Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

6 mẹo giúp điều trị cảm lạnh cho trẻ


Ngăn ngừa mất nước, rửa mũi, uống mật ong là những mẹo có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh cho trẻ.

Trẻ em thường xuyên bị cảm lạnh do hệ miễn dịch còn yếu, chưa nhận thức được các mầm bệnh xung quanh. Cảm lạnh có thể gây ra nhiều triệu chứng, nhưng không có loại thuốc nào dành riêng cho bệnh cảm lạnh thông thường. Việc khắc phục bệnh chủ yếu hướng đến mục tiêu giảm các triệu chứng mà bệnh gây ra như nhức đầu, nghẹt thở, ho...

Dưới đây là 6 mẹo, phụ huynh có thể áp dụng để giúp trẻ giảm các triệu chứng của bệnh cảm lạnh.

Ngăn ngừa mất nước: Khi trẻ bị ốm, ba mẹ nên lưu ý bổ sung nước, tránh để trẻ mất nước trong giai đoạn này. Một số loại trái cây, nước ép, súp hoặc một que kem đều được tính là nguồn cung cấp nước cho trẻ.

Hạ sốt: Trẻ mắc cảm lạnh có thể bị sốt, đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang chống lại nhiễm trùng. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, ba mẹ nên cho con uống hạ sốt. Với cơn sốt dưới 38 độ, phụ huynh có thể hạ sốt bằng cách lau người cho con, chườm mát ở nách, bẹn... Việc sử dụng thuốc hạ sốt cần có ý kiến của bác sĩ, căn cứ vào trọng lượng và độ tuổi của từng trẻ. Khi trẻ sốt trên 3 ngày, không đáp ứng hạ sốt, ba mẹ nên cho con đi khám để xác định nguyên nhân.

Trẻ có thể bị sốt khi mắc bệnh cảm lạnh. Ảnh: Freepik

Mật ong: Mật ong không an toàn cho trẻ dưới một tuổi vì có nguy cơ gây ngộ độc, tuy nhiên với trẻ trên 2 tuổi, đây là biện pháp giúp làm dịu cổ họng, giúp trẻ giảm ho.

Phụ huynh có thể cho con uống nửa thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ để ngăn chặn cơn ho, hoặc pha mật ong với nước ấm, cho trẻ uống ngày 2 lần. Biện pháp này giúp có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn một chút.

Giảm nghẹt mũi: Nếu bệnh cảm lạnh khiến trẻ bị tắc nghẽn, khó thở, phụ huynh nên khắc phục bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý, cho trẻ tắm dưới vòi hoa sen nước ấm, dùng thuốc thông mũi khi được bác sĩ đồng ý.

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ từ 6-10 tuổi được rửa mũi đúng cách bằng nước muối, thời gian phục hồi cảm lạnh sẽ nhanh hơn. Với trẻ nhỏ, chưa tự xì mũi được, ba mẹ nên cho con đi hút mũi hoặc tự hút mũi để giúp con dễ thở hơn.

Hỗ trợ hút mũi cho trẻ để giúp con giảm nghẹt mũi. Ảnh: Freepik

Xông hơi cho trẻ: Khi bệnh cảm lạnh gây ra triệu chứng ho khan cho trẻ, người lớn có thể cho con xông hơi bằng máy tạo ẩm, hơi nước. Hơi nóng này có thể giúp mở đường thở cho trẻ, làm giảm sưng đường hô hấp, khắc phục triệu chứng ho khan.

Nếu sử dụng máy tạo độ ẩm, người lớn nên chú ý vệ sinh và khử trùng kỹ càng ít nhất vài ngày một lần. Làm sạch không đúng cách để hạn chế nấm mốc và vi khuẩn phát triển bên trong.

Nghỉ ngơi: Cảm lạnh hay bất cứ bệnh nào, trẻ cũng cần được nghỉ ngơi. Phụ huynh nên đảm bảo rằng trẻ được ngủ đủ giấc, ít nhất 8-12 giờ. Ngủ đủ giấc có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh, giúp bệnh mau khỏi hơn.

Anh Chi(Vnexpress.net)

Theo Health