Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao nhiều giáo viên ngao ngán các phong trào thi đua?


Chúng ta đều biết, không thi đua thì khó có sự tiến bộ, mọi thứ sẽ trở nên cào bằng, ai cũng như ai - đó là một chân lý không thể nào phủ nhận được.

Tất cả sẽ bị cào bằng nếu các phong trào thi đua trong ngành giáo dục không được phát động và tồn tại nữa. Chúng ta cứ hình dung nếu ngành giáo dục bỏ đi phong trào thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi học sinh giỏi, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi nghiên cứu khoa học…thì việc dạy và học của nhà trường sẽ thế nào, lấy gì làm thước đo cho mỗi đơn vị?

Mỗi một phong trào, mỗi một cuộc thi đều có mục đích cụ thể, đều có những tiêu chí rõ ràng, và chính những phong trào này đã làm tiền đề để nâng cao chất lượng giảng dạy ở nhà trường, tìm ra những nhân tố tích cực cho từng đơn vị và tất nhiên cũng sẽ là tiêu chí xét thi đua cuối năm cho các cá nhân và cũng là kết quả đánh giá hoạt động của từng đơn vị trong mỗi năm học.

Tuy nhiên, nhiều năm qua có những địa phương chưa làm đến nơi, đến chốn, dẫn đến việc có nhiều bài báo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng nói về những mặt trái, những điều chưa được trong thi đua của ngành giáo dục. Nào là hình thức, đóng kịch, giả dối, không thiết thực nên tạo một luồng dư luận chưa thực sự khách quan.

 

Khôn thi đua rất khó tạo động lực cho phát triển (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Chúng ta đều biết, không thi đua thì khó có sự tiến bộ, mọi thứ sẽ trở nên cào bằng, ai cũng như ai- đó là một chân lý không thể nào phủ nhận được. Đối với ngành giáo dục việc thi đua sẽ kích thích sự phấn đấu của mỗi cá nhân người thầy, của từng tổ chuyên môn này với tổ chuyên môn khác, của trường này với trường khác.

Để đánh giá một cá nhân phải bắt đầu từ chất lượng giảng dạy, từ sự cống hiến và hiệu quả tham gia các phong trào của ngành, của đơn vị. Đánh giá tổ chuyên môn cũng bắt đầu từ chất lượng giảng dạy và những thành quả của các phong trào thi đua, đối với nhà trường cũng vậy.

Một đơn vị, một tổ chuyên môn tiến tiến tất nhiên phải hơn những đơn vị khác không chỉ là chất lượng giảng dạy có tỉ lệ yếu kém thấp hơn mà trong đơn vị ấy có bao nhiêu đề tài khoa học các cấp đã công nhận, có bao nhiêu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường, có bao nhiêu học sinh giỏi qua các kì thi cấp huyện, cấp tỉnh.

Nếu không lấy những thành tích này thì lấy gì làm căn cứ xét thi đua?

Nhiều bài viết phản ánh những tiết thao giảng cấp trường hay cấp huyện, cấp tỉnh là do Ban giám hiệu, tổ chuyên môn hay Hội đồng bộ môn đã xây dựng trước. Người giáo viên dạy tiết thao giảng đó chỉ là “diễn viên diễn lại”.

Tuy nhiên, nếu không làm công phu tiết giảng đó để giáo viên trong tổ, trong Hội đồng bộ môn khi đến dự giờ thấy cái hay, cái được từ tiết thao giảng để rút kinh nghiệm cho bản thân, để ứng dụng trong công tác giảng dạy của riêng mình.

Nếu mọi người không xây dựng trước thì thao giảng để làm gì, nếu tiết đó chỉ một giáo viên thao giảng tự soạn và giảng dạy không đạt yêu cầu thì có phải uổng bao công sức của giáo viên đi dự giờ mà không học hỏi được điều gì sao?

Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm là đề tài được báo chí nói nhiều nhất bởi nó không thực chất, nó giả dối. Bởi vì sao? Phải chăng bản chất và mục đích viết sáng kiến kinh nghiệm là xấu hay không rõ ràng?

Tất cả đã có hướng dẫn của cấp trên. Điều còn lại là ý thức và trách nhiệm của người giáo viên mà thôi. Nếu giáo viên làm bằng trách nhiệm và lòng nhiệt huyết với nghề thì không có gì phải ca thán.

Chỉ có điều lâu nay chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn. Giáo viên thì cóp nhặt chỗ này vài đoạn, chỗ khác vài câu, hay xin xỏ của một người ở địa phương khác về nộp.

Trong khi, một số người chấm sáng kiến kinh nghiệm lại là những người chưa đủ tầm để thẩm thấu. Lâu nay ta thấy cứ cơ cấu lãnh đạo chấm, trong khi lãnh đạo nhiều người chưa bao giờ viết sáng kiến kinh nghiệm thì làm sao mà ngồi ghế giám khảo được?

Vì vậy, để phong trào thi đua hướng tới chất lượng thật, tạo được sự đồng thuận, công bằng, minh bạch trong thi đua thì điều cốt lõi ngành giáo dục phải làm tốt những vấn đề sau.

Thứ nhất: trong Ban giám hiệu và Hội đồng thi đua khen thưởng của các đơn vị phải công tâm, khách quan, khi xét thi đua không chỉ căn cứ cứng nhắc vào hướng dẫn của ngành mà phải căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và cống hiến của cá nhân, tập thể đó cho đơn vị mình.

Tất cả cá nhân, đơn vị phải được bình đẳng khi đưa ra bình bầu, tránh thiên vị, tránh người có chức, có quyền thì nghiễm nhiên được xét, được đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, giáo viên dạy lớp bình thường thì chờ may rủi.

Bởi, ngành giáo dục đã hướng dẫn và quy định số tiết/ tuần cho mỗi đối tượng giáo viên. Đối với cán bộ quản lý, các giáo viên kiêm nhiệm công việc khác đều được quy sang số tiết dạy lớp, có tiền phụ cấp, giáo viên không kiêm nhiệm thì phải dạy bình thường.

Vì vậy, Hội đồng thi đua khen thưởng của đơn vị không thể nêu lập luận: tôi làm nhiều, đi nhiều, trong khi giáo viên kia làm ít nên phải xét sau hoặc không được xét thi đua…

Thứ hai: khi thành lập các Hội đồng giám khảo chấm chọn giáo viên dạy giỏi, chấm sáng kiến kinh nghiệm nhất thiết phải là người có chuyên môn vững vàng.

Những giám khảo phải là những nhà giáo đã từng thi giáo viên dạy giỏi các cấp, đã từng thực hiện đề tài khoa học đạt các giải cao (không nhất thiết cứ phải lãnh đạo quản lý ngồi ghế giám khảo), và dĩ nhiên người giám khảo phải là người cùng chuyên môn với người thi để chấm chọn, đánh giá một cách công tâm, minh bạch, nhìn vào chuyên môn để chấm chứ không nhìn vào tên tuổi, vị trí của người thi.

Thứ ba: thi khoa học kỹ thuật các cấp những năm qua có nhiều đề tài quá tầm của học sinh, nó ngang với những đề tài nghiên cứu của người lớn, của những người có học hàm, học vị cao và có ý kiến cho rằng đa phần các đề tài này là đều do giáo viên làm, còn học sinh chỉ đứng tên nhằm đem lại thành tích cho nhà trường.

Vì thế, sau khi được công nhận giải thì gần như nó không được ứng dụng, hoặc đưa vào ứng dụng thực tế rất ít.

Chính vì vậy, trong các cuộc thi của giáo viên và học sinh phải cương quyết loại trừ những cuộc thi chồng chéo không hữu ích. Cuộc thi phải hướng tới tính tích cực và thiết thực của ngành. Không nên môn nào cũng thi, cũng phát động dẫn đến sự quá tải cho học sinh và giáo viên.

Thứ tư: đối với giáo viên cần xác định rõ mục tiêu thi đua là để tiến bộ, cần phải nỗ lực phấn đấu bằng chính năng lực của mình, tránh nâng thành tích ảo, tránh làm mọi cách hoặc nhờ vả người khác làm đề tài khoa học thay mình để có thành tích mà chà đạp lên lương tâm và phẩm chất của người thầy.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Lời dạy của Bác mấy chục năm qua vẫn luôn là động lực cho bao người chân chính phấn đấu và thi đua.

Nếu chỉ vì một vài đơn vị, vài cá nhân của ngành giáo dục không lấy tiêu chí thi đua làm mục đích phấn đấu trong sáng để nói thi đua của ngành giáo dục là “thi đua đóng kịch” thì e rằng quá khiên cưỡng và làm thui chột động lực của bao nhà giáo chân chính đang phấn đấu.

Suy cho cùng, nếu như tất cả lãnh đạo ngành, giáo viên- những người được phân công ngồi vào ghế giám khảo công tâm, sáng suốt, không vụ lợi, giáo viên trung thực, sáng tạo thì lẽ nào những cuộc thi lại không hữu ích cho ngành?

Vì thế, điều còn lại là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên cống hiến như thế nào đối với ngành nghề mà mình đang theo đuổi để các hội thi, các cuộc thi không bị vẩn đục và tạo ra những động lực cho các nhà giáo, các đơn vị thi đua lành mạnh mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguồn https://giaoduc.net.vn