Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách chữa nói ngọng ở trẻ em


Nhiều cha mẹ chủ quan khi con bị nói ngọng vì nghĩ lớn lên trẻ khắc tự sửa. Tuy nhiên, nếu không tìm nguyên nhân để chữa nói ngọng ngay từ nhỏ, càng để lâu càng khiến trẻ học hành sa sút.

Nhiều cha mẹ đưa con đến khám tại Trung tâm thính học Bệnh viện Nhi Trung ương mới bất ngờ khi biết được lý do con nói ngọng.

Chị Khánh (Hưng Yên) chia sẻ, bé Lâm con chị nói ngọng từ nhỏ. Ngày ấy, khi nghe con trai nói ngọng, cả nhà chị còn thấy vui tai và hay nói ngọng lại trêu bé. Tuy nhiên, tới khi học lớp 2, bé Lâm vẫn nói ngọng và đọc rất kém. Sốt ruột, vợ chồng chị cho con đến viện khám. Sau khi làm các test đo thính lực và kiểm tra khả năng phát âm - ngôn ngữ thì chị Khánh rất bất ngờ khi biết lý do con nói ngọng là nghe kém. Ngoài ra, vốn từ vựng của bé Lâm ít hơn so với độ tuổi và khả năng hiểu lời hội thoại chỉ được 80%.

 

Trẻ nói ngọng có thể do sức nghe kém. Ảnh minh họa

Vì sao trẻ nói ngọng?

Theo BS Hương Giang, bệnh viện Nhi Trung ương, nói ngọng là hiện tượng ngôn ngữ bị rối loạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

- Nguyên nhân bẩm sinh. Do cấu tạo của đường phát âm bị dị dạng, lưỡi ngắn, đầy lưỡi hay các bệnh lý bẩm sinh như: sứt môi, hở hàm ếch, chẻ vòm…khiến trẻ nói ngọng.

- Sức nghe kém. Có thể do cấu tạo của thính giác khiến trẻ nghe kém khiến trẻ không đủ vốn từ để sử dụng hoặc sử dụng sai lệch do nghe sai.

- Cấu tạo của các bộ phận như lưỡi, lưỡi gà, hàm, môi, răng,... còn chưa được hoàn thiện. Vì vậy khi trẻ tập nói, hầu như sẽ bị nói ngọng, phát âm không rõ ràng, phát âm sai. Những biểu hiện này sẽ dần mất đi khi trẻ lớn lên bởi những cơ quan này đã được hoàn thiện hơn.

- Rối loạn hành vi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn âm thanh.

- Ảnh hưởng bởi thói quen sử dụng ngôn ngữ ở người lớn. Nếu người lớn phát âm không chuẩn, nói ngọng thì trẻ cũng dễ bị sai theo.

Chữa nói ngọng cho trẻ bằng cách nào?

Dưới 4 tuổi, trẻ nói ngọng là bình thường do Cấu tạo của các bộ phận như lưỡi, lưỡi gà, hàm, môi, răng,... còn chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu sau 4 tuổi mà trẻ vẫn nói ngọng thì cha mẹ nến đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Thông thường trẻ sẽ được điều trị nói ngọng bằng ngôn ngữ trị liệu. Tuỳ vào tình trạng của từng trẻ, bác sĩ sẽ có những bài tập chuyên sâu khác nhau.

Với những tình trạng bệnh lý bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, bệnh lý chẻ vòm, trẻ cần được can thiệp sớm.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tự chữa nói ngọng cho con ở nhà bằng cách: Hướng dẫn bé cách đặt lưỡi, cách lấy hơi đúng; Khi nói chuyện với trẻ phải sử dụng phát âm chuẩn; Không nên nhại lại câu nói ngọng của trẻ; Khi trẻ nói ngọng, cha mẹ sửa ngay câu nói đúng cho trẻ và yêu cầu trẻ nhắc lại vài lần câu nói chuẩn…

Khi thấy trẻ phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Lưu ý: Khi trẻ nói ngọng ngoài nguyên nhân dễ nhận biết là nguyên nhân bẩm sinh, nguyên nhân do sức nghe kém ở trẻ rất dễ khiến cha mẹ bỏ sót. Cha mẹ rất khó nhận biết trẻ nghe kém nếu trẻ chỉ nghe kém một bên hoặc nghe kém mức độ nhẹ đến trung bình nặng hai tai, nghe kém tiến triển hoặc nghe kém tần số cao hoặc tần số thấp…

Vì vậy, khi thấy con phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn