Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 hệ lụy khi cha mẹ lơ là con cái


Chúng ta đã trải qua một thập kỷ với điện thoại thông minh và mạng xã hội - một thập kỷ nhiều bố mẹ lơ là việc nuôi dạy con cái.

 

Lơ là chăm sóc con cái là điều vô cùng nguy hại cho trẻ (hình minh họa)

Một thế hệ con trẻ lớn lên với sự tương tác tối thiểu của cha mẹ.

90% sự phát triển trí não của một đứa trẻ xảy ra trước 5 tuổi, và trong những năm tiếp theo, trẻ em phát triển các giá trị và niềm tin cá nhân. Chúng cần cha mẹ bên cạnh trong những năm hình thành nhân cách này.

Nếu không sớm điều chỉnh, mối nguy hiểm của việc cha mẹ lơ là trong việc nuôi dạy con cái sẽ trở thành những vấn đề nghiêm trọng đáng kể khi những đứa trẻ lớn lên.

Dưới đây là 5 hệ lụy của việc cha mẹ thiếu tập trung quan tâm con cái.

1. Kìm hãm sự phát triển cảm xúc của trẻ

Khi cha mẹ bị phân tâm và không chú ý đến con cái, những đứa trẻ đó sẽ bỏ lỡ một vùng đệm quan trọng để giúp chúng thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh. Khoảng trống này có khả năng tạo ra các vấn đề về hành vi.

Cha mẹ hãy tham gia vào trò chơi với con mình. Cha mẹ chủ động tham gia giúp giải phóng năng lượng tích tụ của con mình theo cách tích cực và giúp đặt ra các ranh giới khi trò chơi thể chất trở nên quá hung hãn.

2. Trẻ cảm thấy tầm thường

Hãy nghĩ về thông điệp thầm lặng mà việc cha mẹ thiếu quan tâm gây cho con cái của họ. Với một đứa trẻ có bố thường xuyên dính với điện thoại, bé có thể dễ dàng tin rằng “có những thứ khác quan trọng hơn con”.

Việc không tham gia tương tác đầy đủ vào cuộc sống của con bạn sẽ cướp đi trải nghiệm chứng tỏ rằng chúng đáng được ai đó quan tâm hoàn toàn, vô điều kiện, từ đó làm giảm lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Và nó cũng lấy đi của bạn những cơ hội vô giá để có mặt trọn vẹn bên cạnh con tại những khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần.

3. Làm chậm sự phát triển trí não của trẻ

Cần hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử để giúp trông trẻ vì chúng có thể ức chế nghiêm trọng sự phát triển của não bộ.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị không cho xem ti vi với trẻ em dưới 18 tháng và chỉ cho xem tivi, máy tính, điện thoại tối đa hai giờ mỗi ngày cho trẻ em từ 5 tuổi cho tới vị thành niên.

Con bạn dán mắt vào màn hình vì những lợi ích mang lại cho chúng hay chỉ để bạn có thể rảnh rang làm việc của mình? Hãy làm gương cho con mình thông qua thời gian sử dụng thiết bị cá nhân liên tục của chính bạn.

4. Hạn chế phát triển kỹ năng giao tiếp

Cha mẹ bị phân tâm khó có thể tổ chức đối thoại đích thực với trẻ. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ và các kỹ năng giao tiếp mà trẻ sẽ cần khi trưởng thành sẽ bị cản trở nghiêm trọng khi gia đình không giao tiếp tích cực.

Xung quanh bữa ăn tối là một ví dụ điển hình về nơi có thể diễn ra đối thoại, bên cạnh những lúc đưa đón trẻ, trước và sau giờ học, thậm chí tại công viên, thư viện và các cuộc tụ tập giao lưu.

5. Không phát triển được sự đồng cảm

Dù hai hay mười hai tuổi, khi con cái chúng ta liên tục nhận được thông điệp rằng vấn đề của chúng không phải là của chúng ta, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển sự đồng cảm, chỉ vì bản thân chúng hiếm khi nhận được điều đó. Chiếc cốc bị đổ, đồ bị mất hoặc nhiệm vụ ở trường thất bại có vẻ không phải là vấn đề lớn đối với cha mẹ - nhưng đối với con trẻ thì đó có thể là vấn đề lớn.

Maria Edgeworth đã nói, “Nếu chúng ta quan tâm đến những khoảnh khắc, thì năm tháng sẽ tự chăm sóc chúng.” Chiếc điện thoại có thể chờ; nhưng những khoảnh khắc quý giá với con cái của bạn thì không thể đợi.

Toàn Thắng

(Theo allprodad)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/5-he-luy-khi-cha-me-lo-la-con-cai-post615952.html