6 cách giúp phòng nhiễm trùng tai cho trẻ Cho trẻ bú mẹ, hạn chế dùng núm vú giả, tiêm phòng, tránh các tác nhân dị ứng, cảm lạnh...là những cách người lớn thể giúp trẻ phòng bệnh nhiễm trùng tai. Đa số trẻ nhỏ đều mắc nhiễm trùng tai khoảng 1-2 lần trước 5 tuổi. Có nhiều yếu tố khiến trẻ dễ mắc nhiễm trùng tai như thay đổi độ cao đột ngột, tổn thương tai, tiền sử gia đình, cách chăm sóc trẻ chưa đúng cách... Ba mẹ có thể áp dụng một số cách giúp con ngăn ngừa căn bệnh phổ biến này. Bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc thụ động: Sống chung với khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai của con bạn. Các nghiên cứu cho thấy các hạt trong thuốc lá có thể làm tắc ống ở tai trong. Sự tắc nghẽn này ngăn không cho ống thoát dịch ra ngoài, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng tai. Nguy cơ này cao đến 50%. Chọn lớp học ít học sinh: Thay vì chọn một lớp học 30 trẻ, phụ huynh nên cân nhắc chọn lớp học khoảng 15 trẻ. Phòng có càng nhiều trẻ lượng vi trùng càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh của trẻ sẽ tăng cao. Mặc dù nhiễm trùng tai, viêm tai giữa không lây trực tiếp nhưng các bệnh về đường hô hấp có thể khiến bệnh phát triển và diễn tiến nhanh chóng. Khi cho trẻ đi học, ba mẹ nên lưu ý vệ sinh cá nhân cho trẻ khi về nhà, nhỏ mắt, mũi để giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Cho con bú đúng cách: Với trẻ nhỏ, các mẹ nên cho con bú ít thất 6 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh vặt nói chung và nhiễm trùng tai nói riêng. Người lớn cũng nên hạn chế cho trẻ dùng núm vú giả vì nó có thể đưa vi khuẩn vào miệng, sau đó có thể di chuyển đến tai. Nghiên cứu ở Phần Lan đã phát hiện ra rằng, trẻ có thể giảm 33% nguy cơ nhiễm trùng tai nếu chỉ dùng núm vú giả vào giờ trưa và trước khi đi ngủ. Ba mẹ nên hạn chế cho trẻ ngậm nấm vú để giảm nguy cơ nhiễm trùng tai. Ảnh: Freepik Khi cho con bú, nên giữ bé ở tư thế thẳng đứng, không để bé mang bình đi ngủ. Nếu em bé bú bình trong khi nằm ngửa, sữa có xu hướng đọng lại trong miệng, chất lỏng có khả năng chảy vào tai giữa và gây nhiễm trùng. Nuôi con bằng sữa mẹ ít rủi ro hơn vì núm vú nằm xa hơn trong miệng trẻ, giúp ngăn sữa đọng lại và dòng sữa được kiểm soát tốt hơn và chậm hơn so với bú bình. Tránh cảm lạnh thông thường: Cảm lạnh là một trong những nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tai. Bạn nên hạn chế cho bé tiếp xúc với đám đông, nhất là những người đang bị ốm. Trẻ cần học rửa tay đúng cách, thường xuyên bằng xà phòng. Đề phòng dị ứng: Một tác nhân khác có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng tai là dị ứng. Do đó, bạn nên chủ động loại bỏ càng nhiều vật dụng gây dị ứng ra khỏi nhà càng tốt. Ví dụ, cấm vật nuôi vào khu vực ngủ của con bạn, đảm bảo các phòng trong nhà sạch sẽ, không có bụi... Tiêm phòng: Vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp, cúm... và cũng có tác dụng với một số chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng tai. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng đúng lịch và tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số trường hợp nhiễm trùng tai nhẹ có thể tự khỏi nhưng nếu trẻ bị nhiễm trùng tai tái phát, ba mẹ nên cho con đi khám để có lựa chọn điều trị phù hợp. Nhiễm trùng tai kéo dài dễ khiến trẻ bị cản trở thính lực, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Hà Phượng(Vnexpress.net) (Theo Parents)
|