Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con đường gieo chữ ở bản "4 không" của cô giáo vùng cao Yên Bái


Để đến bản Lùng Cúng phải đi qua những con đường hiểm trở, bên vách cao, bên vực sâu, lầy lội, mặt đường xẻ tới 2-3 rãnh.

Con đường lên bản “bốn không”

Điểm trường Lùng Cúng, thuộc Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nằm ở độ cao 2.913m so với mặt nước biển. Nếu ai từng đi qua đều phải "khiếp vía” với những cung đường hiểm trở, bên vách cao, bên vực sâu, lầy lội, mặt đường xẻ tới 2-3 rãnh.

Để có thể đến bản trên con đường này, xe máy phải lắp thêm xích. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không ti-vi, nhưng những cô giáo mầm non vẫn bám trụ trên mảnh đất này để chăm sóc, nuôi dạy con em đồng bào...

Hành trình 25 km từ Trung tâm xã Nậm Có lên bản Lùng Cúng mới bắt đầu được 2 km thì tôi đã gặp cô giáo Hà Thị Thanh Xuân đang vật lộn với chiếc xe máy trườn trên những đoạn đường dốc, bùn đất nhão văng tung tóe. Người phụ nữ không đủ sức để đẩy chiếc xe ra khỏi khe rãnh của con đường sống trâu gồ ghề đành đứng lại nhìn. Bất lực, cô phải nhờ dân bản trông giúp xe rồi lại đi bộ lên.

 

Cứ chiều chủ nhật các cô lại cùng nhau vượt hơn 20 km đường đèo dốc lên với các điểm trường lẻ.

Đường lên bản càng lên cao càng quanh co, trơn trượt, tôi lọt thỏm trong sương mù, chỉ có thể nhìn rõ đường đi trong khoảng cách hơn 20m trở lại. Cuối cùng, sau gần 6 tiếng đồng hồ, cô giáo Xuân cũng ra khỏi sương mù đến một đoạn đường bằng phẳng đầy nắng, đó là đỉnh Lùng Cúng.

Cô giáo Hà Thị Thanh Xuân kể, lần đầu lên đây em chưa đi được xe, toàn phải đi bộ, thi thoảng gặp dân bản thì đi nhờ. Nhưng đi nhiều em thấy cũng ngại nên tự mình đi xe lên. Nhưng đi ngày nắng còn được, chứ đi xe ngày mưa có khi còn lâu hơn đi bộ.

Cô Xuân sinh năm 2000, nhà ở mãi thị xã Nghĩa Lộ, cách điểm trường gần 100km. Đã lên điểm trường dạy 2 năm rồi, nhưng lần nào về cô Xuân cũng bị đau nhừ người. Vất vả là vậy, mà cứ chiều thứ 6 hàng tuần các cô giáo lại vượt con đường thách thức ấy để về nhà. Sau một ngày ngắn ngủi quấn quýt bên gia đình, các cô lại vội chia tay với tổ ấm rời nhà lên bản cùng với lương thực, thực phẩm cá mắm, lạc... cho 1 tuần ở lại trên bản.

 

Những con đường đầy bùn đất lầy lội nhưng vì tình yêu nghề các cô vẫn cố gắng vượt qua.

Điểm trường mầm non Lùng Cúng với 2 lớp học đơn sơ, hiện chỉ có vài bộ đồ chơi do các cô giáo tự tay làm. Lớp học lợp tôn đã bạc màu, trắng phếch vì sương gió. Trên những tấm tôn ấy, được trang trí bằng những mảnh ghép giấy màu.

Các cô giáo ở đây đều còn khá trẻ, cô giáo Phan Thanh Hải sinh năm 1986, cô giáo Đinh Thị Phương Thảo sinh năm 1994 ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, cô giáo Hà Thị Thanh Xuân sinh năm 2000. Nếu không phải vì thương học sinh nghèo khó vùng cao, chắc có lẽ không bám trường bám bản cho đến ngày hôm nay.

Cô giáo Phan Thanh Hải cho biết: "Số lượng học sinh quá đông mà lớp chỉ có 1 giáo viên nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Với 100% là trẻ dân tộc Mông, 83% gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên trẻ còn nhiều nhút nhát, nếu không vì lòng yêu nghề mến trẻ, tôi đã không bám trụ ở nơi lưng chừng trời”.

 

Cả thanh xuân các cô giáo đã bám bản ở nơi vùng cao.

Ở trên cái vùng đất heo hút này, tưởng chừng như sẽ không có việc gì để làm, vậy mà một ngày của các cô tất bật từ sáng tới tối. Cuộc sống cứ thế xoay quanh việc dạy và dỗ những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Những đứa trẻ người Mông không biết tiếng phổ thông và những cô giáo bập bẹ tiếng Mông, dùng cả 2 thứ tiếng để giảng dạy, vậy mà họ vẫn cứ say sưa cùng nhau với những tiết tạo hình, âm nhạc...

 

Những con đường lên bản Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái).

Tri ân thầy cô bằng bông hoa rừng, hay những bó rau cải

Rời bản Lùng Cúng chúng tôi về với Trung tâm xã Nậm Có tiếp tục hành trình 20 km trên những con đường đất đá gỗ ghề để đến với các cô giáo bám bản ở điểm trường Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái).

Khi biết chúng tôi tới, cô giáo Nguyễn Thị Nhung ân cần đón tiếp và chia sẻ: "Dù đã biết trước khó khăn, nhưng cũng không lường hết được sự vất vả thực tế của bà con và học sinh nơi đây, khi nhiều em đến lớp trong tình trạng “3 thiếu” (thiếu đồ dùng học tập, thiếu quần áo ấm, thiếu sự quan tâm của bố mẹ); con đường đến lớp thì nhỏ hẹp, lắm dốc nhiều cua, vào mùa mưa lại càng thêm khó đi".

Theo quan sát của phóng viên Báo Giao thông các em đi đến trường trên tay cầm theo chiếc cặp lồng cơm mà bố mẹ chuẩn bị sẵn, họa hoằn lắm, trong chiếc cặp lồng cơm ấy mới có một miếng thịt, còn thường chỉ có cơm và ... cơm. Cháu nào khá thì có miếng cá khô bằng ngón tay hoặc ít rau xào, nhiều khi chỉ có một miếng măng ngâm ớt...

 

Những con đường sỏi đá, quanh co hiểm trở hàng tuần các cô phải vượt qua để đến với các em học sinh ở bản Làng Giàng.

Các cô sống trong một thế giới riêng, không sóng điện thoại, không điện lưới, không ti-vi nhưng với các cô vẫn còn may mắn khi thi thoảng xin được ít điện chạy bằng sức nước của nhà dân và chiếc điện thoại dù chỉ dùng để làm đèn pin, lưu trữ ảnh, cũng giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà.

 

Do không có điện lưới quốc gia các cô giáo phải dùng chiếc điện thoại hoặc đèn dầu để soạn bài

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: "Đứa con gái 12 tuổi nhà em bị bệnh tim bẩm sinh, thiếu vắng vòng tay chăm sóc của mẹ, lại phải nhờ bàn tay chăm sóc của chồng. Sóng điện thoại không có, nhiều hôm nhận được tin về sức khỏe của con không được tốt, 2 chúng em lại cùng nhau đi bộ xuống núi một quãng để "bắt sóng” gọi về nhà. Nhiều hôm muốn khóc luôn, bởi biết con gái ở nhà không khỏe, nhưng lúc đó đang dạy nên phải chờ đến chiều tối mới đi gọi điện được".

 

Mặc dù đường đi lại đầy vất vả khó khăn nhưng các cô vẫn yêu trò bám bản ở nơi non cao Mù Cang Chải (Yên Bái)

"Dạy học ở nơi xa này, vào dịp lễ Tết hoặc ngày 20/11 các em học sinh hoặc phụ huynh "tri ân" thầy cô bằng những món quà rất đơn thuần như những bông hoa rừng, vài quả sơn trà, hay những bó rau cải từ nhà để tặng thầy cô. Sau nhiều năm gắn bó, điều hạnh phúc nhất của tôi là sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, từng lớp từng lớp học trò ra trường biết định hướng tương lai", cô giáo Lò Thị Hương nói.

 

Do điểm trường không có sóng điện thoại các cô giáo phải đi vài km để dò sóng điện thoại liên lạc về với gia đình.

Chia tay với mảnh đất Mù Cang Chải (Yên Bái) với biết bao cảm xúc, tôi cảm phục những cô giáo vùng cao đang bám trụ nơi núi non hiểm trở này. Phía xa, mặt trời đang vượt lên những ngọn núi, thả những tia nắng đầu tiên. Với tôi, các cô chính là những tia nắng ban mai dành cả thanh xuân cho các em nơi lưng chừng núi quanh năm mây mù bao phủ ở Yên Bái nói chung và cả vùng Tây Bắc nói riêng.

Hà Thắng

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/con-duong-gieo-chu-o-ban-4-khong-cua-co-giao-vung-cao-yen-bai-d572955.html