Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp một số thắc mắc của mẹ khi nuôi con nhỏ Dưới đây là những giải đáp mà các mẹ bỉm sữa muốn tìm hiểu và lưu ý trong quá trình nuôi con. 1. Khi trẻ ốm, có thể truyền đường glucose không? Khi trẻ bị ốm việc ăn uống của con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Không ít mẹ thấy con ốm thì sốt ruột bèn cho bé truyền đường glucose. Đường huyết chỉ lượng glucose trong máu. Cơ quan có nhiệm vụ điều tiết và ổn định lượng đường trong máu là tuyến tụy, thông qua nội tiết insulin. Việc mẹ truyền đường có glucoce cho trẻ qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống là cách bổ sung nhanh nhất một lượng đường lớn trong máu. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho tuyến tụy và thận. Nếu người bệnh cần phải tăng lượng đường glucose trong máu thì phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tăng nhanh tốc độ truyền. 2. Pha sữa công thức đặc hơn hướng dẫn được không? Nhiều cha mẹ thường pha sữa đặc hơn so với công thức được nhà sản xuất khuyến cáo. Ở cha mẹ nghĩ rằng việc pha sữa như vậy con sẽ uống nhanh hơn hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Pha đặc sữa công thức không những không có lợi cho việc hấp thu chất dinh dưỡng mà còn làm tăng áp suất thẩm thấu ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ. 3. Bữa phụ mỗi ngày của trẻ thường là bao nhiêu? Đối với trẻ em do thể tích của dạ dày còn nhỏ nên lượng thực phẩm nạp vào cơ thể của bữa chính chỉ đáp ứng 75-80% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Phần còn lại con cần ăn bữa phụ để bổ sung năng lượng. Một ngày bé cần hai đến ba bữa phụ để đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất và trí tuệ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng khoảng cách giữa bữa phụ và bữa chính từ 2-3 tiếng. Như vậy nếu bé ăn bữa chính vào lúc 7h sáng, 12h trưa, 16h chiều thì khung giờ bổ sung bữa phụ cho bé sẽ là 9-10h sáng, 15-16h chiều, 20-21h tối. 4. Tại sao trẻ nhỏ bị hôi miệng? Đa phần trẻ nhỏ bị hôi miệng là do con mắc chứng trào ngược dạ dày. Thức ăn vào đến dạ dày sẽ trộn với axít có trong dạ dày và được tiêu hoá ở một mức độ nhất định. Lúc này thực phẩm trong bụng đã có mùi hôi. Nôn chính là hiện tượng trào ngược dạ dày nghiêm trọng. Tình huống là một phần thực phẩm trong dạ dày trào ngược được trẻ giữ lại trong miệng và nuốt lại. Nhưng mùi hôi vẫn còn đọng lại trên miệng. Ngoài ra trong thời kỳ bị viêm họng trẻ cũng có thể bị hôi miệng. Trẻ không được vệ sinh răng miệng thường xuyên sau khi uống sữa, ăn cơm cũng có thể gây ra tình trạng hôi miệng. Trẻ lớn hơn bị sâu răng cũng khiến miệng không được thơm tho. 5. Trẻ còi xương có phải là do thiếu canxi? Nhiều cha mẹ thấy con còi xương, ngủ không ngon giấc, chậm mọc răng, chậm biết đi, chậm mọc tóc... thì cho rằng bé thiếu canxi. Sau đó mua canxi về cho trẻ bổ sung. Đây là một việc làm sai. Thực tế thì việc thiếu vitamin D trẻ bị còi xương mới chính là nguyên nhân chứ không phải hoàn toàn do thiếu canxi, đây là vấn đề mà rất nhiều phụ huynh bị nhầm lẫn. Nhiều người thường cho rằng thành phần chính của hệ thống xương khớp là canxi vì vì vậy chỉ tập trung vào bổ sung canxi nhưng lại không thấy con có dấu hiệu cải thiện về chiều cao. Tuy nhiên thực tế, việc cơ thể thiếu canxi chính là do không hấp thụ được chất này vì thiếu chất xúc tác vitamin D. Do đó thiếu vitamin D (cụ thể hơn là vitamin D3) mới là nguyên nhân chủ chốt gây còi xương. Nói một cách dễ hiểu hơn thì vitamin D được coi như "đường dẫn truyền" để đưa canxi vào sâu bên trong hệ thống xương khớp. Loại vitamin này sẽ tạo thành hormone calcitriol, tham gia quá trình cấu thành phức hợp protein-canxi, qua đó mới có thể lấy được hết nguồn canxi có trong các thực phẩm để đưa đến xương. Đồng thời vitamin D sẽ tham gia cùng hormon tuyến cận giáp và calcitonin vào quá trình điều hòa nồng độ canxi và phospho trong máu ổn định. Việc này nhằm đảm bảo quá trình tạo xương cũng như duy trì ổn định cho các chức năng sinh lý khác có ảnh hưởng bởi nồng độ canxi hoạt động có hiệu quả nhất. Vì vậy nếu bị thiếu vitamin D trẻ sẽ bị còi xương do không thể hấp thụ được canxi. Vitamin D còn tham gia vào quá trình tái hấp thụ canxi từ thận nhằm nuôi dưỡng cho xương chắc khỏe và linh hoạt hơn, với trẻ em thì kích thích quá trình kéo dài xương để phát triển chiều cao tối đa. Cung cấp đầy đủ lượng vitamin D theo nhu cầu (hoặc dựa trên lượng canxi nạp vào) sẽ giúp canxi và phospho sẽ được gắn chặt tại các mô xương để chắc khỏe và phát triển tốt nhất. Nói chung, vai trò của vitamin D cực kỳ quan trọng với hệ thống xương khớp của cơ thể. Việc bổ sung canxi luôn cần đi song song với vitamin D thì mới có hiệu quả. Nếu chỉ tập trung tăng cường canxi mà bỏ qua vitamin D thì không những không có hiệu quả mà ngược lại còn tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý, chẳng hạn như bệnh về thận do dư thừa canxi và lắng đọng tại thận. 6. Trẻ sơ sinh có cần uống nước không? Đối với trẻ sơ sinh, nguồn dinh dưỡng và các bữa ăn của trẻ trong ngày đó chính là sữa mẹ. Và trong nguồn dinh dưỡng ấy, có chứa hơn 80% là nước - đặc biệt là lượng sữa đầu có chứa rất nhiều nước. Và đây cũng chính là nguồn bổ sung nước cho trẻ mỗi ngày. Vì vậy trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi thì không cần bổ sung thêm nước! Ngoài nguồn sữa mẹ, sữa công thức thường có thành phần muối và đường nhiều hơn sữa mẹ, trong trường hợp này, có thể cho trẻ uống thêm một chút nước, để hỗ trợ việc bài tiết của trẻ trở nên dễ dàng hơn. Trẻ sơ sinh có được uống nước trong một số các trường hợp khác nữa như: Trẻ bị táo bón, trẻ bị sốt, thời tiết quá nóng... Lúc này, mẹ có thể cho bé uống một vài thìa nước nhỏ. Tuy nhiên, các mẹ cũng lưu ý, không nên bổ sung quá nhiều nước cho trẻ mẹ nhé. Bởi nếu thừa nước thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Thời điểm thích hợp nhất để bổ sung thêm nước cho trẻ đó là khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm. 7. Có phải trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt không? Mục đích của trẻ bú sữa mẹ là để đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của con. Vì vậy thời gian bú sữa mẹ cần phải căn cứ vào sự giám sát chặt chẽ của biểu đồ tăng trưởng. Nếu phát hiện vấn đề như con bị còi cọc, hoặc các bệnh lý khác thì phải kịp thời điều chỉnh một cách khoa học. Theo khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 3 nội dung mà mẹ nên ghi nhớ. Nó bao gồm: Cho trẻ bú sớm trong 1 giờ sau sinh. Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn: 6 tháng đầu. Cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp ăn dặm: từ 6 đến 24 tháng. Do vậy có thể thấy rằng, sau 2 tuổi (24 tháng) là giai đoạn thích hợp để trẻ cai sữa mẹ. Từ khi mới sinh cho đến 24 tháng, sự hấp thụ dinh dưỡng của trẻ còn khá hạn chế. Bởi vậy, sữa mẹ trở thành nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ. Tuy nhiên, sau 24 tháng, trẻ đã có thể tự mình ăn và hấp thụ dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể. Hay nói cách khác, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu có sự thông minh dinh dưỡng. Vì vậy, cho con bú sữa mẹ đến 24 tháng là thời gian lý tưởng nhất. 8. Có phải trẻ bổ sung càng nhiều DHA càng thông minh? DHA lại là 1 acid béo thuộc nhóm Omega 3 mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, chỉ có thể được bổ sung thông qua các thực phẩm chức năng hoặc qua các bữa ăn hằng ngày. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của bé mà mẹ nên bổ sung lượng DHA cho bé sao cho phù hợp. Việc bổ sung DHA nên được thực hiện càng sớm càng tốt ngay từ khi mang thai. Nhu cầu DHA của thai nhi ở thời điểm này là để hỗ trợ đầy đủ cho sự phát triển của não và mắt. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nên bổ sung DHA trước tháng thứ 5 của thai kỳ là tốt nhất. Với liều lượng khuyến cáo ít nhất 200mg/ngày, mẹ cũng cần bổ sung dưỡng chất sau sinh để cung cấp đủ DHA cho trẻ qua sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời của bé. Trong trường hợp đặc biệt, bé cần phải sử dụng sữa công thức, lúc này mẹ cần chọn những sản phẩm sữa có chứa thành phần tương tự như DHA. Theo khuyến nghị của Tổ chức lương thực thế giới (FAO), nhu cầu DHA của bé lúc này là 10mg đến 12mg/kg cân nặng của bé/ngày. Nguồn DHA tốt nhất cho trẻ là sữa mẹ. Mẹ cần bổ sung sâu những thực phẩm có chứa nhiều DHA hoặc bổ sung bằng các loại thực phẩm chức năng giàu DHA. Trẻ dưới 2 tuổi nếu bú mẹ đầy đủ hoặc sữa công thức giàu DHA thì không cần bổ sung. Trẻ trên 2 tuổi tuỳ theo tình hình sức khoẻ mà bổ sung DHA cho con. Theo Afamily.vn
|