Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ba mẹo giúp trẻ vượt qua nỗi sợ kim tiêm


Nhiều trẻ sợ kim tiêm nên khó tiêm chủng, chuyên gia khuyên cha mẹ nên đồng cảm và động viên để trẻ quên đi nỗi sợ.

Giải thích về cơn đau

Bạn cần nói thật về việc trẻ sẽ phải đối diện với cây kim nhiều lần trong tương lai và tiêm chủng có thể gây đau. Đây là cách tốt nhất để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ. Việc nói giảm nói tránh hoặc an ủi con về kim tiêm sẽ khiến trẻ mất niềm tin với cha mẹ và không hợp tác khi cần hỗ trợ y tế.

Rebecca Carter, MD, bác sĩ nhi khoa với Trung tâm Y tế Đại học Maryland và Trợ lý Giáo sư Nhi tại Trường Y khoa Maryland, Mỹ, khuyến nghị cha mẹ giải thích cho con rằng kim tiêm có thể gây đau nhưng chỉ trong vài giây.

Cha mẹ có thể cùng con đếm nhẩm trong 3-5 giây khi tiêm, để trẻ cảm thấy thời gian tiêm rất ngắn. Bạn cũng có thể gợi lại những trải nghiệm khác của trẻ, ví dụ khi bị ngã, để tham chiếu với cơn đau do tiêm vaccine.

Động viên con

Nhiều trẻ em cứ thấy kim tiêm là co người lại, đây là phản ứng bình thường. Một số trường hợp đặc biệt trẻ có thể phản ứng mạnh hơn. Lúc này, gia đình cần nhận ra biểu hiện của nỗi sợ, để có phương án giúp trẻ vượt qua, tránh các trải nghiệm mang cảm giác tiêu cực hoặc mặc kệ trẻ đối phó với nỗi sợ.

Trẻ có thể bị đau khi tiêm chủng, cần được cha mẹ giúp vượt qua nỗi sợ. Ảnh: Freepik

Cha mẹ có thể chơi trò chơi nhập vai cùng con, trong đó người lớn giúp đứa trẻ tưởng tượng, hình dung, diễn tập về buổi tiêm chủng, cơn đau sắp xảy đến. Việc này giúp giảm thiểu nỗi sợ và các hành động bộc phát khó kiểm soát ở trẻ.

Gia đình cũng có thể sử dụng đồ chơi có sẵn ở phòng khám hoặc bút bi để giúp trẻ làm quen với mũi tiêm. Khi con tỏ ra sợ hãi, gia đình có thể thưởng một vài miếng kẹo, cho trẻ đọc sách hoặc dạy cách hít thở sâu.

Cha mẹ hãy thưởng cho bé dù buổi tiêm thành công hay thất bại, trẻ có thể khóc hoặc không sau khi buổi tiêm kết thúc. Gia đình nên tỏ rõ thái độ tự hào, khen ngợi trẻ đã góp phần bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Tìm không gian thân thiện với trẻ

Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm chủng ở bệnh viện có đông người qua lại. Trẻ có thể sợ hãi do có quá nhiều người cùng tiêm. Vì vậy, hãy đưa trẻ đi tiêm ở nơi có không gian yên tĩnh, quen thuộc hơn, ví dụ phòng khám của bác sĩ nhi khoa.

Hãy đưa trẻ đi tiêm khi có quỹ thời gian thoải mái, không tranh thủ tiêm vaccine giữa giờ học ở trường và giờ học thêm hoặc giữa các cuộc hẹn của bạn. Lý do là sự vội vã của người lớn cũng gây căng thẳng cho đứa trẻ.

Chi Lê (Vnexpress.net) (Theo USA Today)