Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Sri Lanka bỏ học bán pháo hoa


Sáu tháng trước, Sri Lanka rơi vào tâm bão của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi đất nước giành độc lập.

 

Malki khoác lên mình bộ đồng phục gọn gàng để đến trường.

Đến nay, nước này vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình.

Từ đêm hôm trước, Malki, 10 tuổi, đã không ngủ được vì hồi hộp, phấn khích. Khi bình minh vừa ló rạng, em bật dậy trước năm anh chị em để sửa soạn quần áo, tết tóc. Hôm nay là ngày đầu tiên Malki trở lại trường và em muốn trông bản thân thật gọn gàng. Tuy nhiên, anh chị em của Malki phải ở nhà vì gia đình chỉ đủ khả năng cho em đi học.

Sáu tháng qua, mẹ của Malki, chị Priyanthika, phải cho các con thôi học, đi bán pháo hoa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Dù vậy, gia đình vẫn không đủ tiền mua lương thực khi giá thực phẩm tăng cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát đạt mức cao nhất gần 95%. Có những ngày, cả nhà Malki phải nhịn đói.

Nghĩ về tương lai, chị Priyanthika bộc bạch: “Chúng tôi vật lộn để xoay xở tiền cho một đứa con đi học. Chúng tôi làm việc mà không biết liệu ngày mai có gì để ăn hay không. Những khó khăn đấy đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi”.

Tại Sri Lanka, học sinh phổ thông được miễn học phí nhưng nhiều gia đình vẫn không đủ khả năng cho con đi học vì họ phải đóng những khoản phụ thu khác như tiền ăn bán trú, phương tiện di chuyển, đồng phục...

Ước tính, mỗi ngày, một học sinh cần tiêu đến 400 rupee (khoảng 23.700 đồng). Dù đây không phải khoản tiền lớn, các gia đình vẫn chật vật để xoay xở.

Chứng kiến sự khó khăn của học sinh Sri Lanka và gia đình các em trong thời gian gần đây, ông Prakrama Weerasinghe, Hiệu trưởng Trường Trung học Kotahena Central, chia sẻ: “Mỗi buổi sáng, nhà trường sẽ tập trung học sinh dưới sân trường. Nhiều em ngất xỉu vì không được ăn uống mấy ngày liên tiếp”.

Sau khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, hiệu trưởng Weerasinghe ước tính tỷ lệ học sinh đi học đã giảm tới 40%. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên mang thêm thức ăn để khuyến khích học sinh đến trường.

Tổng thư ký Hiệp hội giáo viên Ceylon, Joseph Stalin, nhận định nạn nhân lớn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là trẻ em. Nhiều em đến trường với hộp cơm trống rỗng cùng cái bụng đói.

Ngay cả Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và nhiều tổ chức phi chính phủ khác cũng đang báo động tình trạng trẻ em bị đói, mất khả năng học tập tại Sri Lanka. Điều này sẽ kéo theo một thế hệ mù chữ và suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Dự kiến sẽ ngày càng nhiều trẻ em trên cả nước buộc phải nghỉ học.

Tổng thư ký Joseph Stalin cho biết bất kể tình trạng trên, chính phủ vẫn chưa có biện pháp hỗ trợ trẻ em Sri Lanka và các gia đình. Do đó, các tổ chức từ thiện tự phát và các tổ chức phi chính phủ đã phải vào cuộc.

Tổ chức từ thiện Cơ đốc Samata Sarana là một ví dụ điển hình hiện nay. Họ đã giúp đỡ những người nghèo nhất tại thủ đô Colombo trong ba thập kỷ gần đây. Kêu gọi từ thiện, gây quỹ trong và ngoài nước, Samata Sarana đã sử dụng số tiền thu về để mua nguyên liệu sạch, nấu những bữa ăn nóng hổi cho học sinh.

Hàng ngày, tổ chức thu hút hơn 200 trẻ em đến ăn miễn phí. Nhiều em được cho thêm thức ăn mang về chia sẻ với gia đình và được động viên để tiếp tục học hành.

Tuy nhiên, tổ chức này không thể giúp đỡ tất cả mảnh đời bất hạnh tại Sri Lanka. Các chuyên gia giáo dục, tổ chức phi chính phủ đã và đang kêu gọi Chính phủ Sri Lanka có những giải pháp mạnh tay, quyết liệt để giải quyết khó khăn trên.

Tú Anh

(Theo BBC)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tre-em-sri-lanka-bo-hoc-ban-phao-hoa-post622244.html