Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các loại thực phẩm có thể gây viêm mũi dị ứng ở trẻ


Sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, các loại hạt, động vật có vỏ là những chất gây dị ứng chính, khiến trẻ em bị viêm mũi dị ứng.

ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thực phẩm ăn vào cơ thể để duy trì sự sống nhưng cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong đó, dị ứng thực phẩm ảnh hưởng khoảng 1-2% người lớn và 8% trẻ em dưới 6 tuổi. Bệnh này có thể giảm dần khi càng lớn tuổi.

Theo các nghiên cứu, thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ là sữa bò chiếm khoảng 2,5%, trứng là 1,3%, đậu phộng khoảng 0,8%, lúa mì chiếm 0,4%, đậu nành là 0,4%, các loại hạt với khoảng 0,2%, cá ở mức 0,1% và động vật có vỏ là 0,1%. Những trường hợp dị ứng sữa, đậu nành, trứng và lúa mì thường hết hẳn khi trưởng thành nhưng dị ứng đậu phộng, quả hạch và cá thì không mất đi.

Bác sĩ Như chia sẻ thêm, gần một nửa số trẻ em dị ứng với sữa bò qua trung gian immunoglobulin E (IgE) cũng thường nhạy cảm với nhiều loại thực phẩm khác hơn. Dị ứng thực phẩm được chia thành hai tình trạng là dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm.

Sữa bò, trứng là những thực phẩm thường gây dị ứng ở trẻ. Ảnh: Freepik

Dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là do phản ứng miễn dịch bất thường sau khi tiếp xúc với thực phẩm. Nó có thể được phân loại thành quá trình qua trung gian IgE hoặc không qua trung gian IgE. Các phản ứng qua trung gian IgE bao gồm mày đay cấp tính, phù mạch, hội chứng dị ứng miệng, viêm mũi dị ứng (AR), viêm kết mạc và hen suyễn cấp tính.

Dị ứng thực phẩm không qua trung gian IgE biểu hiện dưới dạng các triệu chứng bán cấp tính và, hoặc mạn tính, thường được phân lập ở đường tiêu hóa và, hoặc da. Các phản ứng thực phẩm không qua trung gian IgE chủ yếu bao gồm bệnh Celiac, viêm da dạng Herpes và hội chứng Heiner. Cả hai cơ chế này đều có thể liên quan đến viêm da dị ứng và rối loạn tiêu hóa tăng bạch cầu ái toan (tăng loại bạch cầu ưa axit).

Không dung nạp thực phẩm là phản ứng không miễn dịch đối với thực phẩm và có thể xảy ra do thiếu hụt chuyển hóa (ví dụ thiếu lactase - một loại enzym - hoặc fructase - một loại đường) hoặc không dung nạp dược lý (ví dụ caffein hoặc tyramine - một chất thuộc nhóm axit amin trong pho mát lâu năm) hoặc độc tính (ví dụ vi khuẩn hoặc chất gây ô nhiễm như histamine trong ngộ độc scombroid) hoặc rối loạn tâm lý.

Các phản ứng qua trung gian IgE gây viêm mũi dị ứng, đặc trưng bởi hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi và chảy nước mũi. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể kèm theo đỏ mắt, ngứa mắt và, hoặc chảy nước mắt.

Viêm mũi dị ứng do thực phẩm

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà.

Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm: viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ) hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm. Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ) là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm. Viêm mũi do dị ứng thực phẩm thuộc loại viêm mũi dị ứng quanh năm. Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ (AAAAI), có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.

Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và nhiều triệu chứng khác có thể xảy ra cùng lúc. Mặc dù viêm mũi dị ứng không đe dọa đến tính mạng, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng có thể gây rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về hô hấp, khiến trẻ học hành mất tập trung, sụt cân, chậm lớn.

Bác sĩ Như khuyến cáo, để trẻ không bị viêm mũi dị ứng do thực phẩm, phụ huynh cần cẩn trọng khi lựa chọn và chế biến thực phẩm. Ở trẻ bú sữa mẹ, mẹ cần chú ý ăn uống. Nếu hôm nào mẹ ăn uống món lạ mà thấy con có các dấu hiệu khó chịu trong người, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sưng đỏ mắt, nổi mề đay, quấy khóc (có thể do đau bụng) thì sau này cần tránh ăn thực phẩm đó. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện dị ứng thì nên đưa tới bệnh viện thăm khám, điều trị.

Ở trẻ ăn dặm và trẻ lớn, khi nấu một loại thực phẩm mới, phụ huynh chỉ nên cho bé ăn một lượng nhỏ để xem con có bị dị ứng hay không. Nếu xuất hiện các biểu hiện dị ứng như đã kể trên thì nên ngưng loại thực phẩm đó trong chế độ ăn. Để hạn chế bị dị ứng, phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Miễn dịch khỏe mạnh giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng.

Nguyên Phương (Vnexpress.net)