Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ bầu 7 tháng chia sẻ thực đơn ăn uống giúp "vào con không vào mẹ"


Bên cạnh chế độ ăn uống, việc luyện tập và giữ cho tinh thần vui vẻ cũng là yếu tố rất quan trọng.

Trong khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai, mẹ bầu sẽ đối mặt với rất nhiều sự thay đổi của cơ thể, trong đó có cân nặng. Nhiều mẹ bầu chia sẻ có cảm giác thèm ăn suốt cả ngày, tuy nhiên, việc ăn quá nhiều có thể dẫn đến một số nguy cơ như mẹ bầu thừa cân, vào mẹ nhưng không vào con, thai nhi quá to dẫn đến khó sinh...

Hiểu rất rõ điều này, chị Nguyễn Phương (sống tại Vũng Tàu, hiện mang thai em bé thứ 2 được 7 tháng) đã thiết lập chế độ ăn uống, luyện tập khoa học để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Hiện tại dù đã ở những tháng cuối của thai kỳ nhưng bà mẹ trẻ vẫn luôn tràn đầy sức sống nhờ những thực đơn healthy. Các món ăn này giúp mẹ bầu khỏe mạnh với các chỉ số đường huyết tốt, sức khỏe được đảm bảo.

Thực đơn của mẹ bầu 7 tháng có nhiều rau xanh, đầy đủ dinh dưỡng theo từng bữa. Từ ngày ăn theo chế độ này, bà mẹ 2 con cho biết bản thân luôn cảm thấy khỏe mạnh, nhẹ nhàng, vui vẻ hơn trong cuộc sống.

"Cho đến hiện tại, mình vẫn đang sở hữu một cơ thể không phù nề, không bị chuột rút hay táo bón sinh lý thai kỳ do uống nhiều vitamin nóng, đặc biệt là mình vẫn chưa rạn bụng, mặc dù mình không hề bôi dưỡng ẩm hay dầu dừa, kem trị rạn.

Mẹ bầu ăn healthy tốt cho mẹ, mà con trộm vía vẫn phát triển khỏe mạnh. Mẹ nấu lại nhàn, nhanh hơn, tiết kiệm được các công đoạn nấu nướng và có thời gian hơn để làm việc và nghỉ ngơi. Mình không phải ăn để giảm cân mà bản thân cảm nhận được khi có sức khỏe thì mới làm việc tốt, tinh thần vui vẻ và đầu óc minh mẫn hơn", chị Phương chia sẻ.

Hiện tại, bên cạnh công việc chính, chị Phương vẫn dành thời gian chăm sóc, dạy bé đầu học, nấu ăn dọn dẹp cùng rất nhiều đầu việc không tên khác, tuy nhiên bà mẹ trẻ vẫn duy trì thói quen ăn uống giúp bản thân luôn tràn đầy năng lượng.

"Song song với đó, mình vẫn hàng ngày dậy vào lúc 4h sáng để đọc sách, làm việc online, nghiên cứu về giáo dục sớm cho trẻ. Tất cả những kiến thức thu nạp được giúp cho đầu óc được minh mẫn, nhận được nhiều giá trị và động lực để giúp bản thân tiến lên mỗi ngày.

Mình tin rằng khi mẹ bầu có thói quen lành mạnh, tinh thần thoải mái thì em bé sẽ khoẻ mạnh, sinh xong cũng có một sức khoẻ tốt và nhanh chóng về vóc dáng mình mong muốn.

Mình ý thức được thứ ưu tiên nhất hàng đầu phải là sức khỏe. Khỏe thì mới chăm con tốt đồng hành cùng con. Chạm mốc 30 tuổi cũng là lúc mình có một ngưỡng mới ý thức hơn trong trách nhiệm với các con. Ai cũng biết sức khỏe quan trọng, có sức khỏe có tất cả.

Tuy nhiên cuộc sống bộn bề thường cứ chạy theo cơm áo gạo tiền và quên mất đi rằng giá trị của sức khoẻ, phải khỏe mạnh mới tạo ra đồng tiền. Khi đổ bệnh hay biến cố mới thấy sức khoẻ quan trọng lại quay về chăm thì vừa tốn kém hơn lại mất thời gian, mất đi công việc.

Khi có sức khỏe ta có ngàn ước mơ, khi không có sức khỏe ta chỉ có một ước mơ là khỏe mạnh. Sự khỏe mạnh là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện ý tưởng, ước mơ, nguyện vọng của cuộc đời mình. Bởi nếu bệnh tật, ốm đau, chúng ta thường sẽ không còn đủ sức khỏe, tâm trí nào mà lo lắng, suy nghĩ đến những việc khác", bà mẹ trẻ tâm huyết gửi gắm.

Theo chị Phương, việc ăn uống healthy trong thời gian mang thai không chỉ giúp mẹ tránh được nhiều loại bệnh nguy hiểm như tiểu đường, béo phì gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con, mà còn giúp các mẹ sau khi sinh xong sẽ nhanh chóng lấy lại được vóc dáng gọn gàng. Từ đó, các chị em sẽ tự tin, vui vẻ hơn trong cuộc sống.

Thực phẩm mẹ bầu nên ăn để vào con, không vào mẹ

- Rau xanh đậm: Những loại rau xanh đậm như rau bina, súp lơ xanh, các loại đỗ đậu... rất giàu acid folic tốt cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, tránh những dị dạng bẩm sinh cho em bé. Ngoài ra ăn nhiều rau xanh mẹ bầu sẽ được cung cấp đầy đủ chất xơ, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tránh được tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu.

- Tinh bột: Mẹ bầu chỉ nên ăn 2-3 bát cơm/ngày. Buổi sáng ưu tiên ăn bánh mì hoặc khoai lang, yến mạch hoặc gạo lức.


- Thịt: Mẹ bầu nên ăn nhiều thịt bò, thịt heo, thịt gà. Tránh ăn thịt quá nhiều mỡ.

- Cá: Cũng giống như thịt, mỗi tuần mẹ bầu nên duy trì 2-3 bữa ăn với cá. Những loại cá dinh dưỡng, tốt nhất cho phụ nữ mang thai là cá hồi, cá mòi, cá trích, tránh ăn các loại cá chứa nhiều thủy ngân.

- Bổ sung hải sản khác như cua, tôm, ốc... để được cung cấp đầy đủ chất đạm, canxi.

- Trái cây: Mẹ bầu nên ăn nhiều hoa quả để được cung cấp chất xơ, vitamin C. Những chất này giúp cho mẹ không bị táo bón, rối loạn tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.

- Uống sữa ít đường và các sản phẩm từ sữa: Mỗi ngày mẹ bầu nên uống khoảng 2-3 ly sữa và uống sau bữa chính khoảng 2-3 tiếng. Sữa tươi không đường hoặc ít đường sẽ tránh cho mẹ bầu khỏi bệnh tiểu đường thai kỳ.

- Uống nhiều nước: Mỗi ngày phụ nữ mang thai phải bổ sung 2,5 - 3 lít nước (bao gồm sữa, nước lọc, nước trái cây, nước canh...) để giúp cung cấp đủ nước ối khi sinh và đồng thời nó còn giúp cung cấp độ ẩm cho da, giúp da dẻ luôn căng mịn.

- Trứng: Trứng gà ta rất bổ cho mẹ bầu, nhưng không nên ăn nhiều quá. Một tuần 3-4 quả là đủ. Ngoài ra, những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể ăn trứng vịt lộn để bé tăng trưởng nhanh hơn.

Nguyên tắc để ăn vào con, mẹ không béo

- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa chính trong 1 ngày, mẹ bầu có thể ăn thành 6 bữa. Chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

- Không nên ăn 2 người: Mẹ bầu ăn quá nhiều sẽ bị tăng cân mất kiểm soát, dẫn đến béo phì.

- Ăn uống đa dạng: Đa dạng hóa các loại thực phẩm, không nên ăn quá nhiều và liên tục một món bất kỳ nào đó dù bị nghén một món nhất định.

- Định lượng khẩu phần ăn mỗi bữa: Chia định lượng cho khẩu phần ăn mỗi bữa để không bị thiếu dinh dưỡng và chia đều các nhóm thực phẩm cần ăn trong ngày. Khẩu phần ăn mỗi bữa bao gồm: 25% đạm( gồm thịt, cá, trứng..), 25% tinh bột (cơm, bánh mì, khoai, ngô, bún) và 50% là rau củ quả các loại... Hạn chế đường, muối, chất béo.

- Đừng quên hoạt động thể chất: Đi bộ đều đặn mỗi ngày 30 phút. Đồng thời, những lúc rảnh rỗi chị em nên tập các bài tập thể dục dành riêng cho bà bầu.

- Những thực phẩm không tốt cần hạn chế: Các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ uống có ga, đồ chiên rán nhiều mỡ...

- Thay vì uống sữa bầu, hãy uống 2-3 ly sữa tươi không đường (sữa tách béo) hàng ngày: Các mẹ thường nghĩ rằng mang thai thì phải uống sữa bầu. Nhưng thực ra sữa bầu có nhiều chất và lượng đường cũng nhiều. Phụ nữ mang thai uống sữa bầu thì chỉ vào mẹ, chứ không vào con.

Theo Phụ nữ Việt Nam