Thống kê báo động về béo phì ở trẻ Trẻ béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, cao mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường…
Phụ huynh nên ưu tiên cho trẻ ăn trái cây và rau quả. Ảnh minh họa. Nếu không điều trị sớm, các bệnh này sẽ gây nhiều biến chứng với tỷ lệ tử vong cao hơn về sau. Nguy cơ mắc bệnh mạn tính Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng ở mức báo động trên toàn cầu. Các nước Đông Nam Á cũng không đứng ngoài xu hướng trên với số trẻ em béo phì gia tăng đáng ngại trong vòng 10 - 15 năm qua. Hiện nay, các báo cáo ước tính, có khoảng 6 - 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị thừa cân trong khu vực. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều được xếp vào nhóm có “mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng”, bởi nhiều trẻ em suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì. Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) cho biết, trẻ béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, cao mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường… do hệ nội tiết và quá trình chuyển hóa bị ảnh hưởng. Nếu không điều trị sớm, các bệnh này sẽ gây nhiều biến chứng với tỷ lệ tử vong cao hơn về sau. Các bé thừa cân cũng dễ mắc các bệnh thoái hóa khớp, đau thắt lưng hơn do trọng lượng cơ thể tăng, gây sức nặng đè ép lên hệ cơ - xương - khớp. Khi bị thừa cân hoặc béo phì, trẻ em cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa, khó thở và dễ mệt mỏi hơn. Ngoài ra, cần kể đến các ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Bởi, trẻ em béo phì thường dễ tự ti, do bạn bè trêu ghẹo. Trẻ sẽ dần trở nên thụ động, cô độc hoặc trầm cảm. Giảm tốc độ tăng cân “Theo nhóm nguyên nhân nổi cộm nói trên, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt vận động của trẻ là rất cần thiết. Ngoài ra, bố mẹ cần tìm thêm lời khuyên của bác sĩ Nhi khoa và chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để có hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn trong hành trình giảm cân cho con”, TS Quý khuyến cáo. Trước hết, trẻ cần có chế độ ăn uống lành mạnh. Nên ưu tiên cho trẻ ăn trái cây và rau quả. Khi đi mua thực phẩm, cha mẹ cần cắt giảm các loại thực phẩm tiện lợi, như bánh quy và các đồ ăn chế biến sẵn. Bởi, những thực phẩm này thường chứa nhiều đường, chất béo và năng lượng. Đồng thời, trẻ cần hạn chế đồ uống có đường, bao gồm nước ép trái cây. Những đồ uống này cung cấp ít giá trị dinh dưỡng, nhưng lại có năng lượng cao. Chúng cũng có thể khiến trẻ em mau no và không muốn ăn những thực phẩm lành mạnh hơn. Trẻ cũng cần tránh thức ăn nhanh. Hầu hết các lựa chọn trong thực đơn tại quán ăn nhanh đều chứa nhiều chất béo và calo. Vì thế, nên hạn chế sử dụng các quán ăn nhanh. Thay vào đó, cần giúp trẻ coi trọng bữa cơm gia đình. Phụ huynh nên biến bữa cơm cùng gia đình thành một sự kiện quan trọng để cha mẹ, con cái ngồi bên nhau chia sẻ tin tức và kể chuyện trong ngày. Không nên vừa ăn vừa xem tivi hay dùng máy tính. Bởi, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận thức ăn và có thể dẫn đến việc ăn quá nhanh. Ngoài ra, cần điều chỉnh khẩu phần ăn thích hợp cho trẻ. Bởi, trẻ không cần nhiều thức ăn như người lớn. Thay vào đó, hãy để trẻ ăn từng phần nhỏ và cho bé ăn thêm nếu vẫn thấy đói. Tạo thói quen chỉ ăn cho đến khi no, ngay cả khi còn ít thức ăn trên đĩa. Khi đi ăn ở ngoài, khẩu phần ăn ở nhà hàng thường quá lớn so với trẻ. Trong khi đó, ThS.BS Dương Công Minh - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, cơ thể trẻ đang tăng trưởng và phát triển. Do đó, với trẻ béo phì, gia đình không nên đặt vấn đề giảm cân ở trẻ mà chỉ giảm tốc độ tăng cân. Đồng thời, đảm bảo cho sự tăng chiều cao theo lứa tuổi. Các trẻ béo phì cần được hướng dẫn theo dõi bởi bác sĩ để tránh thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Cha mẹ nên hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi lâu một chỗ. Tập cho trẻ làm một số công việc ở lớp và ở nhà giúp gia đình như: Dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, dọn bàn ghế, bưng đồ, lấy đồ, lau quét nhà… Cho trẻ đi bộ ở bất cứ nơi nào, lúc nào có thể… lên xuống cầu thang. Hoặc, khi đi về nơi an toàn gần nhà, hay lớp, cha mẹ có thể để bé đi bộ. Trẻ cũng có thể đi dạo trong công viên vào ngày nghỉ. “Thông thường, ở trẻ, việc khuyến khích năng vận động đi lại và bớt các hoạt động thụ động như xem tivi, trò chơi điện tử… sẽ hiệu quả hơn là việc động viên tập thể dục thể thao. Cách tốt nhất là phối hợp nhiều biện pháp khác nhau để giúp trẻ có một lối sống năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát… Vân Huyền
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/thong-ke-bao-dong-ve-beo-phi-o-tre-post627109.html |