Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cần chính sách đủ mạnh hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó


Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” được đặt nhiều kỳ vọng...

 

Ảnh minh họa: Thế Đại

Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” được kỳ vọng là cơ sở để các sở GD&ĐT tham mưu cho chính quyền trong tập trung nguồn lực, tạo đà cho việc phổ cập giáo dục mầm non trẻ trong độ tuổi 3 - 4 tuổi.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Chính sách “dưỡng sức” cho giáo viên vùng khó

Kon Tum có 2.541 giáo viên mầm non, trong đó 379 giáo viên nhà trẻ, 2.059 mẫu giáo. Đối với nhóm trẻ đạt tỷ lệ 1,45 giáo viên/nhóm, mẫu giáo đạt 1,53 giáo viên/lớp. Tỉnh Kon Tum còn thiếu 446 giáo viên mầm non.

Một số huyện có chỉ tiêu biên chế nhưng không có nguồn tuyển do không đạt yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo theo quy định Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển công tác của giáo viên từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi khá lớn. Thực trạng viên chức tự nguyện xin nghỉ việc gây khó khăn cho công tác quản lý, ổn định đội ngũ, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa.

Để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cần có một chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn từ Chính phủ. Trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt tiếp tục duy trì chế độ phụ cấp ưu đãi có thời hạn đối với giáo viên ở địa bàn vừa công nhận nông thôn mới.

Kon Tum vẫn còn một số trường mầm non tại các huyện thiếu khối phòng hành chính quản trị, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, phòng thiết bị đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài trời chưa đảm bảo theo quy định. Nguyên nhân bởi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, nguồn lực tài chính hạn hẹp nên chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển giáo dục, nhất là trang thiết bị thực hiện Chương trình GDPT 2018. Không những vậy, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, nên việc quan tâm động viên, hỗ trợ con em đến trường còn hạn chế.

Chúng tôi kỳ vọng, Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” sẽ bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi để nâng cao hiệu quả dạy - học. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em phù hợp với đặc thù của vùng, miền.

Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi: Gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ để tăng hiệu quả các hoạt động giáo dục

Trong Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo, mầm non và học sinh vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Quảng Ngãi, có một hợp phần dạy tiếng Cor và Hrê cho giáo viên mầm non và tiểu học.

Trẻ 5 tuổi ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khi vận động ra lớp vốn tiếng Việt rất ít, thậm chí là không có. Vì vậy, nếu giáo viên đứng lớp có thể giao tiếp bằng chính ngôn ngữ của các em thì sẽ rất thuận lợi. Dạy học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài kỹ năng sư phạm, các thầy, cô giáo còn phải biết tiếng địa phương để có thể dễ dàng hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản nhằm thích ứng với môi trường học đường. Đây cũng là cách tạo sự gần gũi, thân thiện với trẻ, giúp trẻ gắn bó hơn với trường lớp, từ đó mới có thể nâng cao hiệu quả cho các hoạt động giáo dục trong chương trình trẻ 5 tuổi, chủ động trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ để sẵn sàng vào lớp Một.

Tuy nhiên, việc đào tạo tiếng địa phương chỉ góp phần giải quyết những khó khăn ban đầu để việc tương tác giữa cô và trẻ trở nên thuận lợi hơn. Quan trọng hơn cả trong nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng khó vẫn là cải thiện cơ sở vật chất trường lớp. Hầu hết các điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang thường chỉ có phòng học, không có bếp. Thậm chí có những nơi, phòng học không đủ quy chuẩn do không có công trình vệ sinh khép kín. Vì vậy, rất khó khăn khi huy động trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp vì không đủ điều kiện tổ chức bán trú, trong khi trẻ ở độ tuổi này không thể tự đến trường, phụ huynh lại không thể đưa đón con 4 lần/ngày.

Vì vậy, chúng tôi rất mừng khi Chương trình được ban hành. Đây sẽ là căn cứ để ngành GD-ĐT các địa phương tham mưu với chính quyền xây dựng lộ trình đầu tư nguồn lực phù hợp, tạo đà cho việc triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi sắp tới. Tuy nhiên, với việc huy động nguồn lực tài chính chủ yếu từ địa phương và nguồn xã hội hóa, sẽ khó để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa trường lớp, xây dựng các phòng học đạt chuẩn kèm theo các điều kiện phục vụ bán trú cho trẻ ở các điểm trường lẻ.

Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho giáo dục ở các địa phương được ưu tiên phần lớn cho việc phục vụ cơ sở vật chất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, rất cần sự đầu tư từ Trung ương thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, các đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc… để tập trung cải thiện điều kiện dạy – học, chăm sóc trẻ ở bậc học mầm non.

Cô Lương Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Pờ Ê (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum): Bổ sung thêm định mức giáo viên cho điểm trường thôn

Năm 2020, khi xã Pờ Ê đạt chuẩn nông thôn mới, giáo viên và học sinh mất một số chế độ hỗ trợ. Ngoài khoản lương hằng tháng được nhận, chỉ có 5/10 giáo viên được hỗ trợ từ việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Để giữ chân giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường tích cực làm công tác tư tưởng, vận động các cô tiếp tục gắn bó với trường, lớp và học sinh.

Với 7 điểm trường, chỉ duy nhất trường chính có 2 giáo viên/lớp, còn lại 6 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn chỉ bố trí được 1 giáo viên đứng lớp. Do đó, nếu giáo viên nhóm lớp tại các điểm thôn nghỉ sinh hoặc đau ốm thì việc điều động người thay thế khá khó khăn. Còn 155 học sinh, trong đó 55 em được hỗ trợ ăn trưa và 28/55 em thuộc hộ nghèo nhận chi phí hỗ trợ học tập. Do đó, chặng đường đến trường của học sinh còn nhiều khó khăn, vất vả.

Với mục tiêu Chương trình hướng đến năm 2030 sẽ bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ thì hiện nay nhà trường đã bảo đảm. Bởi trường có 10 giáo viên thì 7 cô là người địa phương, thông thạo tiếng bản địa. Ba cô giáo thường xuyên đến thôn, làng tuyên truyền và vận động phụ huynh cho các em ra lớp nên ít nhiều cũng biết tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Tôi kỳ vọng, Chương trình hướng đến năm 2030 sẽ xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; góp phần huy động nguồn lực bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, trong lớp cho trẻ mầm non, đặc biệt là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Cô Y Mảnh, Giáo viên Trường Mầm non xã Mường Hoong huyện Đăk Glei, Kon Tum: Thu hút trẻ mầm non ra lớp bằng đồ dùng, đồ chơi sinh động

 

Cô Y Mảnh giảng dạy cho trẻ mầm non vùng khó của xã Mường Hoong. Ảnh: Nguyễn Dung

Học sinh nơi đây đa số là người dân tộc thiểu số nên điều kiện kinh tế, đời sống khó khăn. Do đó, ngoài những thiết bị được phân bổ, chúng tôi chủ động thiết kế, làm góc học tập, đồ dùng và đồ chơi sinh động để thu hút các em ra lớp. Từ đó, giúp trẻ hình thành các kỹ năng và tự tin, mạnh dạn hơn.

Năm học 2022 - 2023, tôi và một giáo viên đảm nhận dạy 45 học sinh của lớp 3+4+5 tuổi, khá vất vả. Hai giáo viên cân đối tổ chức các hoạt động dạy - học cho từng lứa tuổi. Bởi nếu ưu tiên trẻ 5 tuổi bảo đảm đủ kiến thức và kỹ năng vào lớp Một thì thiệt thòi cho các em 3 – 4 tuổi. Tuy nhiên, để triển khai một tiết dạy đối với chúng tôi khá khó khăn. Những đồ dùng phục vụ dạy học thầy cô đều phải chuẩn bị trước và đa phần có gì dạy đó chứ không thể đầy đủ được.

Hiện nay, mức lương của tôi khoảng 3 triệu đồng, thêm khoản phụ cấp từ Chương trình 135 thì mỗi tháng nhận được trên 7 triệu đồng. Thế nhưng, nhà cách trường xa nên trừ các khoản chi phí xăng xe, ăn ở… thì vừa hết. Đặc biệt, vào thời điểm mưa kéo dài, 2 - 3 tuần tôi mới về thăm nhà một lần do đồi núi hiểm trở, thường xuyên sạt lở. Đáng nói, không chỉ nơi đây, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn khó khăn, thời tiết khắc nghiệt... Mong rằng, Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù quan tâm, hỗ trợ thêm cho giáo viên, trẻ mầm non vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Trần Vỹ Chủ nhiệm CLB Kết nối Nam Trà My, Quảng Nam: Cần bộ phận kết nối

 

Niềm vui của học sinh điểm trường Tăk Râu (thôn 2, xã Trà Nam, Nam Trà My) trong ngày làm lễ bàn giao công trình cải tạo trường học từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: NVCC

Từ các nguồn lực huy động được, Câu lạc bộ Nam Trà My đã xây dựng kiên cố khoảng 60 điểm trường với 120 phòng học. Địa điểm được chọn để xây dựng đều thuộc khu vực hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu di chuyển bằng xe gắn máy, thậm chí là đi bộ theo đường mòn. Chưa có đường giao thông là một trong những “nút thắt” khiến nhiều điểm trường lẻ tại các thôn bản khó có thể được xây dựng kiên cố hóa bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, với cách làm uyển chuyển của các đội nhóm thiện nguyện, việc huy động nguồn lực để xây dựng kiên cố, bán kiên cố theo mô hình phòng học lắp ghép… rất thuận tiện. Chưa kể, các câu lạc bộ, đội nhóm có thể vận động bà con địa phương tham gia đóng góp ngày công để vận chuyển vật liệu. Có những điểm trường, nếu tính chi phí công vận chuyển vật liệu, có khi tương đương với chi phí xây dựng công trình.

Vì vậy, để có thể hoàn thành mục tiêu xóa phòng học tạm, kiên cố hóa phòng học ở những điểm trường mầm non tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, theo tôi, phòng GD&ĐT các địa phương cần thống kê chi tiết theo từng thôn, xã cụ thể, kèm theo phương án xây dựng, cách di chuyển, chi phí… Làm được điều này, phải khảo sát cụ thể để đưa ra phương án sát với thực tế, tạo thuận lợi cho đội nhóm trong tính toán chi phí, huy động nhân lực. Những thông tin này phải có sẵn để CLB, đội nhóm, đơn vị tổ chức khi cần có thể kết nối ngay.

Quan trọng hơn cả, các phòng GD&ĐT cần có nhân sự để kết nối với đội nhóm thiện nguyện. Có thể chia nhỏ thành các gói hỗ trợ để phù hợp với năng lực và nhu cầu của từng đội nhóm cụ thể. Ví dụ: Một công trình kiên cố hóa phòng học ở điểm trường thôn đôi khi có hơn 1 đội nhóm tài trợ để hoàn chỉnh (đội tài trợ xây dựng phòng học, đội hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, bếp ăn, vận động thêm đồ dùng đồ chơi…). Công trình nên được làm theo hình thức cuốn chiếu, tập trung đầu tư hoàn chỉnh cho 1 điểm trường rồi triển khai ở nơi khác.

Dung Nguyễn – Hà Nguyên (Thực hiện)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/can-chinh-sach-du-manh-ho-tro-phat-trien-giao-duc-mam-non-vung-kho-post624914.html