Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những rủi ro tiềm ẩn khi kiềm chế xuất tinh


Nam giới không mắc bệnh xuất tinh sớm thì kiềm chế xuất tinh không kéo dài "cuộc yêu" mà còn có hại cho sức khỏe, giảm khả năng sinh sản.

Xuất tinh là hiện tượng là hiện tượng bình thường khi nam giới được kích thích tình dục. Tuy nhiên, nhiều người lại tìm cách kiềm chế xuất tinh vì cho rằng điều này sẽ làm suy giảm thể lực. Theo góc độ y học, việc kiềm chế xuất tinh tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Kiềm chế xuất tinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của nam giới và chất lượng đời sống tình dục của cặp đôi. Ảnh: Freepik

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nhiều nam giới đã áp dụng một số cách kiềm chế xuất tinh để kéo dài "cuộc yêu", đây là điều không nên. Nam giới chỉ nên kiềm chế khi có chỉ định của bác sĩ nhằm điều trị một số bệnh lý nam khoa. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như:

Ảnh hưởng đến tâm lý

Việc kiềm chế xuất tinh ngay thời điểm cực khoái đang diễn ra sẽ làm giảm khoái cảm, nam giới không thể giải tỏa ham muốn của bản thân. Khi tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý như gây căng thẳng, mệt mỏi, không đạt được khoái cảm và sự thăng hoa trọn vẹn khi quan hệ tình dục...

Ảnh hưởng đến khả năng cương cứng

Khi tới giai đoạn cao trào, nam giới cố tình dùng ý thức khống chế, trì hoãn xuất tinh sẽ gây xung huyết khoang chậu, tăng áp lực lên hệ thần kinh và bộ phận sinh dục. Khi tình trạng kiềm chế diễn ra thường xuyên sẽ làm suy giảm ham muốn tình dục của nam giới và gây trở ngại cho chức năng của dương vật.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh về nam khoa

Kiềm chế xuất tinh làm phái mạnh dễ bị mệt mỏi và mắc những bệnh lý nam khoa. Theo đó, hệ thần kinh trung ương trong trạng thái căng thẳng tột độ nhưng không được giải tỏa, các bộ phận sinh dục như tinh nang và tuyến tiền liệt không được tiết dịch theo cơ chế bình thường sẽ gây nhiều ức chế cho phái mạnh. Thường xuyên khống chế xuất tinh còn ảnh hưởng quá trình tuần hoàn vận chuyển máu đến hậu môn và trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Tình trạng xung huyết do kiềm chế xuất tinh có thể gây nứt hoặc vỡ huyết quản, mao mạch, dẫn tới xuất huyết và viêm bao tinh hoàn. Ngoài ra, kiềm chế xuất tinh cũng có thể dẫn đến các bệnh lý như rối loạn cương dương, liệt dương, viêm ống dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt...

Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn

Kiềm chế làm cho tinh trùng gặp khó khăn trong việc di chuyển ra khỏi cơ thể. Lúc này, nam giới dễ mắc phải chứng di tinh tới những cơ quan khác. Khi hiện tượng này xảy ra thường xuyên có thể gây vô sinh ở nam giới. Ngoài ra, vì kiềm chế xuất tinh nên tinh trùng khó gặp được trứng nên cũng giảm khả năng thụ thai.

Bác sĩ Ngọc Tân giải thích về tình trạng sức khỏe cho người bệnh trước khi tiến hành điều trị. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Theo bác sĩ Ngọc Tân, nếu nam giới có sức khỏe bình thường thì không nên cố gắng kiềm chế xuất tinh. Về lâu dài, thói quen này có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho sức khỏe, đặc biệt là vô sinh hiếm muộn. Trong trường hợp nam giới gặp phải các vấn đề về xuất tinh sớm, thì việc kiềm chế xuất tinh có thể được xem là một biện pháp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các biện pháp kiềm chế xuất tinh để đảm bảo chất lượng đời sống tình dục, an toàn cho sức khỏe và nâng cao hiệu quả điều trị.

Phi Hồng (Vnexpress.net)