Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nên cắt bỏ tinh bột, chất béo khi trẻ dậy thì thừa cân?


Cắt giảm đột ngột tinh bột, chất béo có thể khiến trẻ bị giảm trí nhớ, thiếu máu, mệt mỏi, mất nước, mất cơ, da khô.

Sau Tết, chị Nguyễn Hoàng Anh (ngụ tại quận Tân Bình TP HCM), đưa con trai 12 tuổi vừa tăng 4 kg dịp Tết đến Nutrihome Hoàng Văn Thụ để bác sĩ tư vấn kế hoạch giảm cân. Con trai chị Hoàng Anh cao 1m45, nặng 55 kg. Chị sợ con đang ở độ tuổi dậy thì sẽ béo phì, giảm chiều cao, thân hình nặng nề.

Chị Hoàng Anh cho biết, vào dịp Tết, bé thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn tiện lợi, hay ăn vặt với bánh chưng, bánh tét, giò chả, nem rán, pizza chế biến sẵn, uống nước ngọt, soda... Bé cũng ngồi xem tivi liên tục ngày này qua ngày khác.

Chị dự định sẽ cắt tinh bột, chất béo, chỉ cho bé ăn đồ hấp, luộc, rau và trứng. Giải đáp vấn đề này, ThS.BS. Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết đối với trẻ em, giảm cân thường khó khăn hơn do trẻ có thể ít tự chủ và bị ảnh hưởng thói quen ăn uống bởi bạn bè. Do đó, thay vì giảm cân, mục tiêu tốt nhất đầu tiên có thể là giúp trẻ ngừng tăng cân. Nếu bé đạt được mục tiêu đó sau một vài tháng, ba mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, mức độ hoạt động để bắt đầu giảm cân.

Tinh bột, chất béo (và chất đạm) là các chất sinh năng lượng vốn cần thiết cho trẻ đang trong độ tuổi dậy thì. Nếu trẻ không hấp thu đủ tinh bột và chất béo có thể gây suy nhược, ảnh hưởng tới trí nhớ do không cung cấp đủ glucose cho tế bào não. Nếu trẻ loại bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm này trong một thời gian dài có nguy cơ dẫn đến thiếu dinh dưỡng từ đó gây thiếu máu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, mất nước, mất cơ, da khô, nhăn nheo, chảy xệ, tóc rụng, trao đổi chất chậm. Đặc biệt, trẻ có thể dễ tăng cân trở lại khi quay về chế độ ăn tinh bột bình thường.

Béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, trí tuệ của trẻ. Ảnh: Freepik

Nếu cắt hoàn toàn tinh bột, chất béo, trẻ sẽ dễ thất bại trong cuộc chiến giảm cân. Trẻ có xu hướng ăn những thực phẩm giàu năng lượng hơn để bù vào năng lượng thiếu hụt của tinh bột. Vì vậy, theo bác sĩ Tùng, ba mẹ không nên loại bỏ hoàn toàn tinh bột, chất béo trong bữa ăn của trẻ mà chỉ nên giảm bớt. Ví dụ, một bữa ăn tối lành mạnh sẽ có 50% rau củ quả, 50% protein và tinh bột.

Cha mẹ cần lên kế hoạch cắt giảm từ từ khẩu phần ăn của trẻ và các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều calo mà cả gia đình có thể thưởng thức. Điều này không dễ dàng, đặc biệt nếu trẻ bị béo phì nhưng những thành viên khác trong gia đình thì không.

Việc lên kế hoạch trước cho các bữa ăn đóng vai trò quan trọng, thay vì cho trẻ ăn ngay "thực phẩm ăn kiêng", hãy trộn những món yêu thích của gia đình với những thực phẩm ít calo, chất béo và đường. Trước mỗi bữa ăn, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ ăn rau trước, điều này sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, giúp nhanh no.

Để trẻ dậy thì giảm cân thành công, ba mẹ không nên để bé bỏ bữa. Bé nên đủ các bữa trong ngày để duy trì sự trao đổi chất ổn định (đốt cháy calo để tạo năng lượng). Nếu trẻ bỏ bữa, mức trao đổi chất và năng lượng giảm mạnh, trẻ sẽ nhanh đói, có thể sẽ tìm đến một bữa ăn nhẹ có đường hoặc ăn thực phẩm tăng cường năng lượng.

Đặc biệt, cần giúp trẻ duy trì lối sống lành mạnh, tích cực vận động, đi bộ, chạy bộ 30 phút một ngày, đặt mục tiêu năng lượng đầu vào ít hơn tổng năng lượng tiêu hao.

Anh Minh (Vnexpress.net)