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, thiết kế các hoạt động giáo dục mang tính mở đem lại những bài dạy hiệu quả'.

 

Cô Dương cùng học trò.

Cô giáo người Dao hết lòng với trò

Trường Mầm non Đồng Chanh là một trường miền núi còn nhiều khó khăn nằm xa trung tâm thành phố Uông Bí, học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ngôn ngữ giao tiếp, điều kiện học tập, vui chơi hạn chế. Với trách nhiệm, nhiệt huyết và niềm yêu thương con trẻ vô bờ bến, các cô giáo của mái trường vùng sâu vùng xa Đồng Chanh luôn nỗ lực, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục để mỗi ngày đến trường của các bé là một ngày vui.

Cô Trần Hương Thảo, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu, trong số những giáo viên nhiệt huyết với nghề phải kể đến cô giáo Trương Thị Thùy Dương. Cô Dương là một giáo viên cần mẫn, yêu nghề, mến trẻ, luôn tận tụy với trường, với lớp. Cô là tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người.

Là người dân tộc Dao sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Chanh, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ nhỏ, cô Dương ấp ủ ước mơ ngay từ nhỏ muốn trở thành cô giáo góp phần phát triển của sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, cô muốn cống hiến sức trẻ cho quê hương nơi cô sinh ra và lớn lên, cùng các em nhỏ người dân tộc thiểu số vui bước đến trường mỗi ngày.

 

Cô và trẻ trong giờ phát triển vận động.

Cô Dương kể rằng, cô có người bố tuyệt vời. Bố cô từng được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là người dân tộc thiểu số có uy tín ở địa phương. Ông rất nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái. Bố đã giúp nuôi dưỡng ước mơ và luôn đồng hành cùng cô trên chặng đường phát triển cho sự nghiệp.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Sư phạm Nhà trẻ Mẫu giáo thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, cô Dương đã trở về quê hương nơi mình sinh sống và làm việc tại trường Mầm non Thượng Yên Công. Cô được nhà trường phân công nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường lẻ thuộc thôn Đồng Chanh.

"Điểm trường nơi tôi công tác rất khó khăn, thiếu thốn. Dân cư nơi đây có 60% là người dân tộc thiểu số. Phụ huynh học sinh chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do nên không quan tâm và chưa hiểu được tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường mầm non. Trong khi đó, cơ sở vật chất của điểm trường thiếu thốn, lớp học được làm tạm tại trạm xá cũ, đồ dùng học tập của trò đơn sơ, trẻ thiệt thòi rất nhiều", cô Dương cho hay.

 

Con đường cô Dương đến nhà học sinh

Cũng vì điều kiện còn khó khăn. Nhà dân nằm sâu trong núi, đường đến điểm trường gập ghềnh sỏi đất. Hàng ngày để chở con đi học, cha mẹ trẻ phải qua những đoạn đường đất, băng qua suối. Đó cũng là lý do mà trẻ đến trường đến lớp rất ít. Nhiều năm liền, cô Dương cùng đồng nghiệp phải đến từng gia đình có con em trong độ tuổi mầm non tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đưa con em đến trường. Cô tận tình tuyên truyền cho phụ huynh biết giữ vệ sinh hàng ngày cho trẻ, cách phòng tránh các dịch bệnh rất dễ xảy ra, cách giữ ấm cho các con vào mùa đông…

Mỗi khi trong thôn có việc cô và các giáo viên trong trường nhiệt tình phụ giúp. Nhờ vậy cô Dương cũng như các giáo viên trong trường luôn được người dân trong thôn tin yêu. Và kết quả rất đáng mừng phụ huynh đưa trẻ đến trường ngày càng đông hơn.

 

Những buổi trải nghiệm ý nghĩa của cô Dương cùng học trò nhà trường

Cô Dương bày tỏ: "Năm học 2006 - 2007, điểm trường tại thôn Đồng Chanh là 2 lớp với tổng số 25 trẻ. Năm 2014, điểm trường Đồng Chanh được thành lập thành trường Mầm non Đồng Chanh. Trường đã được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ, đồ dùng đồ chơi trong lớp cũng như ngoài trời được các cấp lãnh đạo quan tâm cấp phát đầy đủ. Đến nay trường đã có 8 nhóm, lớp với gần 200 học sinh.

Trong suốt quá trình công tác và giảng dạy, cô giáo Dương luôn tham mưu cùng nhà trường tổ chức các buổi quyên góp qua các chương trình lễ hội của nhà trường để giúp đỡ các em nhỏ thuộc hộ nghèo, cận nghèo của địa phương. Và cũng được phụ huynh và các đồng nghiệp hưởng ứng rất nhiệt tình.

Người mẹ hiền thứ 2 của trẻ

Quá trình công tác, cô Dương đã không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Cô luôn tìm hiểu và thiết kế các hoạt động giáo dục mang tính mở, các đồ chơi nguyên vật liệu mở, phát huy được tính tích cực sáng tạo và cho trẻ được chủ động khám phá, tìm tòi.

Cô Dương luôn gần gũi, quan tâm tạo sự thân thiện giữa cô với trẻ, giữa cô và phụ huynh. Luôn coi trẻ như chính con của mình để tận tình, chăm sóc chu đáo cẩn thận. "Tôi luôn mong muốn trẻ không chỉ coi tôi là cô giáo mà còn xem như mẹ hiền thứ hai của trẻ. Chính vì vậy qua nhiều năm công tác tôi luôn tạo được sự yêu quý của trẻ, tạo được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh".

 

Giờ học hạnh phúc của cô Dương và học trò.

Nói về ước nguyện với nghề, cô Dương không chần chừ chia sẻ rằng, cô mong muốn được mang hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân đến với các em nhỏ nơi quê hương mình.

Vì thế, trong công tác, cô giáo luôn gương mẫu và thực hiện tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia vào các phong trào và hoạt động của nhà trường cũng như của địa phương. Bản thân luôn cố gắng phấn đấu tự học, tự sáng tạo, tận tụy với nghề để trở thành tấm gương sáng.

Cô Trần Hương Thảo, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Với kinh nghiệm 17 năm trong ngành, cô Dương có nhiều đóng góp trong công tác chuyên môn, công tác huy động trẻ đến trường, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Thảo Nguyên

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/co-thuy-duong-dam-me-trong-nguoi-post636576.html