Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao trẻ hay gặp khiếm khuyết bẩm sinh đường tiết niệu?


Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu sinh dục xảy ra nhiều nhất trong số các dị tật, chiếm 1/3 trong số các dị tật bẩm sinh của con người.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên (Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) chia sẻ, khi bào thai được vài tuần tuổi, 2 thận của trẻ không nằm vị trí hố lưng như lúc trưởng thành mà nằm ở vùng hố chậu, gần bàng quang. Trong quá trình phát triển cho đến khi đủ 9 tháng, 2 thận sẽ từ hốc chậu di chuyển dần lên vị trí của thận. Trong khi đó các tuyến sinh dục như buồng trứng, tinh hoàn... lại di chuyển theo chiều ngược lại, từ hai hố thận di chuyển dần xuống dưới. Hai buồng trứng nằm ở hố chậu. Hai tinh hoàn di chuyển vào hốc chậu và từ từ lọt qua hai lỗ bẹn rồi di chuyển ra bên ngoài.

Do đặc thù di chuyển và thay đổi nhiều nên trong quá trình phát triển của một bào thai, tiết niệu là cơ quan gây ra nhiều dị tật bẩm sinh nhất so với các cơ quan khác trong cơ thể.

Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu xảy ra phổ biến hơn so với các bộ phận khác trong cơ thể. Ảnh: Freepik

Nếu dị tật bẩm sinh xảy ra ở thận sẽ gây ra những vấn đề như thận lạc chỗ, thận hình móng ngựa, thận ứ nước hay hẹp khúc nối bể thận; thận đôi, thận ba... Đối với cơ quan sinh dục, những dị tật bẩm sinh có thể xảy ra như tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn không nằm trong hai túi bìu lại nằm trong ổ bụng và không thể di chuyển ra được; niệu đạo đóng thấp khiến bé trai mới sinh bị lầm tưởng là bé gái.

Theo PGS. Vũ Lê Chuyên, có những thời điểm nhất định để nhận biết dấu hiệu dị tật bẩm sinh ở trẻ, tính từ lúc còn trong bào thai đến khi trưởng thành. Theo đó, trong giai đoạn thai kỳ, bác sĩ siêu âm có thể nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thận ứ nước. Lúc này bác sĩ sẽ đặt ra một chương trình theo dõi và điều trị cho trẻ sau khi được sinh ra.

Thời điểm nhận biết dị tật bẩm sinh tiếp theo là ngay sau khi sinh. Bác sĩ hay nữ hộ sinh sẽ xem xét bộ phận sinh dục của trẻ, xác định giới tính hoặc những dị tật bên ngoài của bộ phận sinh dục. Nếu có dị tật xảy ra, bác sĩ sản khoa sẽ đưa ra phương án điều trị sớm hoặc sau khi trẻ lớn lên.

Ngoài 2 thời điểm trên, những dấu hiệu của dị tật bẩm sinh cũng có thể được phát hiện khi khám tổng quát, siêu âm tầm soát ở những giai đoạn quan trọng tiếp theo trong cuộc đời của trẻ. Cụ thể:

Giai đoạn trước khi học Mẫu giáo nhằm mục đích xác định giới tính, dị tật bẩm sinh.

Giai đoạn trước khi vào Tiểu học (trước 6 tuổi), nhằm khắc phục dị tật tinh hoàn lạc chỗ. Đây là giai đoạn giới hạn và quan trọng để khắc phục các dị tật bẩm sinh. Nếu để trôi qua thời điểm này việc điều trị sẽ không còn ý nghĩa. Đối với dị tật tinh hoàn lạc chỗ, nếu sau 6 tuổi mới tiến hành điều trị sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh và việc duy trì nòi giống.

Giai đoạn trước khi vào cấp 2, kiểm tra sức khỏe hệ tiết niệu, sẵn sàng cho trẻ bước vào tuổi dậy thì.

Giai đoạn trước khi vào cấp 3, lúc này trẻ đã phát triển thành thanh thiếu niên, việc tầm soát dị tật nhằm mục đích xem xét các bộ phận sinh dục, cơ quan tiết niệu... để điều chỉnh về mặt giới tính, chức năng thận.

TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên đang thăm khám cho người bệnh tại phòng khám Tiết Niệu - Thận học. Ảnh: Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh.

Nếu như có những loại dị tật bẩm sinh chỉ cần nhận biết (như thận đôi, ba) thì cũng có không ít những loại dị tật bẩm sinh đường tiết niệu cần được điều trị sớm để đáp ứng cuộc sống tương lai của trẻ và đặc biệt bảo tồn chức năng của thận. Do đó, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên khuyên phụ huynh cần chú ý đến những mốc thời gian quan trọng và đưa trẻ đến khám tại các chuyên khoa như Tiết niệu, Ngoại nhi, Sản phụ khoa để tầm soát dị tật bẩm sinh cho trẻ. Những dị tật này có thể được phát hiện thông qua thăm khám và áp dụng các phương pháp chẩn đoán như siêu âm, cắt lớp vi tính, xạ hình thận... Nếu có, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể cho từng loại dị tật bẩm sinh.

Chang Chang(Vnexpress.net)