Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đã có 500 em tại 10 điểm trường khó khăn được thụ hưởng “Cùng nhau nuôi em Mường Lát”...


Đã có 500 em tại 10 điểm trường khó khăn được thụ hưởng “Cùng nhau nuôi em Mường Lát”...


Bữa trưa tại điểm trường Lìn, Trường Mầm non Trung Lý (Mường Lát). Ảnh: TG.

Chứng kiến học sinh ở Mường Lát (Thanh Hóa) ăn cơm đùm nguội ngắt với rau rừng, dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã ra đời và đến nay, đã có 500 em tại 10 điểm trường khó khăn được thụ hưởng.

Những bữa cơm có thịt

Năm học này, Giàng Như Ý (lớp 1) cùng các bạn tại điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) đã thêm những bữa cơm có thịt, giấc ngủ no tròn. Với những bạn nhỏ này, mỗi ngày đến trường giờ đây là một ngày vui nhờ dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát”. Anh Giàng A Trống (bố của Giàng Như Ý) hồ hởi cho biết: “Từ ngày có dự án, các con đi học đầy đủ hơn, phụ huynh cũng phấn khởi, bớt lo!”.

Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” do Đoàn khối ngân hàng TPHCM, CLB thiện nguyện và hiến máu Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phối hợp cùng Huyện đoàn Mường Lát thực hiện. Chia sẻ về “đứa con tinh thần”, chị Phạm Thanh Huyền - Chủ nhiệm dự án cho biết, “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” được triển khai từ năm học 2022 - 2023, bắt đầu tại điểm trường bản Lát thuộc Trường Tiểu học Tam Chung, với hơn 70 học sinh.

“Sau nhiều lần chứng kiến các bạn nhỏ ăn cơm đùm nguội ngắt với rau rừng, bản thân là một cô giáo tôi rất thương xót. Xuất phát từ tình yêu trẻ, chúng tôi đã cùng nhau lên ý tưởng và thực hiện dự án này”, chị Huyền bộc bạch.

Để triển khai dự án, chị Huyền cùng các thành viên đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và các nhà hảo tâm. Mỗi trẻ sẽ được tạo một mã số và được nhận nuôi bởi các nhà hảo tâm với mức hỗ trợ cho mỗi trẻ là 150.000 đồng/tháng và duy trì trong cả năm học. Các “bố mẹ nuôi” sẽ hỗ trợ từ những vật dụng nhỏ nhất như môi, thìa, khay đựng thức ăn cho đến bếp ăn, giếng nước... Mục đích là cùng với các thầy cô giáo, mang tới bữa cơm đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Nhớ lại những ngày “lăn lộn” cùng dự án, chị Trần Thị Hà Thanh - Bí thư Đoàn khối ngân hàng TPHCM (thành viên dự án) không khỏi xúc động. Bởi, với chị - một người vốn dĩ khá quen với cuộc sống thành thị thì mảnh đất Mường Lát quá xa xôi, lắm sông nhiều núi. Thậm chí, có những điểm trường, nơi các chị đặt chân đến còn chưa có điện, điều kiện sống còn nhiều khó khăn.

“Với các thành viên thực hiện dự án, việc vận chuyển đồ dùng, thiết bị lên các điểm trường là bài toán nan giải. Như ở khu Lìn, chúng tôi phải mang vác đồ dùng lội qua con sông rồi lại cõng từng miếng tôn, thanh sắt lên điểm trường nằm chót vót tận đỉnh đồi”, chị Thanh nhớ lại.

Khó khăn nhưng không ngăn nổi sức người, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cùng sự đồng thuận của cha mẹ phụ huynh, đến nay sau gần một năm thực hiện, dự án đã được mở rộng quy mô thêm 9 điểm trường. Tổng số học sinh được nhận hỗ trợ từ dự án lên tới 500 em. Cụ thể, điểm trường Ón, Lát (Trường Tiểu học Tam Chung); điểm trường Poọng và bản Ón (Trường Mầm non Tam Chung); điểm trường Lìn và Nà Ón của Trường Mầm non Trung Lý; điểm trường Nà Ón, Suối Hộc, Ma Hác, Pá Quăn thuộc Trường Tiểu học Trung Lý.

 

Bữa cơm tại điểm trường Ón, Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát). Ảnh: TG

Muốn đến trường hơn ở nhà

Là một trong những ngôi trường đầu tiên dự án triển khai, thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung không khỏi xúc động, bởi những lợi ích mà dự án mang lại. Theo thầy Hùng, Trường Tiểu học Tam Chung có tất cả 7 điểm trường. Trong đó, điểm trường xa nhất là bản Ón, cách trung tâm hơn 20km với 100% là học sinh người dân tộc Mông. Tại điểm trường Lát, do nhiều em ở cách xa trường, đường đèo khúc khuỷu nên thường mang theo cơm đùm ăn trưa rồi ở lại học tiếp buổi chiều.

Vì vậy, dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã triển khai tại 2 điểm trường này, với tổng số 165 học sinh. Trong đó, điểm trường Ón gồm 71 em, còn lại là điểm trường Lát. “Kể từ khi dự án triển khai đã giúp cho nhiều học sinh có bữa cơm trưa đủ dinh dưỡng. Từ đó mà thể chất cũng như chất lượng học tập của nhiều học sinh có sự chuyển biến rõ rệt. Chúng tôi rất mong muốn dự án sẽ được tiếp tục mở rộng sang các điểm trường khác tại Mường Lát, để có thêm nhiều học sinh còn khó khăn được thụ hưởng”, thầy Hùng nói.

Cô Lò Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lý, ngôi trường đang có gần 90 trẻ được nhận hỗ trợ từ dự án cho biết: “Mặc dù khi mới triển khai dự án, nhiều phụ huynh còn chưa đồng tình. Tuy nhiên, khi thấy con em mình được ăn uống, ngủ nghỉ các cha mẹ đã rất vui. Hiện nhiều phụ huynh mong muốn dự án sẽ tiếp tục triển khai và đi theo con của họ vào cấp 1”.

Chia sẻ về kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới, chị Huyền cho biết sẽ cố gắng triển khai thêm các điểm trường khó khăn tại Mường Lát trong năm học tới. “Niềm mong mỏi của chúng tôi đó là chỉ mong sao các bạn nhỏ tại Mường Lát sẽ có được những bữa cơm no, có điều kiện học tập tốt hơn và được tiếp xúc nhiều hơn nữa với thế giới bên ngoài”, chị Huyền tâm sự.

Anh Lâu Văn Phía - Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết: Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” là một hoạt động nhân văn, thể hiện sự đồng hành của cộng đồng, xã hội dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện vùng cao Mường Lát. Kể từ khi triển khai, dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực, trước hết là sĩ số lớp được duy trì đều đặn.

Thậm chí, có những bé còn thích đến trường hơn ở nhà. Bên cạnh đó, nhờ thay đổi món ăn liên tục từ cá, giò, thịt xay... mà cân nặng, chiều cao của các bé đã chuyển biến rõ rệt. Các con cũng rèn luyện được nhiều thói quen tốt, nền nếp hơn trong sinh hoạt, nhờ vậy mà chất lượng học tập cũng đi lên.


Lường Toán

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/den-truong-deu-hon-nho-du-an-cung-nhau-nuoi-em-muong-lat-post633440.html