Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyên viên tư vấn tâm lý chỉ ra 5 sai lầm của cha mẹ khiến con mai một nhân cách


Là những bậc cha mẹ hiểu biết, đừng dạy con những điều này để về sau nhân cách con bạn bị mai một.

Là cha mẹ, ai cũng muốn dạy dỗ con một cách tốt nhất trong khả năng. Ngoài cách dạy con theo truyền thống, các bậc phụ huynh bắt đầu ngày nay còn quan tâm tới những cách dạy con theo kiểu người Do Thái, dạy con theo kiểu Nhật hay kiểu cha mẹ Mỹ.

Tuy nhiên theo anh Huỳnh Chí Viễn, giáo viên tiếng Anh, chuyên viên tư vấn tâm lý phụ huynh tại một trường tư thục nổi tiếng, tác giả cuốn sách "Làm cha mẹ, nỗ lực bình an cho con" thì: Có một số điều mà rất nhiều các bậc cha mẹ Việt Nam vô tình hay cố ý phạm phải trong việc dạy con khiến nhân cách con cái có thể bị khiếm khuyết sau này, cho dù có thể trở thành người được xem là thành đạt trong mắt xã hội.

Thầy giáo Huỳnh Chí Viễn chia sẻ về 5 điều "xấu xí" nhiều cha mẹ vô tình dạy con. Là những bậc cha mẹ hiểu biết, đừng dạy con những điều này để sau này nhân cách con bạn bị mai một.

1. Coi trọng điểm số, không coi trọng kiến thức

Trong suốt quá trình đi dạy, tôi gặp rất nhiều bạn học sinh, sinh viên mặc dù điểm số ở trường rất cao và luôn đạt học sinh giỏi nhưng lại có những lỗ hổng kiến thức cơ bản rất lớn về lịch sử, địa lý, khoa học và thường thức xã hội. Điều đáng buồn là các bạn trẻ ấy dường như không có nhu cầu mở mang kiến thức và xem việc học như bổn phận để trả nợ.

Điểm số phản ánh kết quả học tập, điều này đúng nhưng không thật sự chính xác nhất là từ khi các phong trào thi đua trở thành trọng điểm trong hệ thống giáo dục nước nhà. Chính vì thi đua mà mới phát sinh ra những chuyện cười ra nước mắt như 5 năm học sinh giỏi mà vẫn chưa biết đọc chữ.

Điểm số và thành tích cũng là một áp lực cho cha mẹ khiến cha mẹ ép con mình đi học thêm tất cả các lớp thầy cô mở vì học thêm thì được nâng điểm, không học thêm sẽ bị "đì". Nhiều cha mẹ coi trọng thứ hạng hoặc điểm trung bình của con hơn là khả năng con mình bị kiệt sức hoặc trầm cảm do học quá nhiều.


Cũng có nhiều trường hợp phụ huynh đến hỏi cho con mình học thi TOEIC hay IELTS với một lý do rất buồn cười: Tôi thấy bạn nó ai cũng có bằng mà con tôi chưa có chứ tôi cũng không biết bằng đó là bằng gì, có giá trị như thế nào? Mặc dù tôi hết sức giải thích cho họ hiểu rằng ở tuổi của con họ chưa thích hợp và cũng chưa cần phải có những bằng cấp nói trên, họ vẫn không hài lòng vì tâm lý về bằng cấp quá nặng.

2. Ganh tị, ích kỷ và hiếu thắng

Ở những công viên hoặc những khu vui chơi trẻ em ở nước ta, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ không khó khi bắt gặp những người cha người mẹ làm ngơ hoặc ngầm khuyến khích khi con mình giành chơi với con người khác. Một số lớn trẻ con Việt Nam có một tính rất xấu là khi đến chơi nhà người khác, thấy đồ chơi đẹp là nằng nặc giãy nãy khóc lóc đòi mang về nhà cho bằng được còn đứa trẻ kia thì sẽ giữ khư khư trong lòng và cũng sẽ gào khóc giãy nãy không kém.

Tôi đã từng thấy cảnh một đứa bé sau khi đã gào khóc chán chê vì không mang được con búp bê mà nó thích về nhà đã hậm hực bẻ tay bẻ chân món đồ chơi đó và ném vào mặt đứa bé kia rồi mới chịu theo mẹ ra về. Tính ích kỷ và ganh tị ở trẻ con vô tình được người lớn nuôi dưỡng từ những hành động nhỏ nhặt như thế.

Trong tất cả các tài liệu giáo dục sư phạm của Mỹ mà tôi đã từng được tham khảo, tiêu chí "minimizing competition and promoting cooperation" (giảm thiểu cạnh tranh và khuyến khích hợp tác) là một trong những điều mà giáo viên phải thuộc nằm lòng để giáo dục học sinh của mình biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hơn là cạnh tranh với nhau bằng mọi giá.

Trong khi đó, nhiều cha mẹ và thầy cô giáo hiện nay chỉ dạy con cái và học trò mình cạnh tranh, ganh đua, nhưng không giúp đỡ và chia sẻ. Việc thắng được bạn bè mới là quan trọng, còn việc nhường nhịn hay giúp đỡ gần như được xem là biểu hiện của sự yếu đuối. Con ngáo ộp "con nhà người ta" được các bậc cha mẹ tận dụng triệt để để ép con mình cố gắng nhưng đáng buồn thay nó cũng tạo ra một tâm lý ganh ghét và hiếu thắng trong lòng những đứa trẻ.

3. Làm việc vì tiền chứ không vì đam mê hoặc cống hiến

Tiếp xúc với các học viên của mình, tôi gặp rất nhiều trường hợp các bạn sau bốn năm vật vã trong trường đại học theo ý nguyện của bố mẹ bắt đầu ra đi làm một công việc hầu như chẳng thích hợp với bản thân mình. Rồi sau một vài năm mất phương hướng, mất động lực và niềm tin, các bạn lại chuyển sang đi học tiếng Anh để đi dạy vì theo các bạn dạy tiếng Anh vừa dễ vừa nhàn lại kiếm được rất nhiều tiền. Tôi nói các bạn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác vì các bạn chọn công việc vì tiền chứ không vì đam mê chân chính.

Trên đời này chẳng có nghề nào vừa đơn giản vừa kiếm được nhiều tiền cả. Nghề nào cũng có người thất bại và người thành công. Họ khác nhau ở một điểm cơ bản: Người thành công trong một lĩnh vực là người đam mê và có trách nhiệm với công việc mình làm còn người thất bại xét cho cùng không thích thú với công việc mình đã chọn mà chỉ làm việc vì bổn phận hoặc vì tiền.

Quan niệm làm việc vì tiền chứ không vì đam mê bắt nguồn từ cách giáo dục sai lệch của cha mẹ. Rất hiếm cha mẹ Việt Nam nào dạy con chọn nghề theo sở thích hay năng khiếu của mình mà thường hướng con đến những nghề hot, kiếm được nhiều tiền trong xã hội. Ngay từ khi cho con đi học, cha mẹ đã nhắm đến những môn học gọi là mũi nhọn như Toán, Lý, Hóa, Anh Văn để sau này cho con mình thi vào những trường đại học hot để sau này tốt nghiệp xin được việc làm kiếm được nhiều tiền.

Còn nếu học hành không tốt lắm nhưng có tí ngoại hình hoặc chất giọng thì các em sẽ được đưa vào những lò đào tạo ca sĩ hay người mẫu với mơ ước trở thành ngôi sao. Tư tưởng mong muốn con chọn được một nghề nào đó kiếm được thật nhiều tiền để có cuộc sống sung sướng về vật chất là có thể thông cảm được.

Nhưng các bậc phụ huynh, nhất là những người có điều kiện vật chất khá giả một tí, nên hướng con mình đến những công việc mà nó yêu thích và có năng khiếu để con bạn được phát huy tài năng của chúng.

Hãy nhớ rằng nếu bạn làm việc vì đồng tiền thì bạn sẽ chạy theo nó suốt đời mà không bao giờ có được. Nếu bạn làm việc vì đam mê và trách nhiệm, một ngày nào đó đồng tiền sẽ chạy theo bạn.

4. Kỳ thị và nhận thức sai về giới tính

Phụ huynh các nước tiến bộ dạy con mình sự phân biệt, hiểu biết và tôn trọng giới tính từ khi các bé còn nhỏ. Ở tuổi mẫu giáo, các bé được giáo dục sự khác biệt cơ bản giữa bé trai và bé gái, về việc giữ vệ sinh cơ thể và cách bảo vệ bản thân khi những người lớn chạm vào những nơi nhạy cảm.

Đến tuổi trung học cha mẹ sẽ dạy cho con cái mình về tình dục như một điều hết sức tự nhiên và cách tránh thai an toàn. Những đứa trẻ đồng tính không bị cha mẹ kỳ thị hoặc xem là "vết nhơ" của gia đình.

Ở Việt Nam, những câu hỏi thắc mắc về giới tính của con cái phần lớn sẽ nhận được những câu trả lời qua loa hoặc cấm đoán. Cha mẹ không bao giờ có đủ can đảm để dạy con cái mình cách bảo vệ bản thân không bị xâm hại tình dục hoặc những kiến thức về tình dục an toàn khi con đủ lớn nhưng lại sẵn sàng gào thét chửi bới nếu con mình lỡ dại.

5. Coi thường người nghèo

Có một lần, tôi đã gặp được một việc mà theo tôi là rất hiếm và rất đáng học hỏi trong xã hội ngày nay: Anh hàng xóm của tôi đã bảo đứa con trai lớp 6 của mình mang bao lì xì ra mừng tuổi và chúc Tết cô đổ rác của khu phố trước khi cô nghỉ Tết. Việc làm tuy nhỏ nhưng nó thể hiện sự văn minh và tử tế trong việc giáo dục con cái. Tôi đã thầm ước gì các bậc cha mẹ khác ở Việt Nam có thể dạy con mình như thế.


Theo Phụ nữ Việt Nam