Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục kỹ năng cho trẻ bằng trò chơi dân gian


Việc kết hợp chơi dân gian vào các hoạt động học tập sẽ mang lại cho trẻ nhiều cơ hội rèn luyện kĩ năng vận động, ngôn ngữ, tư duy và sáng tạo.

 

Việc kết hợp trò chơi dân gian vào dạy học giúp trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường sống xung quanh, tránh xa các thiết bị công nghệ.

Phụ huynh ủng hộ

Giáo dục mầm non là bước khởi đầu cho các cấp học, nơi giúp trẻ hình thành và phát triển những phẩm chất, kiến thức và kĩ năng đầu đời. Trò chơi dân gian là một hình thức, phương tiện dạy học tích cực để giáo dục kĩ năng cho trẻ.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng công nghệ hiện đại, máy tính, ti vi, điện thoại thông minh… đang cướp đi tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Bất kì đâu, dù ở nhà, nơi công cộng, nhà hàng… không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ dù còn rất nhỏ nhưng đã say sưa xem điện thoại, máy tính hơn là hứng thú với thế giới xung quanh.

 

Các trò chơi dân gian góp phần giữ nét hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ.

Nắm bắt được thực tế đó, với mong muốn giữ lại nét hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ, định hướng cho sự phát triển toàn diện và đúng đắn cho trẻ, ngày càng nhiều trường mầm non áp dụng các trò chơi dân gian như một hình thức dạy học.

Ưu điểm của các trò chơi dân gian là không gian tổ chức ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, không cầu kì về cách thức tổ chức và phương tiện. Trẻ có thể vừa học vừa chơi, hòa mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và quan sát, tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Chị Trần Thanh Quý, phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non tư thục PNN (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Tôi thực sự xúc động, cảm giác như thấy lại tuổi thơ của mình trong những hình ảnh vui chơi của con. Cảm ơn các cô giáo đã tạo cho con một môi trường hạnh phúc mà giản đơn trong cuộc sống hiện đại bây giờ".

Chị Lê Thị Hoa – một phụ huynh khác cho biết, các con vẫn chưa hoàn hảo nhưng nhờ những phương pháp dạy học tích cực như trò chơi dân gian mà các con ngày càng trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều hơn, trở thành những em bé đáng yêu, hạnh phúc và rất ấm áp.

 

Việc các trường học giáo dục kỹ năng cho trẻ bằng trò chơi dân gian được phụ huynh đồng tình, hưởng ứng.

Hầu hết phụ huynh khi được hỏi đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ với phương pháp dạy học, tổ chức vui chơi thông qua các trò chơi dân gian. Những hình ảnh quen thuộc của tuổi thơ như: chơi cù, bắn bi, ô ăn quan, nhảy dây, làm trâu lá mít, súng pháo… từ thời ông bà, bố mẹ chợt hiện về sống động trong mỗi tiết học của các bé.

Gìn giữ văn hóa độc đáo của dân tộc

Cô Nguyễn Thị Sang - Trường Mầm non PNN (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là trò chơi dành cho trẻ con mà nó còn chứa đựng cả văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Thông qua các hoạt động trò chơi, trẻ không chỉ được vận động, trải nghiệm học tập mà còn được nâng đỡ về tâm hồn, rèn luyện tư duy, khả năng sáng tạo. Qua đó có thể giáo dục về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước.

“Trò chơi dân gian là phương pháp giáo dục thông minh, giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn, tạo được hứng thú và niềm vui cho trẻ. Nó cũng giúp các bé tránh xa các thiết bị điện tử, hòa nhập nhanh chóng với môi trường xung quanh”, cô Sang chia sẻ thêm.

 

Cô Võ Thị Lê (Trường Mầm non PNN) hướng dẫn các bé làm đồ chơi dân gian.

Có thể nói, mỗi trò chơi dân gian là một "tấm vé tuổi thơ" được các bé đón nhận một cách hào hứng và say mê. Tiếng cười giòn tan, gương mặt rạng rỡ của các bé khi được ngược dòng thời gian trở về với ngày xưa vốn chỉ được nghe qua lời kể của ông bà, bố mẹ đã nói lên tất cả. Một sớm tinh sương, một phiên chợ quê, đôi quang gánh, trò chơi bắt vịt, nướng khoai… giản dị thôi mà chứa đựng trong đó bao la hồn Việt.

Bé Nguyễn Minh Sang (lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Đại Nài, TP Hà Tĩnh) hào hứng: "Cháu rất thích trò chơi làm trâu lá mít, ô ăn quan. Ngoài ra chúng cháu còn được chơi trò bắt cá, nướng khoai. Không chỉ cháu mà các bạn khác cũng rất hào hứng".

 

Chu Cẩm Ly - Tiến Hiệp

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-ky-nang-cho-tre-bang-tro-choi-dan-gian-post616532.html