Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 biến chứng nguy hiểm khi phụ nữ mang thai mắc cúm


Em nghe nói phụ nữ mang thai dễ mắc cúm và biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Em đang mang thai ở tháng thứ ba, có biểu hiện cúm nên rất lo lắng. Em phải làm gì thưa bác sĩ? (Mai Hồng Anh, Quảng Trị)

Trả lời:

Tháng 12/2022, Mỹ ghi nhận gần 50% số ca nhập viện liên quan đến cúm ở độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) được báo cáo là phụ nữ đang mang thai. Điều này chứng tỏ, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc cúm là rất cao. Tại Việt Nam, nhiều phụ nữ mang thai chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của cúm thai kỳ hoặc chưa chủ động phòng bệnh, điều này có thể gây ra nhiều hệ quả đáng tiếc.

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của người phụ nữ bị ức chế một cách tự nhiên, khiến miễn dịch suy giảm, cộng thêm những thay đổi về nội tiết tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm trùng (nhiễm khuẩn), đặc biệt là bệnh cúm.

Phụ nữ mang thai mắc cúm có thời gian khỏi bệnh lâu hơn, biến chứng nghiêm trọng hơn, điều trị khó khăn hơn, thậm chí đe doạ tính mạng của cả mẹ và thai nhi, trong đó nguy hiểm nhất là 5 biến chứng sau đây:

Viêm phổi

Viêm phổi là biến chứng nguy hiểm hàng đầu khi phụ nữ mang thai nhiễm virus cúm. Khi mang thai, nhu cầu oxy của phụ nữ sẽ cao hơn mức bình thường, nếu bị viêm phổi sẽ làm tăng nguy cơ thở máy, dùng kháng sinh liều cao, chạy ECMO... ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của chị em và sự phát triển của thai nhi.

Chị em có thể tiêm vaccine ở mọi thời điểm trong thai kỳ để phòng ngừa biến chứng cúm. Ảnh: Cẩm Hường

Viêm tai giữa

Nhiễm virus cúm gia tăng nguy cơ viêm tai giữa ở phụ nữ mang thai. Viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến viêm tai mãn tính với các hệ quả như viêm xương chũm cấp, giảm thính lực, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt... và có thể là yếu tố tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.

Nhiễm trùng huyết

Mặc dù hiếm gặp, virus cúm là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu ở phụ nữ mang thai. Căn bệnh cấp tính này tiềm ẩn những mối lo ngại như suy gan, suy thận, suy hô hấp, sảy thai, sinh non...

Sảy thai

Mắc cúm khi mang thai có thể làm tăng rủi ro sảy thai, thai chết lưu và sinh non (chuyển dạ trước 37 tuần của thai kỳ). Quá trình mang thai vốn đã gây căng thẳng lên tim, phổi và làm giảm hệ thống miễn dịch của chị em, kết hợp với triệu chứng sốt cao và độc tính của virus cúm có thể gia tăng kích thích, gây co bóp tử cung. Bên cạnh đó, biến chứng sảy thai khi bà bầu mắc cúm còn được lý giải là do tác động của phản ứng viêm xảy ra ở mô bào thai và màng rụng - nơitrứng thụ tinh làm tổ trong nội mạc thân tử cung và nội mạc tử cung khi nhiễm virus cúm.

Dị tật bẩm sinh

Bị cúm khi đang mang thai có thể khiến em bé mang những dị tật bẩm sinh ở não, cột sống hoặc tim lúc chào đời như dị tật ống thần kinh, hở hàm ếch, đục thủy tinh thể..., dẫn đến những vấn đề sức khỏe tổng thể nghiêm trọng, cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ.

Để giảm nguy cơ mắc cúm và những biến chứng nguy hiểm khi mang thai, điều cấp thiết đầu tiên chị em cần làm là tiêm phòng cúm. Vaccine cúm được chứng minh là làm giảm khoảng 1/2 nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và giảm khoảng 40% nguy cơ phải nhập viện vì cúm cho phụ nữ mang thai. Hơn nữa, phụ nữ mang thai tiêm phòng cúm cũng giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh cúm trong 6 tháng đầu đời, thời điểm trẻ chưa đủ điều kiện để tiêm phòng cúm.

Chị em có thể tiêm vaccine cúm bất kỳ lúc nào trong thai kỳ, nhưng tốt nhất nên tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Để chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ mẹ và bé, chị em nên tiêm cúm trước khi mang thai một tháng để đảm bảo miễn dịch tối ưu, vì sau khi tiêm vaccine cúm, cơ thể cần 2 tuần để sản sinh kháng thể đặc hiệu.

Các vaccine cúm được sử dụng hiện nay gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam). Đây đều là vaccine được sản xuất theo cơ chế bất hoạt nên an toàn đối với bà bầu và thai nhi.

Song song với tiêm vaccine, phụ nữ mang thai cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cúm như: Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; làm sạch các bề mặt ở nhà và nơi làm việc bằng nước khử trùng; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên...

Chị em khi mang thai cũng nên xây dựng lối sống khoa học để tăng cường sức đề kháng, từ đó hạn chế mắc cúm gồm: ăn uống đầy đủ dưỡng chất; ngủ đúng giờ, đủ giấc; duy trì thói quen tập thể dục thể thao; giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ...

Theo Vnexpress.net

ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC