Đu đủ không chỉ là loại trái cây ăn dặm tốt dành cho trẻ, có thể mang đến nhiều lợi ích như hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm táo bón. Việc đưa thức ăn đặc như trái cây và rau củ vào chế độ ăn dặm có thể giúp trẻ tránh tình trạng kén ăn; đồng thời, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về ăn uống, béo phì và dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh. Trong số các loại trái cây, đu đủ rất giàu vitamin A, C và chất xơ. Dưới đây là một số lợi ích khi cho trẻ tiêu thụ đu đủ. Giảm táo bón Táo bón mạn tính thường gặp ở trẻ em và việc điều trị không chỉ phụ thuộc vào thuốc mà còn cần thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đu đủ là một loại thuốc nhuận tràng giàu chất xơ và các enzyme như papain. Đây là một loại enzyme có tác dụng phá vỡ cấu trúc thực phẩm phức tạp rất hiệu quả. Chính vì vậy, thường xuyên cho trẻ ăn một lượng nhỏ đu đủ có thể giúp cải thiện tiêu hóa. Tăng cường miễn dịch Đu đủ giàu vitamin A, thậm chí còn nhiều hơn so với cà chua và cà rốt. Nó cũng chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin C, vitamin B, axit pantothenic, folate, kali, magiê và flavonoid. Tất cả những chất dinh dưỡng quan trọng này đều có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch ở trẻ; đồng thời, bảo vệ trẻ khỏi các loại vi khuẩn và virus gây hại. Du đủ chứa một lượng lớn các vitamin và khoáng chất như canxi, magie, vitamin B1, B3, B5, E và K. Ảnh: Freepik Giảm mẩn ngứa Lượng vitamin A dồi dào trong đu đủ có thể bảo vệ da khỏi bị bỏng và lở loét. Bên cạnh đó, các hoạt chất như papain và chymopapain trong đu đủ có tác dụng chống viêm. Cải thiện quá trình trao đổi chất Folate cần thiết cho việc sản xuất axit amin. Do đó, việc bổ sung folate có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành và đau bụng ở trẻ sơ sinh. Một trong số những thực phẩm có lượng folate đáng kể là trái đu đủ. Chính vì vậy, việc bổ sung trái cây này sẽ giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và duy trì sức khỏe trong tương lai. Hỗ trợ ngăn ngừa giun Một số yếu tố như suy dinh dưỡng, tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, đi chân trần trên đất và ăn thực phẩm bị ô nhiễm có thể gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh. Để giảm các nguy cơ, cha mẹ nên cho trẻ làm quen với việc ăn đu đủ sớm. Theo các nhà khoa học, nhựa đu đủ có chứa men papain, được điều chế làm thuốc trị giun. Chúng có tác dụng với giun đũa, giun kim, sán lợn nhưng không tác dụng với giun móc. Lưu ý khi cho trẻ ăn đu đủ Theo các chuyên gia, phụ huynh có thể cho bé ăn đu đủ ở tháng thứ 7. Trước khi cho trẻ ăn, cha mẹ cần lựa chọn những trái đã chín kỹ và ăn với mức độ vừa phải để tránh trẻ bị đau dạ dày. Ngoài ra, ăn nhiều đu đủ cũng sẽ dẫn đến tình trạng thừa beta-caroten, gây vàng da. Huyền My(Vnexpress.net) (Theo Boldsky)
|