Tiếp tục gỡ khó thiếu giáo viên Tại nhiều địa phương, vấn đề thiếu giáo viên vẫn đang là vướng mắc khó tháo gỡ, gây ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một giáo viên đánh giá… 805 học sinh Một trong những khó khăn nổi cộm được các địa phương đề cập là vấn đề thiếu giáo viên. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Đức Hòa cho biết, huyện đang thiếu 153 giáo viên tiểu học và 95 giáo viên THCS. Trong khi đó, Phòng GDĐT huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, địa phương này đang thiếu 276 giáo viên các cấp. Đáng chú ý, Phòng GDĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nêu thực trạng ở một số trường mầm non trên địa bàn đã có hiện tượng giáo viên xin nghỉ việc... Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay tới năm 2026 cần phải bổ sung 107.000 giáo viên. Ảnh minh họa. Chung khó khăn này, bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó trưởng Phòng GDĐT quận 12, TPHCM cho biết, nhiều trường trên địa bàn quận thường xuyên thiếu giáo viên các môn như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ và hầu như không tuyển dụng được do không có giáo viên đăng ký tuyển dụng. Do đó, hầu hết giáo viên nhiều môn (cấp tiểu học) phải dạy các tiết kiêm nhiệm. Đến khi đánh giá học sinh, giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng (tính sĩ số lớp chuẩn theo điều lệ trường tiểu học)… Tuy nhiên, theo quy định mới, khi giáo viên dạy 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không nhận được khoản hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày so với các khối lớp khác cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý, đời sống của giáo viên. Thống kê của TPHCM, riêng khối tiểu học còn thiếu 3.643 giáo viên, tương đương 12,8% số lượng giáo viên cần có. Trong đó, giáo viên mỹ thuật, tin học và tổng phụ trách chỉ tuyển dụng được xấp xỉ 10% so với nhu cầu cần tuyển. Giáo viên ngoại ngữ tuyển dụng đạt 25% so với nhu cầu. Thu hút tuyển mới giáo viên đã khó, trong khi số liệu báo cáo từ năm học 2020-2021 đến tháng 12/2022, TPHCM đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục. Lý do là do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ việc. Giải pháp thu hút Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, trong 2,5 năm qua, hơn 16.000 giáo viên, trong đó 40% là giáo viên mầm non, bỏ việc. Nguyên nhân chính do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, có tình trạng sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Trên thực tế, từ năm 2006 đến nay, đã gần 17 năm và qua nhiều lần tăng lương cơ sở nhưng chính sách ưu đãi phụ cấp cho nhà giáo chưa được xem xét sửa đổi. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Hiện, Bộ GDĐT cũng đang dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với 8 mức phụ cấp từ 25%-100%. Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác hiện nay đó là các nhà trường được ký hợp đồng giáo viên theo quy định mới tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương đánh giá Nghị định có nhiều nội dung mở hơn, tạo thuận lợi hơn cho giáo viên và tăng tính tự chủ cho nhà trường. Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/2/2023 và được kỳ vọng sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Hiện ngành Giáo dục đang chờ thông tư hướng dẫn để có định hướng cụ thể hơn. Trong khi chờ các đề xuất này trở thành hiện thực, các địa phương cũng đang nỗ lực để đưa ra các giải pháp thu hút tuyển dụng giáo viên ở những môn học còn thiếu. Tại Hà Nội, giải pháp trước mắt là các nhà trường tiếp tục duy trì việc ký hợp đồng với giáo viên mới ra trường hoặc các giáo viên đã nghỉ chế độ. Giải pháp khác cũng đang được nhiều đơn vị triển khai và có thể nhân rộng, đó là các trường trên cùng địa bàn hỗ trợ, chia sẻ nguồn giáo viên ở các môn học còn thiếu... TPHCM đang xây dựng dự thảo đề án thu hút giáo viên tiểu học, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ để giải quyết bài toán thiếu giáo viên. GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng trong năm 2023, phải nhanh chóng giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Trong đó, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân của vấn đề thiếu giáo viên, tương ứng với mỗi nguyên nhân sẽ đưa ra giải pháp phù hợp. “Phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn trong việc đào tạo cũng như tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ số lượng và đạt chất lượng” - ông Báo nói. Nguồn http://daidoanket.vn/tiep-tuc-go-kho-thieu-giao-vien-5712616.html |