Trẻ mầm non làm quen với nghệ thuật tạo hình gốm sứ Thông qua hoạt động làm quen với nghệ thuật tạo hình gốm sứ, trẻ được trải nghiệm và thêm yêu quê hương mình. Trẻ mầm non được làm quen với nghệ thuật tạo hình gốm sứ. Đầu tháng 4, ngành Giáo dục hai huyện Gia Lâm và Thạch Thất (Hà Nội) đã ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình phối hợp triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025. Ngày 27/4, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm tổ chức chuyên đề công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ với lĩnh vực phát triển thẩm mĩ qua hoạt động tạo hình “Bé với nghệ thuật gốm sứ” tại xã Bát Tràng. Bà Đinh Thị Bích Thủy – Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, đây là hoạt động thực tiễn gắn với địa phương, giúp trẻ thêm yêu làng nghề của mình. Ngành Giáo dục hai huyện trong thời gian tới cần đối chiếu các tiêu chuẩn của kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của huyện, thành phố. Tập trung triển khai kế hoạch xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm, việc triển khai cần đồng bộ đi vào chiều sâu, hiệu quả...
Hai huyện Gia Lâm và Thạch Thất cùng nhau học hỏi kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn thông qua các chuyên đề. Thông qua chuyên đề này, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất và các trường Mầm non trên địa bàn hai huyện sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục mầm non. "Chuyên đề tại Trường Mầm non Bát Tràng chính là sự khởi đầu cho ghi nhớ giữa các trường mầm non trong việc chung tay phát triển giáo dục và đào tạo của hai huyện Gia Lâm và Thạch Thất. Hi vọng mỗi nhà trường sẽ có sự cọ xát, học hỏi lẫn nhau để cùng nhau phát triển" - bà Lê Thị Thúy Hồng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm nhấn mạnh. Ông Hoàng Việt Cường – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cho biết, hai Phòng GD&ĐT đã báo cáo UBND huyện về Kế hoạch phối hợp tổ chức phong trào. Trong đó có công tác tham mưu, triển khai Đề án phát triển giáo dục Gia Lâm giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Thành lập tổ công tác xây dựng thực hiện kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các đơn vị nhà trường gặp khó khăn về đội ngũ và chất lượng chuyên môn. Nguồn https://giaoducthoidai.vn/tre-mam-non-lam-quen-voi-nghe-thuat-tao-hinh-gom-su-post636552.html |