Số trẻ mắc viêm màng não tại các bệnh viện nhi có xu hướng tăng, bác sĩ cảnh báo trường hợp nhập viện trễ có thể biến chứng nặng, nguy cơ tử vong. Ngày 11/12, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, quản lý Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết gần đây đơn vị tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 20-30 trẻ viêm màng não. Trong khi cách đây vài tuần, mỗi ngày chỉ khoảng 10-15 trường hợp nằm viện. Trong số trẻ đang điều trị, ba trường hợp dưới một tuổi bị viêm màng não mủ biến chứng nặng, phải phẫu thuật bơm rửa mủ tụ dưới màng cứng của não, kết hợp chích kháng sinh dài ngày. Tương tự, số trẻ viêm màng não nằm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 gần đây cũng tăng, dao động 20-30 trường hợp, nhiều trẻ phải thở oxy. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng điều trị khoảng 10 trường hợp viêm màng não, chưa ghi nhận tăng. Bệnh viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân đa phần do vi khuẩn như E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao... Một số ít có thể do virus, ký sinh trùng, nấm. Bệnh xuất hiện ở tất cả lứa tuổi và đều có nguy cơ bệnh nặng. Hiện các bác sĩ chưa lý giải được tại sao số trẻ viêm màng não nhập viện nhiều trong thời gian gần đây. Trẻ điều trị viêm não, viêm màng não tại bệnh viện nhi. Ảnh: Lê Phương Theo bác sĩ Qui, một số ca viêm màng não biến chứng rất nhanh, phụ huynh và bác sĩ không trở tay kịp. Như bệnh nhi hơn 1,5 tháng tuổi, sốt cao hai ngày, được chuyển từ Bà Rịa Vũng Tàu lên chọc dò xét nghiệm, cho kết quả bị viêm màng não mủ. Bác sĩ phải gấp rút cho dùng kháng sinh mạnh, trước khi có kết quả xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, song bé đáp ứng không như mong đợi. Bệnh nhi bị biến chứng tụ mủ dưới màng cứng, phải phẫu thuật hai lần để bơm rửa và dẫn lưu mủ. "Bé không yếu liệt nhưng để lại di chứng co giật", ông Qui nói. Còn bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết mỗi lần tiếp nhận trẻ viêm não hay viêm màng não, các bác sĩ rất lo lắng vì hầu như năm nào cũng có những trường hợp di chứng, thời gian nằm viện kéo dài vài tuần đến vài tháng. Trẻ mắc bệnh nhập viện rải rác quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu đến muộn. Triệu chứng của bệnh gồm: sốt, quấy khóc nhiều (ở trẻ nhũ nhi), đau đầu (ở trẻ lớn đã biết kêu đau), nôn ói (đặc biệt là tính chất ói vọt), thóp phồng (ở trẻ nhũ nhi còn thóp) hoặc cổ gượng (ở trẻ lớn). Bên cạnh đó, trẻ có thể co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác (kích thích, li bì, hôn mê). "Viêm màng não là bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm thì dễ tổn thương não nặng nề, có thể tử vong", bác sĩ Qui lưu ý, thêm rằng phụ huynh thấy trẻ sốt cao, kèm nôn ói nhiều, quấy khóc, đau đầu, cổ gượng thì nên cho bé đi khám ngay. Đặc biệt, nếu trẻ có biểu hiện co giật, yếu liệt, rối loạn tri giác, là các dấu hiệu chuyển nặng. Hiện, vaccine 5 hay 6 trong 1 có thể ngừa được HiB; vaccine PCV10 hoặc PCV13 ngừa được phế cầu; vaccine não mô cầu. Đây là các tác nhân gây viêm màng não hay gặp có vaccine để ngừa. Dù vậy, vi khuẩn gây bệnh nhiều hơn loại vaccine nên phụ huynh cần tuân thủ rửa tay, mang khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi. Lê Phương(Vnexpress.net)
|